Những vấn đề "gai góc" trong chuyến công du châu Á cuối cùng của ông Obama
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có những cuộc hội đàm gai góc về cuộc chiến chống nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), biến đổi khí hậu và nhân quyền khi ông khởi động chuyển thăm cuối cùng tới châu Á kéo dài 8 ngày trong tuần này.
AP đưa tin, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khởi hành chuyến thăm châu Á vào ngày mai 31/8 để tham dự một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh ở Hàng Châu, Trung Quốc và tại Viêng Chăn, Lào.
Tới thăm khu vực 5 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Nhà Trắng lên kế hoạch chuyến công du này như một điểm nhấn để nêu bật nỗ lực 7 năm qua của chính quyền Obama nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á, trong đó có nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do lớn và một thỏa thuận khí hậu bước ngoặt với Trung Quốc.
Giới chức Nhà Trắng cho biết ông ông Obama đã nhấn mạnh thông điệp trên trước khi ông khởi động chuyến đi.
Tổng thống Mỹ sẽ tới Hàng Châu, Trung Quốc, nơi ông tham dự thượng đỉnh G20 cùng lãnh đạo các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới. Ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thảo luận về tiến triển tiến tới việc phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris. Giới chức Nhà Trắng cho biết họ hi vọng hiệp ước khí hậu lịch sử sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Nhưng vấn biến đổi khí hậu chỉ là một phần trong lịch trình bận rộn của Tổng thống Mỹ. Ông Obama dự kiến có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 4/9, cuộc gặp đầu tiên giữa họ kể từ cuộc đảo chính bất thành vào mùa hè năm nay, vốn khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.
Ông Obama và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận các cuộc đụng độ gần đây giữa các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria. Washington đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO, về các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Kurd, cho rằng diễn biến này đi chệch hướng với cuộc chiến chống nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổng thống Erdogan trước đó đã tuyên bố ông có kế hoạch tiếp tục các cuộc tấn công cho tới khi lực lượng người Kurd không còn gây ra mối đe dọa về an ninh đối với Ankara.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cũng diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Mỹ dẫn độ một giáo sĩ Hồi giáo sống tại Mỹ mà Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7.
Lịch trình của ông Obama cũng bao gồm một cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền vì cuộc trấn án tội phạm ma túy đẫm máu gần đây. Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ nêu ra những lo ngại này với nhà lãnh đạo mới của Philippines, phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes ngày 29/8 cho biết.
Ông Rhodes nói thêm, Tổng thống Obama sẽ sử dụng chuyến thăm này để thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận đa quốc gia lớn hiện đang bị “tắc” tại quốc hội Mỹ và vấp phải sự phản đối từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.
TPP được xem là một trọng tâm trong chính sách châu Á của ông Obama và cũng là một “trụ cột cho vai trò lãnh đạo của Mỹ”, ông Rhodes nhấn mạnh.
“TPP cũng được xem một minh chứng cho cam kết của Mỹ với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương. Và chúng ta sẽ bị tụt lùi từ vai trò lãnh đạo đó, sẽ nhường lại khu vực cho các quốc gia như Trung Quốc, vốn không đặt ra cùng loạt quy chuẩn cao cho các thỏa thuận thương mại, nếu Mỹ không phê chuẩn TPP”, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói.
Trong khi có mặt tại châu Á, Tổng thống Obama sẽ có chuyến thăm Lào, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm tới quốc gia Đông Nam Á, nơi ông sẽ gặp cả Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Trước chuyến thăm, Nhà Trắng thừa nhận “lịch sử rất khó khăn” giữa hai nước, ám chỉ vấn đề 270 triệu bom chùm mà Mỹ dội xuống Lào trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Tổng thống Obama dự kiến sẽ công bố các bước đi mới nhằm giúp dọn dẹp bom chưa nổ tại Lào.
Ông Obama cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Lào.
An Bình