1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những sinh ngữ đang "hấp hối"

Du lịch bùng nổ khiến nhiều sắc dân trên khắp thế giới có dịp gần gũi với nhau hơn. Mọi hoạt động thương mại, giải trí và hàng loạt các giao dịch khác gần như đều sử dụng một thứ ngôn ngữ chung. Và như vậy, trái đất đang trở thành một ngôi làng nhỏ mà trong đó các ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang lặn mất dần vào màn đêm quá khứ...

Trong khoảng 6.500 thứ tiếng đang được sử dụng, đã có hơn phân nửa mang dấu hiệu bị “tuyệt chủng”. Ngôn ngữ, như tất cả thực thể sống khác, đều chịu ảnh hưởng lớn của môi trường để có thể sống còn. Nhưng không như trong thiên nhiên, quá trình đào thải ngôn ngữ tùy thuộc vào sự hưng thịnh của nền kinh tế, sức mạnh chính trị - quân sự và khả năng kháng cự của văn hóa, đặc biệt trong môi trường hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Cái chết của một ngôn ngữ không đơn thuần là sự mất đi một thứ tiếng có ít người sử dụng, mà hơn thế nữa, là dấu hiệu rõ ràng để khẳng định rằng một nền văn hóa đang tàn lụi và một sắc dân đang có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đồng hóa dữ dội. Khó có thể kể hết tầm quan trọng của một thứ tiếng: hiện thân của văn hóa, nền tảng của văn minh, cơ sở của lịch sử và dấu ấn đậm nét của đời sống xã hội. Thử nhìn lại quá khứ, người ta sẽ thấy rõ điều này.

Tiếng Krenak ở Brazil tồn tại nhờ một người Nga

Sự ra đời các ấn phẩm do các vương triều châu Âu tạo dựng vào thế kỷ 16-18 đã báo hiệu điểm khởi đầu cho sự diệt vong của hàng ngàn ngôn ngữ ở Bắc và Nam Mỹ. Vết chân thực dân châu Âu xuất hiện ở đâu đồng nghĩa với sự chấm dứt của một (hay nhiều) thứ tiếng tại nơi đó.

Brazil chẳng hạn, khoảng 75% ngôn ngữ từng thịnh hành tại đây thời Trung cổ đã biến mất khi thực dân Bồ Đào Nha có mặt vào năm 1500. Hiện tại, trong 180 ngôn ngữ địa phương còn sống sót ở nước này, chỉ có một ngôn ngữ được sử dụng trong cộng đồng hơn 10.000 người (so với tổng dân số 186 triệu). Trong bộ tộc Krenak ở Đông Nam Brazil, hiện chỉ vài người thuộc hàng trưởng lão là có thể nói được thứ tiếng bộ tộc. Một trong những nguyên nhân chính là có thời, chính quyền địa phương gom sắc dân này vào khu riêng biệt để lấy đất cho canh nông. Và cũng có thời, khoảng trước thập niên 1950, các nhà truyền giáo đã cấm dân Krenak sử dụng thứ tiếng riêng cũng như tổ chức lễ hội dân tộc.

Bởi thế, tiếng Krenak dần biến mất khỏi hành tinh. Mà thật ra, có lẽ tiếng Krenak đã thật sự biệt tích nếu không nhờ một người Nga. Năm 1993, nhà ngôn ngữ học Hungary Eva Sebastien tình cờ phát hiện tập bản thảo của Henrikh Henrikhovich Maniser - nhà nhân chủng học người Nga từng du khảo ở Brazil vào đầu thế kỷ 20. Maniser đã tẩn mẩn ghi lại các câu chuyện dân gian, bài vè, dân ca Krenak... rồi viết lại bằng tiếng Nga và Krenak. Nhờ thế, một di sản văn hóa đã có cơ hội sống sót và được bảo tồn.

Khi những người da trắng đến định cư ở Australia năm 1788, thổ dân tại đây vẫn còn sử dụng khoảng 250 thứ tiếng nhưng hiện chỉ còn vỏn vẹn 20. Các ngôn ngữ thổ dân Australia được đánh giá mang đậm tính thi ca, giàu hình tượng và ngữ nghĩa phong phú, chẳng hạn ngôn ngữ Ngiyampaa ở New South Wales hoặc Eastern Arrernte ở Trung Australia. Ngôn ngữ thổ dân Australia còn mang tính khoa học. Chính nhờ nghiên cứu ngôn ngữ thổ dân, các nhà thực vật học đã phát hiện nhiều loài thực vật mới căn cứ vào những cái tên mà thổ dân đặt cho các loại cây cối quanh họ. Liên hệ yếu tố ngôn ngữ và khảo cổ, người ta còn xác định được những đặc điểm liên quan đến dân số cũng như nguồn gốc của các cuộc cách tân văn hóa tại Australia thời xưa...

Ở một trường hợp khác, ngôn ngữ bị đe dọa không bởi chiến tranh sắc tộc hoặc xung đột chính trị mà bởi sự phát triển! Khoảng 20.000 người thuộc sắc dân Nenets ở khu tự trị Yamal-Nenets tại duyên hải Kara (Bắc cực) cùng sử dụng thứ tiếng Nentsi đang phải đối phó với những thay đổi kinh khủng từ khi người ta phát hiện tại đây mỏ khí thiên nhiên khổng lồ vào cuối thập niên 1980. Thế hệ trẻ làm việc tại các khu khai thác mỏ khí đốt đang từ bỏ dần ngôn ngữ mẹ đẻ Nentsi để học tiếng Nga. Thanh niên không còn mặc quần áo dân tộc, không kể những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Nentsi mà thích uống vodka và nghe nhạc Nga...

Một thứ tiếng được đánh giá “đang gặp nguy hiểm” - có nghĩa là không còn được giới trẻ biết đến; “đang hấp hối” - chỉ được sử dụng trong số ít bậc cao niên còn sống và “đã tuyệt tích” - không còn được bất cứ ai sử dụng. Theo cách phân loại này, ngôn ngữ Maori của thổ dân New Zealand thuộc loại “đang hấp hối”. Đầu thập niên 1970, số thổ dân nói tiếng Maori khoảng 64.000 người nhưng đến năm 1995 đã giảm xuống còn độ 10.000. Trong khoảng 1960-1970, gần như không có sự “chuyển giao” ngôn ngữ Maori từ thế hệ cha ông cho thế hệ con cháu.

Tiếng Maori đã thoát hiểm như thế nào?

Nhưng kể từ năm 1982, khi hệ thống phổ cập tiếng Maori toàn quốc ra đời dưới sự thúc đẩy của chính phủ thì tình hình bắt đầu khả quan hơn. Kohanga Reo - hệ phổ cập tiếng Maori - đã thành lập những “cái nôi” dạy trẻ em dưới 5 tuổi dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo thổ dân Maori. Hiện tại, có hơn 800 “nôi ngôn ngữ” như vậy khắp New Zealand với hơn 100.000 học sinh. Từ năm 1987, tiếng Maori được chọn là ngôn ngữ chính thức ở xứ này, bên cạnh tiếng Anh. Cũng như điệu nhảy dân tộc cuồng loạn haka - nét văn hóa tiêu biểu của thổ dân Maori - tiếng Maori đang hồi phục dần nhờ tinh thần cuồng nhiệt và lòng yêu dân tộc ở New Zealand. Kohanga Reo có thể được xem là bài học kinh nghiệm trong việc bảo tồn ngôn ngữ nói riêng và truyền thống văn hóa nói chung cho nhiều nước khác.

Tiếng Maori vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với ngôn ngữ Tlingit ở Bắc Mỹ, Celtic ở Anh, Ireland và vùng Brittany (Pháp). Ngôn ngữ Lappish tại Scandinavia hay Romani (du mục) tại nhiều khu vực thuộc Liên Xô cũ cũng đang trong tình trạng gặp nguy hiểm. Tại châu Phi, nhóm ngôn ngữ Khoisan, trong đó có vài thứ tiếng như Hottentot hoặc Bushman, hiện ở tình trạng gần bị diệt vong. Ngôn ngữ của các tộc thiểu số tại Nepal và Malaysia đang bị đe dọa và tiếng Ainu ở Hokkaido (Nhật) cũng gần mất tích nếu không có sự can thiệp chính phủ. Còn tại châu Mỹ, thứ tiếng bị đe dọa nghiêm trọng nhất là Eskimo và Amerindian...

Cuộc chiến vì ngôn ngữ

Việc bảo vệ ngôn ngữ, trong nhiều trường hợp, đã trở thành cuộc chiến đẫm máu vừa mang tính dân tộc vừa đượm màu chính trị. Ngôn ngữ ở Bắc Ireland là một ví dụ. Sau khi chinh phục Ireland vào giữa thế kỷ 16, người Anh đã xóa bỏ tiếng Irish trong tất cả tầng lớp xã hội thống trị ở Ireland bằng cách tiêu hủy loạt cơ quan văn hóa. Khi Bắc Ireland chính thức được thành lập năm 1921, thể chế mới đã ủng hộ việc sử dụng tiếng Anh.

Sau đó, cuộc bạo loạn năm 1968 lại gieo mầm sống cho mảnh đất ngôn ngữ Irish. Đến nay, tiếng Irish đang thật sự được phục hồi, nhất là tại các khu vực thuộc Belfast và Londonderry. Một kênh truyền hình tiếng Irish đầu tiên đã ra đời năm 1996 (mang tên Teilifis na Gaeilge), với nội dung chương trình chủ yếu nhắm vào đối tượng thanh niên.

 

Theo Anh Vũ
Người lao động