1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những nhà lãnh đạo “nói ra vàng”

(Dân trí) - Có lẽ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã khiến cho bất kỳ chính trị gia tên tuổi nào trên thế giới phải mơ ước về một cuộc sống hậu chính trường giống như ông.

Khi phải đối diện với sự chuyển đổi đột ngột, từ vị trí là một người có đầy đủ quyền lực trong tay xuống làm một “phó thường dân”, chắc chắn các nhà lãnh đạo phải nỗ lực hết sức, tìm ra cho mình một tương lai không ảm đạm và nhàm chán.

 

Sau khi rời khỏi Nhà Trắng ngày 20/1/2001, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã trở thành một nhà diễn thuyết được trả hậu hĩnh nhất trên thế giới.

 

Mùa thu năm 2006, trước diễn giả hâm mộ ở Kentucky, cựu tổng thống Mỹ thú nhận: “Cho đến trước khi rời khỏi Nhà Trắng, tôi không bao giờ có nổi một đồng xu trong túi. Nhưng giờ đây tôi đã là một triệu phú (ông cười)”. Cuốn hồi ký "My Life" của ông được xuất bản vào năm 2004 đã gặt hái thành công vang dội về số lượng ấn phẩm xuất bản trên toàn thế giới, đem lại cho ông doanh thu 12 triệu USD.

 

Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là khoản thù lao mà ông thu được từ các buổi diễn thuyết. Trong vòng 7 năm từ khi rời chính trường, ông chủ cũ của Nhà Trắng đã kiếm được 40 triệu từ việc đăng đàn. Với ông, diễn thuyết thực sự là một nghề hấp dẫn và "hốt bạc". Ước tính trong năm 2006, ông Bill Clinton đã có 352 bài diễn thuyết, tính trung bình mỗi hôm ông thuyết giảng một bài.

 

Những khoản tiền này hoàn toàn được công khai vì hồi đầu năm nay, phu nhân của ông, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Hillary Clinton đã điền vào một bản kê khai tài sản và nguồn thu nhập của gia đình.Trong đó có các khoản lương bổng của đức lang quân.

 

Tờ Washington Post đã có một cuộc điều tra sâu về hoạt động và mức thu nhập hậu chính trường của ông Bill Clinton, với tư cách là một nhà hùng biện. Tính trung bình, chỉ trong một buổi đăng đàn, ông nhận được khoảng 200.000 USD, tương đương khoản lương ông được nhận trong 1 năm khi còn ở vị trí đứng đầu nước Mỹ. Kỷ lục mà ông lập được là tại đất nước láng giềng Canada, chỉ trong một ngày ông đã thu về 475.000 USD sau 2 bài phát biểu. Chỉ có 20% các bài tham luận của ông dành cho két tiền cá nhân, còn lại ông dành để cung cấp tài chính cho những công trình từ thiện, đặc biệt là đầu tư cho các hoạt động của quỹ William J. Clinton.

 

Bên lề một bài thuyết trình được trả 150.000 USD ở Denver vào năm 2006, cựu tổng thống đã đến ủng hộ những gia đình nạn nhân của vụ thảm họa tàu Columbine (20/4/1999). Những người này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quyên đủ số tiền để xây dựng một đài tưởng niệm. Chỉ cần một bài diễn văn đơn giản, ông đã thu được khoản tiền quỹ cần thiết.

 

Ông Clinton cũng trở thành một nhà gây quỹ hiệu quả nhất cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của vợ. Hồi tháng 2, ông tự ấn định cho mình một mục tiêu quyên được 1 triệu trong 1 tuần. Sứ mạng đã hoàn thành, thậm chí còn vượt hạn định, nhờ vào hàng nghìn thư điện tử ông gửi đi.

 

2 nhiệm kỳ tổng thống của ông Clinton (từ tháng 2/1993 đến tháng 1/2001) gắn liền với thời kỳ hưng thịnh của nền kinh tế Mỹ và niềm hy vọng về một nền hòa bình ngự trị khắp nơi. Đó là lý do tại sao công chúng sẵn lòng trả tiền để đến nghe ông nói, không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước trên thế giới.

 

Theo báo giới Anh, cựu Tổng thống Bill Clinton đã kiếm được hơn 1,3 triệu USD trong 6 lần diễn thuyết ở Anh và Iceland trong năm qua. Một lý do khác là vẫn còn tồn tại những cơ quan “hạng sang”, những ngân hàng, phòng thí nghiệm, câu lạc bộ golf hay các hiệp hội mong tìm một nhà hùng biện để "tô điểm" cho những buổi tiệc tùng và quảng bá hình ảnh của mình.

 

Tuy nhiên, ông Clinton không phải là người “phát minh” ra loại hình hoạt động kiểu này cho sự nghiệp cuối đời của các nhà lãnh đạo. Đó là nhờ vào những chính trị gia khác trước ông đã biết khai thác “công nghệ nói”.

 

Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ rất có uy thế dưới thời Tổng thống Richard Nixon, từ rất sớm đã biết kiếm tiền từ những bài truyền bá và phân tích trên các tờ báo lớn. Ronald Reagan sau khi rời nhiệm sở vào năm 1989 cũng đã thu được 2 triệu USD trong một chuyến diễn thuyết ở Nhật Bản. "Bà đầm thép" Margaret Thatcher của Anh đã lập được một hóa đơn các cuộc đăng đàn là 60 000 bảng Anh. Nhưng sự nổi tiếng cũng có cái lý của nó bởi người kế nhiệm bà, Thủ tướng John Major, bị đánh giá là một người nhạt nhẽo, chỉ thu được 20.000 euro (28.000 USD) cho mỗi bài tham luận ở Mỹ.

 

Nếu lướt qua trang web của Washington Speakers Bureau, cơ quan của những nhà diễn thuyết nổi tiếng nhất, độc giả sẽ thật sự ngạc nhiên. Ở mục "Global Leaders" là hình ảnh Valéry Giscard d'Estaing được giới thiệu như là người gây dựng một quốc gia châu Âu hiện đại. Để nghe diễn thuyết về các vấn đề quốc tế, ngoài các cựu ngoại trưởng Mỹ như Madeleine Albright hay Colin Powell, người ta cũng có thể "cậy nhờ" Joschka Fischer, cựu ngoại trưởng Đức,  José Maria Aznar, cựu Tổng thống Tây Ban Nha, hay Ernesto Zedillo, Tổng thống Mexico. Ngoài ra, các cựu lãnh đạo tên tuổi khác trên thế giới như cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhaïl Gorbatchev, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf cũng được nhắc đến một cách đầy tín nhiệm.

 

HH