Những phút “cân não” cuối cùng của phi công Lion Air trước khi máy bay rơi
(Dân trí) - Hai phi công lái chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air đã phải đọc vội cuốn sổ tay hướng dẫn với hy vọng kịp thời xử lý sự cố, tuy nhiên họ đã không gặp may trước khi máy bay lao xuống biển khiến 189 người thiệt mạng.
Hãng tin Reuters hôm nay 20/3 dẫn 3 nguồn tin giấu tên tiết lộ những thông tin mới nhất liên quan tới vụ rơi máy bay Boeing của hãng hàng không Lion Air tại Indonesia vào ngày 29/10/2018. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 189 người, bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn.
Những thông tin trên thu được từ thiết bị ghi âm buồng lái của máy bay Boeing 737 MAX mang số hiệu chuyến bay JT610. Đây cũng là lần đầu tiên các nội dung này được công bố.
Máy bay của Lion Air cất cánh từ thủ đô Jakarta của Indonesia. Cơ trưởng ban đầu chịu trách nhiệm điều khiển trong khi cơ phó phụ trách radio của máy bay.
Chỉ hai phút sau khi máy bay cất cánh, cơ phó đã thông báo cho trạm kiểm soát không lưu về “vấn đề kiểm soát chuyến bay”, đồng thời cho biết các phi công dự tính duy trì độ cao 1.500m.
Theo một nguồn tin, sau khi phát hiện “vấn đề” trên máy bay, cơ trưởng đã yêu cầu cơ phó kiểm tra nhanh cuốn sổ tay hướng dẫn, trong đó liệt kê các sự cố bất thường để tìm hướng giải quyết trong tình huống khẩn cấp.
Trong vòng 9 phút, máy bay đã cảnh báo các phi công rằng đang xảy ra hiện tượng thất tốc và máy bay buộc phải phản ứng bằng cách chúc mũi xuống. Hiện tượng thất tốc xảy ra khi luồng khí đi qua cánh máy bay quá yếu đến mức không thể tạo ra lực nâng và duy trì hoạt động bay như bình thường.
Cơ trưởng đã cố gắng để lấy lại độ cao cho máy bay, tuy nhiên hệ thống tự động trên máy bay vẫn tiếp tục cho mũi máy bay chúc xuống do đánh giá sai về tình trạng thất tốc.
Máy bay của Lion Air cất cánh từ Jakarta. (Ảnh: Nikkei)
Các nguồn tin cho biết các phi công điều khiển chiếc JT610 vẫn giữ bình tĩnh trong hầu hết hành trình của chuyến bay. Vào những phút cuối cùng, cơ trưởng đã yêu cầu cơ phó điều khiển máy bay trong khi ông tự mình kiểm tra sổ tay hướng dẫn để tìm giải pháp khắc phục sự cố.
Khoảng một phút trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng đề nghị trạm kiểm soát không lưu dọn đường các máy bay khác ở độ cao dưới 910m trong khi vẫn duy trì độ cao của chiếc JT610 ở mức 1.500m. Trạm kiểm soát không lưu đã đồng ý với đề nghị này.
Theo hai nguồn tin, trong khi cơ trưởng, 31 tuổi, cố gắng trong tuyệt vọng để tìm ra cách xử lý chính xác trong cuốn sổ tay hướng dẫn, cơ phó, 41 tuổi, không thể kiểm soát được máy bay.
Thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay cho thấy các tín hiệu kiểm soát máy bay trong những phút cuối cùng của cơ phó được cho là yếu hơn so với cơ trưởng.
“Giống như một bài kiểm tra với 100 câu hỏi và khi thời gian đã hết, bạn mới chỉ trả lời được 75 cầu. Vì thế bạn hoảng loạn. Lúc đó đã hết thời gian rồi”, một nguồn tin cho biết.
Trong những khoảnh khắc cuối cùng, cơ trưởng người Ấn Độ vẫn giữ im lặng, trong khi cơ phó người Indonesia nói “Allahu Akbar”, nghĩa là Thượng đế vĩ đại. Đây là cụm từ tiếng Ả rập phổ biến tại Indonesia - nơi có đông dân theo đạo Hồi và được sử dụng để thể hiện trạng thái sốc hoặc tuyệt vọng.
Máy bay của Lion Air sau đó lao xuống biển, khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng.
Vào tối hôm trước đó, ngày 28/10/2018, một phi hành đoàn khác cũng đã gặp phải vấn đề tương tự khi vận hành chiếc Boeing 737 MAX 8 của Lion Air. May mắn là các phi công đã kịp thời khắc phục được sự cố và thảm kịch không xảy ra. Tuy nhiên, phi hành đoàn không chia sẻ thông tin về sự cố này cho phi hành đoàn lái chiếc 737 MAX vào hôm sau.
Hiện hơn 50 quốc gia đã ra lệnh cấm bay đối với dòng 737 MAX của Boeing sau vụ rơi máy bay gần đây của hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng. Giới chức Ethiopia cho biết dữ liệu từ hộp đen cho thấy vụ rơi máy bay của Ethiopian Airlines và Lion Air có nhiều điểm tương đồng.
Thành Đạt
Tổng hợp