Những phát ngôn ghi dấu ấn của cựu Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin đã gọi Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin, người vừa qua đời đột ngột hôm 20/2 tại Mỹ, là một nhà yêu nước thực sự. Những cống hiến của ông cho ngành ngoại giao Nga suốt hàng chục năm qua không chỉ được riêng Moscow mà cả thế giới công nhận.
Truyền thông Nga đưa tin Đại sứ Vitaly Churkin qua đời đột ngột hôm 20/2 tại New York, chỉ một ngày trước sinh nhật lần thứ 65 của ông. Ông Churkin là đại sứ thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là đại diện của Nga tại Hội đồng Bảo an trong hơn 1 thập niên, bắt đầu từ tháng 4/2006. Trong hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp đối ngoại, Đại sứ Churkin đã ghi dấu ấn qua nhiều sự kiện và trở thành gương mặt nổi bật trong giới ngoại giao.
Phản pháo các Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc
Ngày 2/2 vừa qua, trong bài phát biểu “chào sân” của mình, tân Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cáo buộc Nga ủng hộ các phiến quân chống chính phủ Ukraine ở miền đông nước này, đồng thời kêu gọi Moscow ngay lập tức chấm dứt việc chiếm đóng bán đảo Crimea.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Churkin đã lập tức “phản pháo” người đồng cấp Mỹ, tuyên bố rằng Ukraine cũng phải chịu trách nhiệm về tình hình xung đột gia tăng tại nước này. Liên quan đến vấn đề Crimea, ông Churkin cho rằng người dân Crimea đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý, nhất trí sáp nhập vào Nga và đây là nguyên tắc tự quyết cơ bản mà chính Mỹ đã từng khẳng định trong hiến pháp của nước này.
Trước khi bà Haley được Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, người tiền nhiệm của bà, cựu Đại sứ Samantha Power, cũng đã có đôi lần “lời qua tiếng lại” khá gay gắt với Đại sứ Nga Churkin. Tháng 12/2016, Đại sứ Power đã cáo buộc Nga, Iran và chính phủ Syria về tình trạng bạo lực khủng khiếp tại thành phố Aleppo, Syria, đồng thời ví các động thái của 3 nước trên là “tội diệt chủng”.
“Tôi không muốn nhắc lại vai trò của Mỹ, Anh và Pháp trong việc tạo ra (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) IS, vốn ra đời sau sự can thiệp của Anh và Mỹ vào Iraq. Các chính sách của Mỹ tại Iraq đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của IS. Tôi cũng không muốn nhắc lại vai trò của 3 nước trên trong việc kích động cuộc khủng hoảng tại Syria, dẫn đến những hệ quả khôn lường và mở cửa cho khủng bố bước vào Syria cũng như Iraq”, Đại sứ Churkin đáp trả cáo buộc của người đồng cấp Mỹ.
Những bình luận sắc sảo
Theo Sputnik, trong quãng thời gian làm việc tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Churkin thường chỉ trích các đại sứ nước ngoài là “đạo đức giả” khi họ tìm cách “tấn công” Nga.
Tháng 10/2016, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft đã yêu cầu Nga dừng các cuộc không kích tại Syria. Đáp lại yêu cầu này, Đại sứ Churkin nói: “Đại diện của Anh liên tục kêu gọi “dừng lại đi”. Vậy nhưng, Anh mới là nước nên dừng việc hỗ trợ cho tất cả các đám hỗn tạp trên khắp thế giới như chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, cũng như ngừng ủng hộ những cá nhân thích gây bất ổn cho nước khác. Nói chung, Anh nên dừng việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, hãy từ bỏ thói quen thực dân trước kia và để thế giới sống trong hòa bình”.
Vài tuần sau đó, Nga tiếp tục trở thành mục tiêu chỉ trích tại Liên Hợp Quốc khi Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Stephen O'Brien cáo buộc Moscow nã bom vào dân thường ở Aleppo, Syria. Đại sứ Churkin tiếp tục đưa ra tuyên bố để phản pháo cáo buộc này. “Hãy đưa cho chúng tôi ít nhất một thông tin thực tế (về cáo buộc này), nếu không, hãy để dành những lời lẽ đó và đưa chúng vào cuốn tiểu thuyết mà ông định viết sau này”, ông Churkin nói.
Bảo vệ Nga trước sức ép về vấn đề Ukraine
Tháng 4/2014, khi cuộc khủng hoảng ở đông nam Ukraine lên tới đỉnh điểm và Kiev đã gửi các binh lính tới Donbass, truyền thông và các chính trị gia Ukraine cũng như phương Tây bắt đầu phát động chiến dịch đổ lỗi cho Nga về tất cả các vấn đề liên quan tới Ukraine, tung tin rằng Moscow đứng sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
“Một số người ngang ngược từ chối xem xét lý do thực sự của những gì đang xảy ra ở Ukraine và liên tục đổ lỗi cho sự liên quan của Moscow tại khu vực đông nam Ukraine… Hãy dừng việc tuyên truyền những câu chuyện không có thật rằng Nga đang tập trung quân đội tại biên giới của Ukraine, hay điều mật vụ hỗ trợ những người biểu tình tại Ukraine”, Đại sứ Churkin nhấn mạnh.
Đấu tranh giữ quyền phủ quyết của Nga tại Liên Hợp Quốc
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga mặc nhiên được thừa hưởng quyền bỏ phiếu phủ quyết, vốn dành riêng cho 5 nước thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong quá trình công tác của mình, Đại sứ Churkin đã nhiều lần đấu tranh để giữ lại quyền phủ quyết của Nga trước đề xuất gây tranh cãi của một số nước. Tháng 9/2015, Pháp đã đề nghị đình chỉ quyền phủ quyết các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an trong các vụ việc liên quan đến tội diệt chủng hoặc các tội ác khác. Là đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Churkin đã bày tỏ quan điểm cứng rắn của ông về vấn đề này.
“Tôi có cảm giác rằng một số nước không hiểu quyền phủ quyết là gì. Họ cho rằng đó là quyền “ích kỷ”, vốn chỉ dành riêng cho 5 nước thành viên thường trực. Nhưng thực tế, đây là cơ chế để ép buộc các quốc gia phải tự tìm kiếm một sự thỏa hiệp trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an”, ông Churkin cho hay.
Reuters ngày 21/2 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, Đại sứ Churkin đột tử do một cơn đau tim. Một quan chức hành pháp liên bang của Mỹ cho biết không có dấu hiệu nào bất thường về cái chết của ông Churkin. Cũng theo nguồn tin này, ông Churkin đã được đưa đến một bệnh viện ở khu Manhattan vào sáng 20/2 sau khi có các triệu chứng giống như đau tim tại sứ quán Nga ở New York.
Thành Đạt
Tổng hợp