Nỗ lực kháng cự của dân thường Ukraine tại tiền tuyến Sumy
(Dân trí) - Người dân địa phương ở thành phố Sumy ở đông bắc Ukraine nỗ lực tham gia lực lượng bảo vệ lãnh thổ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, và đã cố gắng bảo vệ thành trì dù bị bao vây tứ phía.
Vào ngày 24/2/2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, chỉ có vài chục lính dù chuyên nghiệp Ukraine ở Sumy và họ không có trung tâm chỉ huy tác chiến.
Nhưng rồi tối hôm đó, khoảng 50 lính dù đó được lệnh rời khỏi thành phố - cách biên giới Nga khoảng 30km - để đến một khu vực khác. Hầu hết giới lãnh đạo thành phố và lực lượng cảnh sát cũng đã rời đi.
Cư dân của Sumy bất ngờ, bối rối và buộc phải tự cầm súng chiến đấu bảo vệ thành phố và nhanh chóng thành lập lực lượng dân quân tự vệ.
Lực lượng dân quân tự vệ Sumy, được thành lập vào ngày đầu tiên xung đột bùng nổ, đã cố gắng bảo vệ thành phố trong gần 6 tuần dù toàn thành đã bị bao vây. Đến ngày 6/4/2022, lực lượng Nga rời khỏi Sumy, khi Nga tuyên bố chấm dứt giai đoạn một của chiến dịch và rút quân về vùng Donbass. Hầu hết các thành viên lực lượng dân quân Sumy sau đó gia nhập quân đội.
Các nỗ lực của lực lượng dân quân tự vệ Sumy và dân thường trong và ngoài thành phố đã góp phần làm gián đoạn đường tiếp tế từ biên giới Nga đến Kiev.
Những nỗ lực của họ đã giúp ngăn chặn lực lượng Nga bao vây thủ đô và giành quyền kiểm soát trung tâm chỉ huy của đất nước. Đó là lý do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã nhiều lần khen ngợi lực lượng này.
Trong bài phát biểu đêm giao thừa năm mới 2023, Tổng thống Zelensky ca ngợi nỗ lực kháng cự của người dân Sumy, mô tả cách những dân thường kháng cự chống lại lực lượng Nga.
"Mặc dù chỉ có vài nghìn dân thường có súng trường, vài chục vũ khí chống tăng và không có phương tiện vũ trang hay vũ khí hạng nặng nào, nhưng họ đã làm rất tốt", ông Zelensky nói.
Những người dân cầm súng
Nhân viên hội đồng thành phố Ihor và người bạn Serhiy nằm trong số 400 dân thường Sumy cầm vũ khí ngay trong ngày đầu chiến sự. Nhiều người khác tham gia lực lượng dân quân những ngày sau đó.
Họ cho biết, chỉ khoảng 20 trong số 400 người có kinh nghiệm quân sự và đã lập ra các nhóm nhỏ tuần tra đường phố bằng ô tô và xe tải, phối hợp hành động thông qua điện thoại và ứng dụng nhắn tin.
Ihor cùng với Serhiy, hiện đã gia nhập quân đội chính quy, nói: "Về mặt hình thức, chúng tôi được gọi là lực lượng bảo vệ lãnh thổ nhưng trên thực tế chỉ là những người nhận vũ khí từ một nhà kho quân đội và thành lập các nhóm phản kháng".
Ihor cho biết thêm: "Mọi việc lúc đầu rất hỗn loạn. Không có sự phối hợp hay hướng dẫn nào từ Kiev hay bất cứ điều gì tương tự. Chúng tôi phải tự hành động".
Cả hai thông tin thêm, lực lượng dân quân có một số vũ khí chống tăng cầm tay, còn lại chỉ được trang bị súng trường cá nhân và bom xăng tự chế. Họ đều không có áo giáp chống đạn.
"Một cụ già đi ngang qua nhìn thấy tôi và nói rằng cháu của ông cũng tham gia chiến đấu và ông sẽ mang cho tôi một chiếc mũ bảo hiểm", Serhiy nói, đồng thời cho biết chiếc áo chống đạn của mình không có tấm bảo vệ.
Ihor và Serhiy cho hay, một trong những yếu tố chính đã cứu thành phố là trận chiến đầu tiên diễn ra bên ngoài trường đại học nghệ thuật ở ngoại ô thành phố. Một đội hình xe tăng Nga khi đó tiến gần đến ngôi trường, nơi đơn vị lính dù Ukraine đang phòng thủ.
Ihor cho biết, cả hai bên ban đầu không nhận ra rằng đang đối mặt với quân đội Nga và thậm chí còn xuống xe, tiến đến gần để hỏi đường.
Nhưng khi Serhiy và Ihor đến chỗ những người lính dù chuyên nghiệp bảo vệ thành phố lúc đó để yêu cầu trợ giúp, "họ đã bỏ đi trước sự thất vọng của chúng tôi".
"Chúng tôi đã nhìn thấy những chiếc xe bọc thép và nghĩ rằng sẽ không đơn độc với những khẩu súng trường. Nhưng sau đó họ được yêu cầu rời đi, và chúng tôi bị bỏ lại một mình chiến đấu", anh kể lại.
Serhiy cho hay, chính trận chiến đầu tiên này và các cuộc tấn công khác trong những ngày đầu tiên của lực lượng dân quân tự vệ đã cho người Nga thấy rằng, có nhiều vũ khí và quân chính quy đang bảo vệ thành phố ở Sumy. "Chúng tôi đã may mắn. Trên thực tế, đó chỉ là lực lượng dân quân tự vệ mới thành lập".
"Mọi người bắt đầu nỗ lực hơn. Những người bạn gái ở trường đại học tiếp tế chúng tôi bom xăng. Có những người nhắn tin chỉ điểm về lực lượng Nga. Tôi nghĩ vì điều này mà thành phố đã có thể chống chọi được", anh Serhiy nói.
Sau 3-4 ngày đầu tiên, lực lượng Nga chủ yếu đánh thăm dò, cử các nhóm nhỏ vào thành phố. Các lực lượng tự vệ cũng làm như vậy. "Nhiệm vụ của chúng tôi là phá hủy các xe chở nhiên liệu sau một thời gian thì họ không còn nhiên liệu rồi sẽ rời đi".
Theo anh Serhiy, những trận phục kích như vậy khiến lực lượng Nga lo hơn khi tiến vào thành phố rồi sau đó quyết định rút quân.