1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những toan tính phía sau liên minh Trump - Musk

Ngô Hoàng

(Dân trí) - Sự bắt tay giữa tỷ phú Elon Musk và cựu Tổng thống Trump không chỉ là câu chuyện về tiền và quyền lực, mà còn hé lộ những thay đổi sâu sắc trong quan hệ giữa Thung lũng Silicon và chính trường Mỹ.

Những toan tính phía sau liên minh Trump - Musk - 1

Ông Musk vận động tranh cử cho ông Trump tại bang Pennsylvania (Ảnh: Reuters).

Sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 kết thúc, các nhà phân tích thời sự quốc tế ở cả trong và ngoài nước Mỹ đã đi tìm và đưa ra nhiều lý do khác nhau, nhưng ai cũng thấy việc ông Donald Trump tranh thủ được tỷ phú công nghệ Elon Musk trực tiếp tham gia tích cực vào chiến dịch tranh cử của mình ở giai đoạn nước rút là một yếu tố vô cùng quan trọng. Sự hỗ trợ của ông Musk giúp cựu Tổng thống đảng Cộng hòa giành được chiến thắng thuyết phục trước đương kim Phó Tổng thống Dân chủ Kamala Harris.

Elon Musk - người giàu nhất hành tinh và phi vụ Twitter

Vào tháng 4/2022, một sự kiện gây chấn động toàn thế giới là ông chủ hãng Tesla Elon Musk, một gã khổng lồ trong ngành công nghệ, đã bất ngờ mua lại mạng xã hội Twitter và sau này đổi tên thành X.

Dù phải bỏ ra tới 44 tỷ USD, ông chủ các hãng Tesla và SpaceX không đặt nặng mục tiêu tăng thêm lợi nhuận và sự giàu có của mình và chủ yếu là nhằm "tạo ra một nền tảng làm động lực cho tự do ngôn luận trên toàn thế giới", chắc hẳn Elon Musk đã không hề nghĩ rằng chính mạng xã hội đó lại đóng vai trò lớn và quan trọng đến như vậy trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024 của ông Trump và càng không nghĩ là nó lại gián tiếp đem lại những khoản lợi nhuận lớn và nhanh chóng như vậy.

Theo Forbes, tổng giá trị tài sản của tỷ phú Elon Musk trong 24h sau khi ông Trump đắc cử đã tăng thêm 20,9 tỷ USD, nâng tổng khối tài sản ròng lên 285,6 tỷ USD. Ngoài việc bỏ một số tiền khủng để giúp chiến dịch tranh cử của ông Trump, Elon Musk đã sử dụng mạng X như là một cơ quan chính thức để thu hút và tuyên truyền sâu rộng trong cử  tri ở mọi miền đất nước về ứng viên Trump. Sau thành công này, Elon Musk cho biết sẽ tiếp tục dùng mạng X cho các cuộc bầu cử trong tương lai.

Từ đối đầu đến bắt tay

Còn nhớ, vào năm 2015, khi tỷ phú Donald Trump lần đầu khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống 2016, là người vốn luôn ủng hộ cho đảng Dân chủ, ông chủ hãng xe Tesla Elon Musk từng công khai bày tỏ sự hoài nghi về năng lực lãnh đạo của ông chủ Trump Organization cũng như cơ hội thắng cử của ông Trump. Tuy nhiên, chỉ 9 năm sau, tỷ phú công nghệ này đã trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Khoản đóng góp gần 120 triệu USD của Musk thông qua Super PAC cho chiến dịch tranh cử của ông Trump không chỉ là con số kỷ lục, mà còn là minh chứng cho sự chuyển dịch quyền lực đang diễn ra trong lòng nước Mỹ. "Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một tỷ phú công nghệ công khai ủng hộ Trump với quy mô lớn như vậy", tiến sỹ John Anderson, chuyên gia về chính trị Mỹ tại Đại học Columbia, nhận định.

Đối với ông Trump, sự ủng hộ của Elon Musk mang lại không chỉ nguồn tài chính dồi dào cho chiến dịch tranh cử, mà còn là "bảo chứng" từ một trong những doanh nhân được ngưỡng mộ nhất trong giới trẻ Mỹ. Các công nghệ tiên tiến của các công ty do Musk điều hành, trước hết là mạng xã hội X đã được sử dụng đặc biệt hiệu quả trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua.

Về phía Musk, chiến thắng của Trump trước Harris có thể mang lại nhiều lợi ích vừa thiết thực, vừa lâu dài. Các chuyên gia phân tích rằng Tesla có thể hưởng lợi từ chính sách giảm thuế doanh nghiệp, trong khi SpaceX không chỉ có thể nhận được nhiều hợp đồng của Chính phủ hơn, mà còn gián tiếp hưởng lợi từ những ý tưởng táo bạo và chủ nghĩa năng động kiểu Mỹ rất cần thiết cho sứ mệnh chinh phục vũ trụ của mình và duy trì vị thế cạnh trên những lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất.

"Đây là một ví dụ điển hình về sự đan xen giữa lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị", giáo sư Sarah Thompson từ trường Học viện Công nghệ Massachusetts nhận xét.

Động lực của một liên minh bất ngờ

Sự "đào ngũ" của ông Musk khỏi phe Dân chủ - vốn được xem là đồng minh truyền thống của Thung lũng Silicon - không phải là quyết định nhất thời. Xung đột giữa ông Musk với chính quyền Biden đã âm ỉ từ lâu, bắt đầu từ các bất đồng về chính sách công đoàn, quy định công nghệ và đặc biệt là vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội.

Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal, cũng đã công khai ủng hộ Trump từ năm 2016. "Chúng ta đang chứng kiến một sự tái định hình của bản đồ chính trị trong giới công nghệ. Các nhà lãnh đạo công nghệ ngày càng quan tâm đến các chính sách kinh tế và quy định hơn là các vấn đề xã hội truyền thống", Jessica Martinez, nhà phân tích tại Viện Brookings, nhận định.

Trong khi đó, "đảng Dân chủ đã thay đổi. Họ không còn là đảng của tự do ngôn luận và đổi mới sáng tạo như trước", Elon Musk đã từng viết trên nền tảng X. Quan điểm này được chia sẻ bởi nhiều lãnh đạo công nghệ khác, đặc biệt là nhóm "PayPal Mafia", mạng lưới những cựu nhân viên PayPal có ảnh hưởng lớn trong Thung lũng Silicon.

Sự ủng hộ của ông Musk dành cho ông Trump cũng không phải là một hiện tượng đơn lẻ, mà phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn ở Thung lũng Silicon. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu công nghệ Stanford, tỷ lệ các nhà điều hành công nghệ ủng hộ đảng Cộng hòa đã tăng từ 24% năm 2016 lên 38% năm 2024. Đáng chú ý, nhóm này chủ yếu tập trung vào các vấn đề như quy định chống độc quyền, tự do ngôn luận trên mạng xã hội và mối quan hệ với Trung Quốc.

Liên minh đáng ngạc nhiên đó cho thấy sự thay đổi đáng kể trong động lực chính trị giữa các nhà lãnh đạo công nghệ. Bất chấp những bất ổn trước đó, Musk đã trở thành một nhân vật quyền lực ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa. Vẫn còn sự chia rẽ khi đảng Dân chủ vẫn duy trì được sự ủng hộ đáng kể trong ngành công nghệ, ví dụ như với những nhân vật như Mark Cuban. Những lời chỉ trích của Musk đối với đảng Dân chủ tập trung vào quy định và quyền tự do ngôn luận, làm tăng thêm căng thẳng cho diễn ngôn chính trị.

Những lo ngại về xung đột lợi ích và an ninh quốc gia

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giới tinh hoa tài phiệt công nghệ cao ở Thung lũng Silicon với ông Trump cũng làm dấy lên nhiều lo ngại. Tesla, công ty đầu tàu của Musk, có nhiều hình thức làm ăn lớn trên thị trường Trung Quốc, trong khi SpaceX lại nắm giữ nhiều hợp đồng quân sự nhạy cảm với chính phủ Mỹ. "Việc một người có nhiều lợi ích kinh tế phức tạp như vậy tham gia vào cấp cao nhất của chính quyền có thể tạo ra những xung đột lợi ích nghiêm trọng", một quan chức Lầu Năm Góc từng cảnh báo.

Xu hướng chính trị mới trong giới công nghệ cao cũng đặt ra những câu hỏi về vai trò của các nền tảng số trong việc định hình dư luận và chính sách. Số liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 72% người Mỹ lo ngại về ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn đối với tiến trình dân chủ. "Cần có một khuôn khổ pháp lý mới để đảm bảo sự cân bằng giữa đổi mới công nghệ và trách nhiệm xã hội", Giáo sư Thompson nhấn mạnh. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập các quy định mới không chỉ là nhiệm vụ của riêng Mỹ mà còn là thách thức chung đối với cộng đồng quốc tế.

Triển vọng và thách thức phía trước

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã qua, liên minh Musk - Trump được chứng minh là rất hiệu quả và với những lời khen ngợi chưa từng có của ông Trump dành cho Eloln Musk, sẽ là rất bình thường, tự nhiên và hợp lô-gíc là liên minh này sẽ còn tiếp tục tồn tại và tạo ra nhiều giá trị và ảnh hưởng mới.

Tuy nhiên, điều này sẽ đặt các cơ quan quản lý đang đứng trước những nhiệm vụ và thách thức mới, trong đó có việc phải sớm thiết lập những quy định mới để đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế, các giá trị cốt lõi của thể chế và an ninh quốc gia.

"Chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa công nghệ và chính trị. Điều quan trọng là phải đảm bảo sự phát triển này không làm suy yếu các nguyên tắc dân chủ cơ bản của xã hội", giáo sư Thompson kết luận.

Liên minh Musk - Trump không chỉ là câu chuyện về 2 cá nhân mà còn là biểu tượng cho những thay đổi sâu sắc trong mối quan hệ giữa công nghệ và chính trị tại Mỹ. Những tác động của nó sẽ còn tiếp tục định hình không chỉ nền chính trị Mỹ mà còn cả bức tranh công nghệ toàn cầu trong những năm tới. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm