1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những thách thức lớn của tân Thủ tướng Thái Lan

(Dân trí) - Vượt qua những “dị nghị” về một doanh nhân chưa hề có kinh nghiệm chính trị, bà Yingluck Shinawatra đã dẫn dắt đảng Puea Thai giành chiến thắng bước ngoặt và chính thức được chọn làm thủ tướng. Nhưng phải chăng kỳ “trăng mật” đã qua với vị lãnh đạo xinh đẹp này?

 
Những thách thức lớn của tân Thủ tướng Thái Lan  - 1

Bà Yingluck Shinawatra đã trở thành nữ Thủ tướng Thái Lan đầu tiên.

“Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, bà Yingluck đã chứng tỏ là một nhân vật có sức lôi cuốn mạnh mẽ”, Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận xét sau khi đảng Puea Thai của bà Yingluck đã giành chiến thắng sau cuộc bầu cử hôm 3/7. Đảng này đã liên minh với 5 đảng khác và đang nắm trong tay 3/5 tổng số nghị sỹ trong Quốc hội mới.

Anusorn Tamajai, nhà kinh tế thuộc trường Đại học Rangsit, thì cho rằng cuộc bầu cử ngày 3/7 vừa qua đã phản ánh một thực tế là đa số người dân Thái Lan đã đoàn kết thể hiện mong muốn giải quyết xung đột chính trị bằng các biện pháp dân chủ, và vì người ta hy vọng bà Yingluck sẽ là một thủ tướng có năng lực.

Nhưng cũng như ông Pavin và bình luận của báo giới trong nước, ông Anusorn cho rằng trước mắt vị nữ thủ tướng 44 tuổi này là những thách thức.

Theo ông, một trong những thử thách lớn nhất đối với bà Yingluck khi được Hạ viện phê chuẩn là nữ thủ tướng đầu tiên của nước này, là phải tạo dựng mối quan hệ thân hữu với giới quân sự và thận trọng lựa chọn người vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng.

“Câu chuyện thần tiên ngày 3/7 dường như đã qua đi, tuần trăng mật cũng đã hết và trước khi chính thức trở thành tân thủ tướng, bà Yingluck cần phải học cách tránh va chạm với giới mặc quân phục, những người luôn có vai trò gây nhiều tranh cãi trên chính trường Thái Lan”, tờ The Nation cũng viết.

Cũng như những người khác, bà Yingluck nhận thấy vấn đề quan hệ giữa chính phủ với giới quân sự sẽ vẫn tồn tại cho dù ai lên làm thủ tướng. Mới đây, bà Yingluck đã lên tiếng phản bác thông tin nói rằng bà sẽ đồng thời nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng sau khi tin đó làm không khí chính trị ở Bangkok "tăng nhiệt".

Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha cũng đã nhấn mạnh rằng Bộ trưởng Quốc phòng mới phải là một tướng lĩnh.

Vấn đề nữa là đảng Puea Thai và những người ủng hộ “Áo đỏ” chưa có quan hệ tốt với quân đội.

Năm 2010, phe chống chính quyền - được gọi là phe Áo đỏ (trong đó có nhiều người ủng hộ Thaksin) - đã chiếm khu trung tâm Bangkok trong suốt hai tháng trước khi bị quân đội giải tán, khiến hơn 90 người chết và 1.900 người bị thương. Phe Áo đỏ đang đòi trừng trị những kẻ đã đàn áp biểu tình, tức là các nhà lãnh đạo quân sự.

“Áo đỏ” là lực lượng được ví như cánh tay phải đã giúp đảng Puea Thai rất nhiều trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất đối với bà Yingluck hiện nay là làm sao vẫn có thể thực thi công lý mà không gây thù hằn với quân đội. Ngoài ra, đảng Puea Thai sẽ dành bao nhiêu ghế bộ trưởng, tỉnh trưởng cho phe “Áo đỏ” từng xuống đường liên tục chống đối chính phủ của ông Abhisit Vejjajiva, vốn bị họ cho rằng lên cầm quyền nhờ có sự trợ giúp của quân đội.

Thách thức tiếp theo, Tân thủ tướng Thái Lan cũng phải tìm kiếm sự hòa giải giữa những người dân nông thôn và dân nghèo thành thị ở miền bắc và đông bắc (vốn ủng hộ ông Thaksin) với thành phần trung lưu và giới chóp bu trung thành với Hoàng gia (vốn không ưa ông Thaksin). Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006, xã hội Thái Lan đã bị phân hóa trầm trọng giữa hai thành phần này, làm đường phố Bangkok 5 năm qua đã liên tục rung chuyển vì những cuộc biểu tình.

Chưa hết, một vấn đề nan giải và phức tạp mà người dân đang bàn tán - là nếu xét ân xá cho ông Thaksin, bà Yingluck cũng phải xem xét lại tất cả những vụ án khác và trả tự do cho hàng nghìn tù nhân chính trị và hình sự. Trong thời gian tranh cử, đảng Puea Thai (trên thực tế do ông Thaksin lãnh đạo từ nước ngoài) đã nhắc đến khả năng ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án, mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin hồi hương. Tuy nhiên, dư luận quan ngại rằng sự trở về của ông Thaksin sẽ gây ra những rối loạn mới ở Thái Lan.

Về mặt kinh tế, những lời hứa của đảng Puea Thai khi tranh cử - đặc biệt là hứa tăng lương tối thiểu - đã khiến giới doanh nghiệp lo ngại.

Các chính sách kinh tế của bà Yingluck được kỳ vọng sẽ tạo nên một sự bùng nổ về đầu tư và chi tiêu tiêu dùng tại Thái Lan, song các nhà kinh tế cho rằng những chính sách này cũng có thể gây ra một loạt vấn đề cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, từ nợ công cao cho đến sự đình trệ các cải cách kinh tế, đồng thời làm lạm phát gia tăng.

Từ 2002-2006, kinh tế Thái Lan đạt tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, so với mức 2,2% của năm 2001. Bà Yingluck đã cam kết sẽ làm sống lại mô hình kinh tế trên của người anh trai (nâng 40% mức lương tối thiểu lên 300 baht (9,70 USD)/ngày và cắt giảm thuế doanh nghiệp) - điều này làm dấy lên các lo ngại rằng Thái Lan có thể sẽ lại bị gia tăng nợ nần và lạm phát.

Hiện nay, mọi cặp mắt đang tập trung theo dõi tài lãnh đạo của nữ thủ lĩnh Yingluck và nội các của bà. Chính trường Thái Lan có ổn định hay không phụ thuộc rất lớn vào những động thái sắp tới của chính phủ mới.

Nguyễn Viết