1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nô lệ thời hiện đại

Mấy ngày qua, người dân làng Tào Sinh, huyện Hồng Động (thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến số phận bi thảm của những công nhân nhập cư làm trong lò gạch của Vương Vũ Vũ, con trai quan chức số 1 làng Tào Sinh: bí thư chi bộ Vương Đông Kỷ.

Toàn bộ 31 công nhân vừa được cảnh sát giải cứu khỏi lò gạch đã trải qua 18 tháng ròng rã sống trong địa ngục. Mỗi ngày họ làm việc quần quật từ 5 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau.

 

Cơ thể họ đầy những vết thương, vết bỏng do phải khuân gạch nóng mà không có quần áo bảo hộ, những đôi chân trần thường xuyên phải giẫm lên sàn lò bỏng rát. Suốt 18 tháng, họ không được tắm rửa, thay quần áo, thậm chí còn không được đánh răng. Khi được giải thoát, cơ thể họ bốc mùi hôi thối nồng nặc, “bụi khói đen bám lên người dày đến nỗi có thể lấy dao mà cạo”, như báo Tin Chiều Sơn Đông miêu tả.

 

Thảm kịch nô lệ

 

Bữa cơm hằng ngày của những “nô lệ” này chỉ là vài mẩu bánh bao và nước lã. Đêm đến, họ bị nhốt chung trong một căn phòng nhỏ tối tăm và bẩn thỉu, không chăn nệm, chỉ có manh chiếu trải trên nền nhà, bất kể mùa hè nóng bức hay mùa đông giá rét. Ngoài cửa luôn có năm tên “cai tù” mặt sắt và sáu con chó dữ thường xuyên canh gác, đề phòng họ chạy trốn.

 

Không chỉ vậy, hằng ngày họ còn phải chịu đựng những trận đòn roi thừa sống thiếu chết của tên đốc công và lũ “cai tù”. Những người “nô lệ” kể một công nhân quê ở tỉnh Cam Túc do “làm việc quá chậm chạp” đã bị lũ “cai tù” dùng búa đánh đập đến chết. Cuộc sống địa ngục đã biến tám công nhân thành những người mắc bệnh tâm thần. Họ chỉ còn nhớ được tên mình, còn tên cha mẹ, quê hương bản quán đều đã quên sạch.

 

Toàn bộ số công nhân này đều là những người nhập cư, bị lừa đem bán đến đây. Lò gạch này không có giấy phép kinh doanh, nằm ngay đối diện nhà ông bí thư Vương Đông Kỷ, lại chẳng có tường rào bao bọc, vậy mà hơn một năm qua chưa bao giờ thấy cảnh sát đến kiểm tra.

 

Ai cứu con chúng tôi?

 

Vụ việc chỉ vỡ lở khi khoảng 400 gia đình tại Sơn Tây có người thân là công nhân bị mất tích, trong đó có những nạn nhân của lò gạch làng Tào Sinh, lên tiếng kêu cứu. Họ tự giả dạng công nhân đến các lò gạch trong vùng điều tra, lần lượt cứu được 40 người có hoàn cảnh tương tự, từ đó lần ra manh mối những người mất tích khác. Điều đáng nói là do khả năng có hạn, các gia đình đã tìm đến cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ nhưng đều không được ai quan tâm, thậm chí còn bị gây trở ngại.

 

Trong cơn tuyệt vọng, nhiều gia đình cùng viết chung một bức thư có tựa đề: “Ai cứu con chúng tôi?” gửi đi khắp nơi. Lúc đó Đài truyền hình Sơn Tây cũng bắt tay vào điều tra, dẫn đến việc cảnh sát bố ráp lò gạch làng Tào Sinh cũng như một số lò gạch phi pháp khác tại thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây và giải cứu các công nhân bị giam giữ.

 

Hiện Công an làng Tào Sinh đã bắt giữ Vương Vũ Vũ, con trai bí thư Vương Đông Kỷ, và hai gã “cai tù”. Bản thân bí thư Vương Đông Kỷ cũng đang bị cảnh sát điều tra và thẩm vấn. Chính quyền huyện Hồng Động sẽ phát lương cho các công nhân về quê, những người bị tâm thần sẽ được chữa trị. Tuy nhiên, có lẽ không một khoản đền bù nào có thể bù đắp những đau đớn và mất mát mà họ đã trải qua sau 18 tháng ngục tù.                       

 

Theo Hiếu Trung - Cảnh Chánh

Tuổi trẻ/Shanxiwanbao, Asianews