Những thành phố “ma” khắp thế giới
(Dân trí) - Từng là các du dân cư đông đúc, sầm uất, nhiều thành phố trên thế giới lại biến thành các khu vực không một bóng người vì các lý do khác nhau. Sau nhiều năm, chúng trở thành các địa điểm du lịch yêu thích.
Ngôi làng Belchite ở đông bắc Tây Ban Nha đã gần như bị phá huỷ hoàn toàn trong cuộc nội chiến 1936-1939. Một ngôi làng mới cuối cùng đã được xây dựng cạnh những đống đổ nát của ngôi làng cũ, hiện vẫn còn được bảo tồn cho tới ngày nay.
Thị trấn Barkerville ở British Columbia, Canada từng rất phát triển vào những năm 1860 do vùng đất có nhiều vàng. Được đặt theo tên một di dân người Anh, người đầu tiên tìm thấy vàng tại đây, thị trấn đã bị bỏ hoang thời suy thoái kinh tế 1929-1939 và giờ đây trở thành một địa điểm du lịch.
Năm 1923, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp đã ký một thoả thuận vốn chứng kiến hàng triệu người Chính thống giáo Hi Lạp tại Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo tại Hi Lạp trao đổi dân số. Ngôi làng Kayaköy tại Thổ Nhĩ Kỳ, từng là nơi sinh sống của khoảng 2.000 người Chính thống giáo Hi Lạp, đã bị bỏ hoang kể từ đó.
Bị chôn vùi một nửa trong cát của sa mạc Namib ở Namibia là một ngôi làng khai mỏ cũ được biết tới với tên gọi Kolmanskop. Ngôi làng được xây dựng bởi các thợ mỏ Đức sau khi một mỏ kim cương được phát hiện ở đây. Ngôi làng này từng rất sầm uất nhưng các dân cư cuối cùng đã rời bỏ nơi đây vào những năm 1950 do kim cương cạn kiệt và điều kiện sống khó khăn.
Ngôi làng Oradour Sur Glane ở Pháp từng là nơi diễn ra vụ thảm sát dưới bàn tay của phát xít Đức vào năm 1944. Tổng cộng 642 người đã bị sát hại tại đây và ngôi làng sau đó đã được chính phủ Pháp bảo tồn như một khu tưởng niệm.
Hòn đảo giống phào đài Hashima tại Nhật Bản từng là nơi sinh sống của hàng nghìn người kể từ những năm 1880 khi nó đuợc sử dụng như một cơ sở khai thác than. Sau khi hãng Mitsubushi mua hòn đảo, các khu nhà tập thể đã được xây dựng cho công nhân, cũng như một bức tường chắn nước biển bằng bê tông để bảo vệ nhà cửa. Sau khi mỏ bị đóng cửa năm 1974, hòn đảo đã bị bỏ hoang.
Sau thảm hoạ Chernobyl năm 1986, thành phố Prypiat, được xây dựng cho các công nhân của nhà máy Chernobyl, đã bị bỏ hoang hoàn toàn.
Chỉ còn một số ít người được tin vẫn đang sinh sống tại thành phố Quneitra của Syria, từng là một khu vực nhộn nhịp khi được chuyển giao cho phía Israel vào năm 1967. Khi quân đội Israel rút đi năm 1974, thành phố đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn và không được xây dựng lại kể từ đó.
Năm 1903, một khu sinh sống của người mắc bệnh hủi đã được thành lập trên đảo Spinalonga, Hi Lạp. Khoảng 400 người đã sống tại đó trong hơn nửa thế kỷ cho tới khi khu này đóng cửa năm 1954 và hòn đảo chưa từng có người sinh sống kể từ đó. Giờ đây, hòn đảo là một địa điểm du lịch được yêu thích.
Tại thị trấn Salisbury Plain ở Wiltshire, một ngôi làng đã bị Bộ quốc phòng Anh sử dụng làm khu vực huấn luyện trong Thế chiến II. Người dân của ngôi làng chưa từng được phép trở lại đây kể từ khi đó.
Một bức tượng của Lenin tại Pyramiden, một khu định cư hoang tàn của Nga trên hòn đảo Spitsbergen ở Na Uy. Từng là một khu vực khai thác than giàu có, nó đã được Liên Xô mua lại vào năm 1927 nhưng bị bỏ hoang trong cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998.
Thành phố đổ nát Pompeii, bị chôn vùi sau một vụ nổ của núi lửa Vesuvius ở vịnh Naples, Italia gần 2.000 năm trước, ngày nay là địa điểm thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan mỗi năm.
Thị trấn Bodie đã phát triển mạnh sau khi vàng được tìm thấy ở đây vào năm 1850 và một số người vẫn tin đây từng là một trong những thành phố lớn nhất của California. Nhưng đến năm 1915, nơi này đã bị xem là thành phố ma và giờ đây trở thành một công viên lịch sử.
Dân số tại thành phố Wittenoom ở phía tây Australia bắt đầu giảm vào những năm 1960, khi những lo ngại về sức khoẻ được đặt ra do ngành khai thác mỏ và nghiền khoáng chất a-mi-ăng diễn ra tại đây. Chính phủ cuối cùng đã khuyến khích người dân di cư và tên của thành phố ngày nay đã bị xoá sổ khỏi các bản đồ.
An Bình
Tổng hợp