1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những thành phố "không tồn tại"

Những thành phố này chính là bàn đạp trong cuộc đua chế tạo bom nguyên tử giữa Mỹ và trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Có 3 thành phố ở Mỹ được xây dựng năm 1943 với tốc độ kỷ lục nhưng không hề có tên trên bản đồ và cùng chung mục đích chế tạo bom hạt nhân, một phần của dự án Manhattan.

Quy mô chưa từng có

Người dân Mỹ vừa mới được biết điều đó qua cuộc triển lãm "Secret Cities: The Architecture and Planning of the Manhattan Project" (tạm dịch: Những thành phố bí mật: Kiến trúc và Kế hoạch của dự án Manhattan), mở cửa hôm 3-5 tại Bảo tàng Xây dựng quốc gia ở Washington. Ba thành phố bí mật đó là Oak Ridge ở bang Tennessee, Los Alamos ở bang New Mexico và Hanford/Richland ở bang Washington. Chúng không tồn tại một cách công khai trong thế chiến II và không mấy người biết chuyện gì đang diễn ra ở đó, ngay cả cư dân xung quanh.

"Thoạt nhìn, chúng trông giống như mọi cộng đồng bình thường ở Mỹ" - ông Martin Moeller, người tổ chức cuộc triển lãm trên, nhận định với tờ The Guardian.

Thế nhưng, đây là bàn đạp trong cuộc đua chế tạo bom nguyên tử giữa Mỹ và trùm phát xít Đức Adolf Hitler. Cuối năm 1942, tức chưa đầy 1 năm sau khi Washington tham gia thế chiến II, Lực lượng Công binh đã âm thầm kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở những khu vực xa xôi của 3 bang nói trên.

Số cư dân ít ỏi tại những nơi này được đưa đi chỗ khác và nhà cửa của họ bị phá bỏ. Không lâu sau đó, hàng ngàn công nhân trẻ từ nhiều nơi kéo đến, ban đầu lưu trú trong các lán trại tạm bợ được che chắn bởi hàng rào tự nhiên và an ninh. Lực lượng này nhanh chóng dựng lên hàng trăm tòa nhà, trong đó có những công trình công nghiệp với quy mô chưa từng có.

Mục đích của họ khi đó chỉ có một. Biết rằng Đức quốc xã theo đuổi vũ khí hạt nhân, Mỹ đã đầu tư nguồn nhân lực và vật lực khổng lồ nhằm chế tạo được quả bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Chắc chắn là chẳng có lý do gì có thể cấp bách hơn thế.

"Mặc dù vậy, khi xây dựng những cộng đồng này, điều quan trọng là tạo ra nơi ăn ở trong môi trường thoải mái dành cho những người sẽ làm việc cho các khoa học gia và kỹ sư sẽ thực hiện công việc quan trọng này. Họ cần cảm thấy như ở nhà. Họ cần một cộng đồng "bình thường". Vì thế, trong tình hình khẩn cấp này, chính phủ Mỹ đã xây dựng các ngôi nhà đơn lẻ thay vì nhồi nhét tất cả vào những nhà tập thể và doanh trại" - ông Moeller, người đã đến Oak Ridge lần đầu tiên cách đây 3 thập kỷ, giải thích.


Ảnh chụp nhà máy Y-12 từ trên cao

Ảnh chụp nhà máy Y-12 từ trên cao


Bên trong nhà máy Y-12 tại TP Oak Ridge năm 1944 Ảnh: ED WESTCOTT

Bên trong nhà máy Y-12 tại TP Oak Ridge năm 1944 Ảnh: ED WESTCOTT

Văn hóa nguyên tử

Chỉ sau nửa năm xây dựng, Oak Ridge đã đi vào hoạt động, chủ yếu sản xuất nhiên liệu cho bom nguyên tử. Theo kế hoạch ban đầu, Oak Ridge chỉ đủ chỗ cho 13.000 dân nhưng đã tăng lên đến 75.000 ở cuối chiến tranh, trở thành địa điểm lớn nhất trong số 3 thành phố bí mật. Nếu tính cả 3 thành phố thì số dân là hơn 125.000 người, bao gồm các nhà khoa học, kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ. Tại đây, bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên đều phải đeo thẻ căn cước. Những từ như "nguyên tử" hoặc "urani" bị cấm sử dụng để tránh gây nghi ngờ cho kẻ địch.

Khi Mỹ ném quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima - Nhật Bản năm 1945, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, để ép buộc chiến tranh kết thúc, bí mật của Oak Ridge mới bị lộ. Đến khi chiến tranh khép lại, hầu hết gia đình da trắng đã rời đi và dân số tại các thành phố này giảm dần. Tuy nhiên, nhiều gia đình gốc Phi vẫn còn ở lại cho đến những năm đầu thập niên 1950.

Sau đó, cả 3 thành phố vẫn còn thuộc về khu phức hợp công nghiệp quân sự, tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân trong suốt thời chiến tranh lạnh, cũng như tiến hành những nghiên cứu khoa học sâu rộng hơn. Riêng Oak Ridge ngày nay hoạt động nhiều trong ngành năng lượng tái tạo và là nơi đặt một phòng thí nghiệm quốc gia.

Đáng chú ý là văn hóa độc nhất hình thành trong những năm cô lập tại các địa phương này vẫn tồn tại đến giờ. Theo ông Moeller, những người dân ở đó đã tạo ra văn hóa riêng và điều thú vị là một số đoàn hát và ban nhạc nhỏ được thành lập trong thời chiến tranh lạnh vẫn còn tồn tại và hoạt động như những tổ chức văn hóa cộng đồng ở địa phương cho đến hôm nay. Ngoài ra, không thể không nhắc đến "văn hóa nguyên tử".

Tại một trong những địa điểm ăn trưa nổi tiếng nhất ở Oak Ridge, người ta thấy những bức tranh vẽ đám mây hình nấm treo trên tường. Biểu tượng của Trường Trung học Richland ở Richland cũng có một đám mây hình nấm.

Theo Ngô Sinh

Người lao động