1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018

(Dân trí) - Châu Á trở thành một trong những tâm điểm của chính trường thế giới năm qua với một loạt các sự kiện, từ cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, đến việc nhiều nước cảnh giác dự án "Vành đai và con đường" của Trung Quốc hay sự sụp đổ của thị trường tiền ảo.

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018

Châu Á trở thành một trong những tâm điểm của chính trường thế giới năm qua với một loạt các sự kiện, từ cái bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, đến việc nhiều nước cảnh giác dự án "Vành đai và con đường" của Trung Quốc hay sự sụp đổ của thị trường tiền ảo.

Ông Trump - Kim lần đầu bắt tay

Họ đã có vài tháng lời qua tiếng lại và đe dọa chiến tranh, trước khi quyết định gặp nhau. Cuối cùng, cuộc gặp lịch sử đã diễn ra tại Singapore, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm đầu tiên gặp một lãnh đạo Triều Tiên.

Năm đời tổng thống trước đây đã không thành công trong việc buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và căng thẳng ở Đông Bắc Á đã leo thang đáng báo động. Nhưng cuộc gặp kéo dài 48 phút giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều lại chứng kiến nhiều nụ cười.

Cả hai bên đã ca ngợi cuộc gặp lịch sử là một chiến thắng, dù hội nghị chỉ đưa ra một tuyên bố mơ hồ về phi hạt nhân hóa. Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh được dõi theo để xem ông Kim Jong-un có cam kết theo đuổi hoàn toàn việc phi hạt nhân hóa hay không - một lời hứa mà Bình Nhưỡng đã đưa ra nhưng không thực hiện trước đây.

Cuộc giải cứu kỳ diệu trong hang sâu

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 1.

Đội bóng nhí Thái Lan đã được giải cứu sau 18 ngày mắc kẹt trong hang (Ảnh: Reuters)

Cả thế giới dường như đã vỡ òa khi 12 cậu bé từ đội bóng nhí Thái Lan Wild Boars được giải cứu khỏi một hang sâu ngập nước ở miền bắc Thái Lan sau 18 ngày mắc kẹt. Câu chuyện đã đi vào lịch sử châu Á và trở tâm điểm của báo chí thế giới suốt nhiều ngày.

Chiến dịch có sự tham gia của hơn 10.000 người, trong đó có hơn 100 thợ lặn, 900 cảnh sát và 2.000 binh sĩ. Hơn 1 tỷ lít nước đã được bơm ra khỏi hang trước khi đội bóng được giải cứu. Một thợ lặn của Hải quân Thái Lan đã không may thiệt mạng.

Địa điểm đó giờ đây là một nơi thu hút rất đông du khách. Có tới 16.000 du khách được cho là đã tới làng Ban Chong, nơi có hang động, mỗi ngày và một bảo tàng đang được xây dựng.

Năm của những thảm họa

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 2.

Các mảnh vỡ được tìm thấy sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Indonesia Lion Air (Ảnh: DNA)

Suốt cả năm 2018, châu Á thường xuyên được báo chí thế giới nhắc tới là địa điểm của các thảm họa, từ vụ vỡ đập thủy điện tại Lào làm 39 người chết, vụ tai nạn máy bay chở khách của hãng Lion Air làm toàn bộ 189 người thiệt mạng, đến các vụ động đất, bão lụt cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người ở Indonesia và Philippines.

Bê bối quỹ 1MDB tại Malaysia

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 3.

Cựu Thủ tướng Najib Razak bị truy tố về các tội danh liên quan tới quỹ 1MDB (Ảnh: Reuters)

Vụ bê bối quỹ đầu tư 1MDB tại Malasyia đã làm rung chuyển nền tài chính thế giới suốt cả năm 2018. Khi chính quyền mới của Malasyia lên nắm quyền, cuộc điều tra nhằm vào vụ bê bối đã được mở lại, hé lộ những chi tiết mới.

Quỹ đầu tư 1MDB của chính phủ Malaysia được thành lập năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quỹ này lại giỏi đi vay nhiều hơn là thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn, kết quả là vị vỡ nợ.

Cựu Thủ tướng Najib Razak đã bị tịch thu nhiều tiền mặt và bị truy tố hình sự về tội rửa tiền và lạm dụng quyền lực và vi phạm lòng tin. Vợ ông cũng bị bắt trong vụ việc.

Giờ đây, Malaysia đang truy lùng Jho Low, 37 tuổi, một nhà tài chính bị cáo buộc đã rửa tiền hàng tỷ USD từ 1MDB. Anh ta bị cáo buộc sử dụng các khoản quỹ của 1MDB để phục vụ phong cách sống xa xỉ, gồm các máy bay cá nhân, một du thuyền 250 triệu USD và các bữa tiệc siêu sang với các ngôi sao thế giới như Leonardo DiCaprio, Paris Hilton và Miranda Kerr.

Tuần này, Malaysia cũng đưa ra các cáo buộc hình sự đối với Goldman Sachs của Mỹ vì vai trò của ngân hàng này trong vụ tham nhũng.

Thị trường Crypto sụp đổ

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 4.

Tiền ảo đã chứng kiến sự sụt giảm giá trị chưa từng có trong năm 2018 (Ảnh minh họa: Bitcoin Isle)

Đây được coi là vụ sụp đổ tiền ảo lớn nhất trong lịch sử. Từ mức cao kỷ lục là 835 tỷ USD vào tháng 1, giá trị thị trường tất cả các loại tiền ảo đã tụt xuống 120 tỷ USD vào cuối tháng trước.

Kể từ khi giá tiền ảo tăng vọt vào 2017 trong một cơn sốt vượt qua rất nhiều các tình trạng bong bóng khét tiếng nhất trong lịch sử, các đồng tiền ảo đã chứng kiến sự sụt giảm lên tới 700 tỷ USD, mà dự kiến sẽ còn giảm tiếp. Bitcoin, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, được cho là đã giảm 80% so với lúc cao điểm vào tháng 12 năm ngoái.

Bong bóng tiền ảo đã khiến một số chính phủ các nước châu Á lo ngại. Hàn Quốc, thị trường giao dịch bitcoin lớn thứ 3 thế giới sau Nhật Bản, đã đe dọa đóng cửa toàn bộ các giao dịch tiền ảo tại nước này do lo ngại cơn sốt có thể làm suy yếu nền kinh tế. Hàn Quốc đang thúc đẩy việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các giao dịch tiền ảo sau khi các câu chuyện xuất hiện vào năm 2018 cho thấy nhiều người dân, trong đó có các sinh viên, công nhân và các bà nội trợ, dành các khoản tiết kiện ít ỏi để mua tiền ảo bất chấp các cảnh báo về tình trạng bong bóng.

Châu Á e ngại với sáng kiến "Vành đai và con đường"

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 5.

Bản đồ mô phỏng tầm với của dự án "Vành đai và con đường" của Trung Quốc (Ảnh: Forbes)

Sáng kiến "Vành đai và con đường" có thể đã gây lo lắng cho Bắc Kinh. Dự án quy mô lớn - với các khoản đầu tư lên tới 1 nghìn tỷ USD tại hàng chục quốc gia - đã gây nhiều lo ngại.

Trong nam 2018, các lo ngại đã biến thành các chỉ trích không ngớt từ các quốc gia, từ Australia tới Sri Lanka. Các dự án cơ sở hạ tầng đã bị các quốc gia sở tại xem là không cân thiết, đầy rẫy tham nhũng và có liên quan tới các lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.

Tại Sri Lanka, cảng Hambantota đã bị trao cho phía các công ty Trung Quốc kiểm soát giữa những chỉ trích về một "bẫy nợ". Trong khi đó, Myanmar đang đàm phán giảm quy mộ một dự án cảng do Trung Quốc đầu tư tại Vịnh Bengal từ 7,3 tỷ USD xuống 1,3 tỷ USD để tránh khoản nợ khổng lồ.

Mỹ đã khởi động một nỗ lực, với sự trợ giúp của các đồng minh chủ chốt ở châu Á như Australia và Nhật Bản, để đối trọng với các dự án xây dựng hạ tầng của Trung Quốc.

"Cơn địa chấn" trên chính trường Malaysia

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 6.

Ông Mahathir Mohamad trở lại ghế thủ tướng ở tuổi 92 (Ảnh: Reuters)

Cuộc tổng tuyển cử tại Malaysia đã đưa tới những thay đổi chính trị quan trọng. Đó là sự thay đổi chính quyền đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này. Đảng thất bại, Barisan Nasional, đã nắm quyền tại Malaysia kể từ khi nước này giành độc lập tại Anh vào năm 1957.

Cuộc bầu cử cũng đưa cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad trở lại nắm quyền và trở lại chính trường thế giới.

Ông Mahathir, hiện 93 tuổi, đã cảnh báo Trung Quốc về một dạng thực dân mới trong nỗ lực thúc đẩy dự án "Vành đai và con đường". Ông cũng giành được một lệnh ân xá hoàng gia cho cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim, người dự kiến sẽ lên nắm quyền trong vài năm tới sau khi ông Mahathir từ chức sớm.

"Nóng" cuộc chiến chống rác thải nhựa

Những sự kiện định hình châu Á năm 2018 - Ảnh 7.

Xác của một con cá heo chứa 6kg rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển Indonesia (Ảnh: Reuters)

Thế giới gặp phải nhiều tin xấu về môi trường trong năm 2018: chặt phá rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã, san hô bị tẩy trắng trong rạn san hô Great Barrier. Rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường được nêu bật trong năm qua.

Nhưng có chút hi vọng cho cuộc chiến chống rác thải nhựa tại Indonesia khi Bogor, thành phố với khoảng 1 triệu dân ở Tây Java, đã ra lệnh cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần và kêu gọi các chính phủ địa phương khác cùng hành động. Một số nơi khác ở Indonesia cũng đã ban hành quy định tương tự.

Bộ trưởng nhà ở của Indonesia là Tjahjo Kumolo đã hành động sau vụ phát hiện gần 6 kg rác thải nhựa trong bụng của một con cá voi chết tại Sulawesi, vốn gây xôn xao thế giới gần đây. Ngay lập tức ông đã ban hành quy định cấm các chai nước và cốc nhựa dùng một lần trong văn phòng của mình.

Đó là những bước đi nhỏ cho một vấn đề rất lớn. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, năm quốc gia châu Á, gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, chiếm tới 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển.

Tổng hợp:
An Bình