1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những vấn đề lớn của thế giới trong năm 2012

(Dân trí) - Năm 2011 đã kết thúc, cùng các chuyên gia phân tích quốc tế đưa ra nhận định về một số vấn đề có thể định hình chương trình nghị sự quốc tế trong năm 2012.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1864/Toan-canh-the-gioi-nam-2011.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Toàn cảnh thế giới năm 2011</b></a>

Những vấn đề lớn của thế giới trong năm 2012 - 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tái chạy đua vào năm nay.
 
1 . Một loạt cuộc bầu cử, trong đó phải kể đến bầu cử tại Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2012 đáng được gọi là năm đại bầu cử của thế giới: trong số hàng chục nước sẽ có các cuộc bầu cử quan trọng, có bốn trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiến hành Đại hội 18 và bầu ra tập thể lãnh đạo mới, trong khi Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc… đều sẽ tiến hành bầu cử tổng thống, Nhật Bản cũng có khả năng thay đổi thủ tướng.

Pháp và Mỹ đều thay tổng thống vào năm 2012: bầu lại tổng thống hiện nay cho nhiệm kỳ hai và cuối cùng với 4 hoặc 5 năm, hay bầu ra một tổng thống mới thuộc chính đảng đối lập. Nga cũng sẽ có tổng thống mới (việc hoán đổi vị trí giữa Medvedev và Putin đã là điều chắc chắn), và dự kiến có nhiều thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Cuộc bầu cử nào của Mỹ cũng quan trọng và sẽ thống trị đời sống chính trị Mỹ. Nhưng cuộc bầu cử trong năm 2012 được dự báo có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế. Sự chia rẽ bè phái sâu sắc sẽ tiếp diễn, thậm chí có thể trầm trọng hơn do các chiến thuật tranh cử, trong năm 2012 và ngăn cản các cuộc tranh luận chính sách nghiêm túc. Hiện tại vẫn rất khó để dự báo kết quả của cuộc bầu cử này. Tình hình kinh tế khó khăn cùng với việc không giúp tạo ra được sự thoả hiệp trong Quốc hội là những rào cản chính trong việc tái đắc cử của Obama. Trong khi đó thì đảng Cộng hoà cũng chưa có một ứng cử viên nổi trội nào. Cuộc bầu cử tổng thống săp diễn ra cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.

Nhưng có thể nói cuộc bầu cử chọn lãnh đạo mới ở Trung Quốc được giới quan sát và truyền thông quan tâm nhiều nhất. Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc , dự tính sẽ diễn ra vào mùa Thu năm 2012, sẽ chính thức quyết định ai là người thay thế ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo trong vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc trong 5 hay 10 năm tới đây. Dư luận khu vực đánh giá Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tranh thủ môi trường quốc tế hòa bình, kéo dài thời kỳ cơ hội phát triển chiến lược. Xét về tổng thể, tình hình kinh tế Trung Quốc tốt, sự chuyển giao quyền lực có trình tự cũng có thể bảo đảm tính liên tục của chính sách.

2 . Quan hệ chiến lược Trung-Mỹ, cơ hội và thách thức năm 2012

Quan hệ giữa hai nước lớn nhất hành tinh rõ ràng là nhân tố rất được quan tâm khi xem xét cục diện chính trị thế giới trong năm 2012.

Theo những phân tích của khu vực và phương Tây, ưu tiên cao nhất của Trung Quốc trong năm 2012 là giải quyết vô số các vấn đề trong nước. Trọng tâm của Bắc Kinh trong các mối quan hệ quốc tế là tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng. Nhưng chắc chắn trong chiến lược đối ngoại, Bắc Kinh không thể xếp hạng thấp mối quan hệ với Washington.

Năm 2011 là năm “nhiều gập ghềnh” với mối quan hệ Mỹ-Trung: có những diễn biến tích cực (chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào; Đô đốc Mike Mullen thực hiện chuyến thăm cấp cao Trung Quốc), và có những căng thẳng (vấn đề đồng Nhân dân tệ, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, những can dự kiên quyết của Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị và quân sự ở châu Á khiến Trung Quốc phải lên tiếng).

Các kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 dường như không báo trước tương lai hết ảm đạm của mối quan hệ Trung-Mỹ, bởi cho dù Cộng hòa hay Dân chủ lãnh đạo Washington, chiến lược can dự châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cũng sẽ vẫn được xúc tiến. Mà tiến vào châu Á, có nghĩa là Mỹ sẽ không tránh khỏi những đụng chạm quyền lợi với Trung Quốc. Vì thế, quan hệ song phương Bắc Kinh-Washington sẽ xuất hiện những thách thức; những thách thức này sẽ đặt ra cả vấn đề lẫn cơ hội cho khu vực châu Á, đặc biệt là bắt đầu từ mấy tháng gần đây, người ta thấy có sự tăng cường và kêu gọi hợp tác giữa Washington, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.

Vấn đề nữa cần lưu ý rằng quan hệ Mỹ-Trung không chỉ liên quan đến khu vực châu Á, mà còn được nhắc đến ở châu Âu (nỗ lực cứu khu vực eurozone), ở Mỹ Latinh (nơi đang chờ đợi sự hỗ trợ của Trung Quốc để đối phó với những tác động xấu của ảnh hưởng kinh tế từ Mỹ và châu Âu) hay Trung Đông và châu Phi (nơi Mỹ-Trung có những quyền lợi đan xen).

3. Bất bình đẳng tăng lên đang châm ngòi cho các cuộc biểu tình khắp thế giới

Bức tranh chính trị của Trung Đông-Bắc Phi vẫn đang được vẽ lại, nhưng mức độ lộn xộn về mặt kinh tế của khu vực này cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2012. Sự ra đi của các nhà lãnh đạo đầy quyền lực ở khu vực này vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho những bất ổn chính trị tại khu vực này. Dù dự báo là kinh tế toàn khu vực này sẽ phục hồi trong năm 2012, nhưng điều kiện vẫn khó khăn, nhiều nền kinh tế vẫn trong điều kiện xấu hơn so với dưới thời chế độ cũ.

Trong khi đó, tình hình kinh tế các nước phương Tây đến đầu năm 2012 phổ biến không tốt, các phong trào xã hội nổi lên hết đợt này đến đợt khác theo sự bất mãn của dân chúng. Từ làn sóng bạo động ở Trung Đông, phong trào “chiếm phố Wall” ở Mỹ, những lộn xộn ở Italia hay Hy Lạp... vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới rõ ràng đã và đang lan sang các lĩnh vực xã hội và chính trị, kể cả các nước Arập lẫn các nước phát triển Âu – Mỹ.

Thậm chí có ý kiến nhận định “Mùa Xuân Arập” đã gây chấn động thế giới, nhưng điều oái oăm là chính các phong trào chính trị-xã hội phi bạo lực nổ ra từ đầu năm 2011 ở Phương Tây lại tác động có tính chất quyết định tới tương lai của toàn cầu năm 2012. Sự bất công và bất mãn chính là nguyên nhân sâu xa đằng sau di chứng hậu khủng hoảng tài chính lần này. Sự bất ổn xã hội và chính trị có thể trở thành một nguy cơ nữa cho hoạt động kinh tế.

4. Rủi ro kinh tế đã thấy

Nhiều thể chế tài chính cuối năm 2011 có cùng chung báo cáo nhận định rằng triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 không tốt: suy thoái tại châu Âu, tăng trưởng yếu ớt tại Mỹ, tăng trưởng suy giảm tại Trung Quốc và hầu hết các nền kinh tế thị trường đang nổi.

Các nền kinh tế châu Á, Mỹ Latinh bị ảnh hưởng do kinh tế Trung Quốc và các nước phát triển cũng chậm lại. Trung Âu và Đông Âu bị ảnh hưởng do tình hình khu vực đồng euro. Sự biến động tại Trung Đông đang gây ra những rủi ro kinh tế quan trọng cả cho khu vực và thế giới, giá dầu cao sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu.

Các điều kiện kinh tế trong năm 2012 sẽ khó khăn hơn đối với đa số các nước trên thế giới. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu tính theo sức mua trong năm 20112 là 3,2%, giảm so với mức 3,8% trong năm 2011. Sự suy giảm của các nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ cản trở sự tăng trưởng toàn cầu và làm suy yếu lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở nhiều mức độ khác nhau. Sự suy giảm đó cũng có tác động đến đa số các thị trường, đăc biệt là khu vực Đông Âu và Bắc Phi cũng như các nước đang nổi châu Á. Ảnh hưởng toàn cầu của việc suy thoái tại khu vực đồng euro sẽ gây ra và cộng hưởng với việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

5 . Vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Iran sẽ khiến các nhà ngoại giao bận rộn

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện những diễn biến mới vào những ngày cuối cùng của năm 2012. Cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên khiến Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á lo ngại về sự không rõ ràng xung quanh chương trình hạt nhân cũng như những hành động có thể của quốc gia này trong năm 2012.

Trong khi đó, chương trình hạt nhân của Iran và phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với chương trình này có thể sẽ tiếp tục tạo ra một năm bất ổn trong năm 2012. Những báo cáo gần đây của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó lần đầu tiên khẳng định Iran đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân, đã làm gia tăng các nguy cơ địa chính trị. Mỹ cùng một số nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Căng thẳng và những nguy cơ xung đột đã được nhắc đến.

6 . Châu Á - Thái Bình Dương trả giá cao cho thiên tai

Các chuyên viên về khí hậu nói khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đối mặt với chi phí ngày càng cao do thay đổi khí hậu, tạo ra những thách thức mới cho khu vực này.

Theo các chuyên gia của LHQ, sau thiên tai sóng thần, khu vực vẫn chưa sẵn sàng đầy đủ để đối phó với thiên tai loại lớn. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nói châu Á -Thái Bình Dương đã chiếm 80% số người chết vì thiên tai của thế giới và thiệt hại về kinh tế sẽ rất to lớn, vì nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Trong phúc báo cáo công bối cuối năm 2011, WB cảnh báo từ năm 2012 đến năm 2050, hàng tỉ người ở khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng của thiên tai, riêng Ấn Độ sẽ có khoảng 200 triệu.

7. Giá nguyên liệu thấp hơn

Nếu triển vọng kinh tế khó khăn của năm 2012 có một điểm hỗ trợ thì đó chính là việc giá nguyên liệu sẽ dịu đi sau 2 năm tăng mạnh. Điều này có được chủ yếu là do nhu cầu yếu đi, hoặc ít nhất là tốc độ tăng của nhu cầu chậm lại. Trong một số trường hợp, như dầu mỏ, những cải thiện trong nguồn cung cũng giúp giá hạ.

Hà Khoa

Tổng hợp