1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nữ tướng cướp làm chấn động mặt biển (phần I )

(Dân trí) - Mấy ai trên vương quốc Đan Mạch xinh đẹp biết rằng nữ hoàng Alwilda đáng kính của họ đã từng là nữ cướp biển khét tiếng một thời?

Alwida - Nữ hải tặc hay nữ hoàng Đan mạch?

 

Có nhiều điều nghi ngờ xung quanh sự tồn tại thực sự của Alwida, thậm chí có người còn cho rằng câu chuyện về nữ hải tặc này chỉ là chuyện thần thoại.

 

Là con gái của một vị vua xứ Scandinanvi, bà được cha sắp xếp cho một cuộc hôn nhân với hoàng tử Đan Mạch - Alf. Phản đối cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, Alwida bỏ nhà ra đi, bắt đầu một cuộc sống mới đầy thú vị.

 

Bà cùng một số người bạn gái cải trang thành nam giới và lên đường chu du mặt biển trên một con tàu ở vùng biển Baltique. Ở đó họ chạm trán với một tàu cướp biển đang khuyết vị trí thuyền trưởng. Tạo được ấn tượng mạnh với những người bạn mới, Alwida được đề cử vào vị trí này. Trong vai trò chỉ huy, Alwida thành công trong hầu hết các phi vụ làm ăn, không phụ lòng tin tưởng của “đồng nghiệp”. Cùng với đội quân được nhân hai, Alwilda trở thành mối đe dọa đối với tàu bè qua vùng biển đó và khiến vua Đan Mạch “ăn không ngon, ngủ không yên”.

 

Những nữ tướng cướp làm chấn động mặt biển (phần I )   - 1
 “Chàng” Alwida trong một bức hoạ cổ

 

Ông sai con trai mình là hoàng tử Alf dẫn những binh lính tinh nhuệ nhất đi dẹp yên đội cướp biển gây nhiễu này. Alf nhanh chóng dẹp tan đội hải tặc. Nhận ra người xưa đã từng suýt là vị hôn phu của mình, lại cảm phục trước tài trí của vị hoàng tử, Alwilda quyết định chấm dứt cuộc đời cướp biển và nhận lời cưới hoàng tử Alf, trở thành nữ hoàng Đan Mạch.

 

Cuộc đời lênh đênh của Grace “hói đầu”

 

Grace O’Malley được người ta nhắc đến như “nữ hoàng cướp biển”. Sinh năm 1530 tại Connaught ở vùng bờ biển Tây Ireland, Grace là con gái của một tù trưởng. Thị tộc của ông trấn giữ một vùng thành trì rộng lớn và một hạm đội tàu cho đến khi người Anh giành quyền cai trị trên đất Ireland. Grace lênh đênh trên biển cùng tàu của thị tộc và cuộc đời cướp biển của bà bắt đầu rất sớm.

 

Hậm hực vì không được bố cho đi cùng trong một chuyến ra khơi, Grace cắt xoẹt mái tóc dài, mặc quần áo đàn ông để chứng minh cho bố thấy mình có thể là một thủy thủ cừ khôi. Bà được đặt ngay cho tên mới “Granuaile” - nghĩa là “hói đầu”. Khi đã thuyết phục được bố và trở thành thủy thủ, bà ngay lập tức thể hiện tài năng của mình khi dũng cảm cứu bố thoát khỏi vòng vây của quân địch. Từ đó, bà được tin tưởng và cảm phục rất mực vì tài trí và sự dũng cảm hiếm có của một người phụ nữ.

 

Những nữ tướng cướp làm chấn động mặt biển (phần I )   - 2
 Grace trên trang bìa một cuốn sách về bà

 

Grace thoạt đầu cũng có cuộc sống gia đình bình thường như bất kỳ người phụ nữ nào khác, năm 1546 bà kết hôn và có ba đứa con. Khi chồng bị giết trong tay quân thù, bà ôm hận trở về thị tộc và đảm nhận đế chế cướp biển, kiểm soát năm tòa thành kiên cố, trở thành người thế lực trong thế giới hải tặc thời đó.

 

Grace tái hôn năm 1566 và chuyển đến Country Mayo, nơi bà thu phục những thị tộc khác và tấn công thuyền của các thương gia xấu số vô tình đi qua. Khi người Anh xuất hiện, bà tập trung vào việc chống trả người Anh và tiếp tục hoạt động cướp biển. Sau một cuộc đột kích bất ngờ ở Limerick vào năm 1577, bà cùng người chồng thứ hai bị bắt và kết án tù 18 tháng. Bà lần nữa trở thành góa phụ khi người chồng thứ hai chết tại nhà tù.

 

Theo quy định của luật pháp Ireland, Grace không được thừa kế bất kì tài sản nào của ông chồng quá cố. Gạt qua nỗi đau, bà một mình chèo chống “sự nghiệp” bằng việc thu “phí sử dụng mặt nước” đối với tàu bè qua lại khu vực của bà. Điều này gặp phải sự phản đối của thị trưởng Richard Bingham, người đã từng có thù oán với bà trước đó.

 

Bingham hạ lệnh giết con trai của Grace. Đau khổ, giận dữ, bà đến gặp Nữ hoàng Elizabeth xin thỉnh cầu. Bà cầu xin nữ hoàng ra lệnh trả tự do cho hạm đội tàu của bà, để đổi lại, bà đồng ý đem quân chiến đấu chống lại kẻ thù của nữ hoàng. Hai người sau đó “bắt tay” làm việc cùng nhau một cách rất ăn ý. Thậm chí sau đó họ còn là những người bạn thân thiết.

 

Trải qua rất nhiều sóng gió, có lúc chỉ còn hai bàn tay trắng, người phụ nữ tài ba này đã gây dựng lại cơ nghiệp của mình. Ở tuổi 60, bà chiến thắng trận hoành tráng nhất, ghi tên mình vào lịch sử Ireland. Năm 65 tuổi, bà xếp gươm mỉm cười mãn nguyện trở về với đất mẹ.

 

(Còn tiếp)

Hồng Hạnh

Theo Beaglebay