1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Những người không có Tết ở Nga

(Dân trí) - Tết đến, nhà nhà người người gói bánh chưng, làm những món ăn truyền thống, tạo không khí đón Xuân sang… Nhưng ở nơi xa xứ không phải tất cả mọi người đều có thể hưởng trọn ngày Tết cổ truyền ấm cúng đoàn viên của dân tộc.

“Cảnh sát tới rồi, chạy đi thôi!”

Có lẽ bao năm qua câu nói đó của người Việt Nam tại Nga vẫn luôn là nỗi ám ảnh không dứt. Cảnh chạy trốn cảnh sát khi đang bán hàng ở chợ, khi đang làm việc ở xưởng may bất hợp pháp, khi đang trồng trọt ở vườn rau cũng bất hợp pháp… là “chuyện thường ngày ở huyện”!

Thực ra, nhà chức trách địa phương chỉ bắt giữ và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Hiện tượng người nhập cư làm việc bất hợp pháp tại Nga càng ngày càng gia tăng, khiến chính quyền sở tại rất khó xử, nhân dân địa phương thì bất bình, thậm chí họ còn tự lập ra các đội tìm kiếm người nhập cư trái phép tại các chung cư để báo cáo với nhà chức trách…

Đây cũng là vấn đề đau đầu cho các cơ quan chủ quản của ta ở Nga cũng như ở trong nước. Vậy bài toán này phải giải như thế nào? Làm thế nào để ngăn chặn triệt để tình trạng trì trệ này nhằm mang lại một hình ảnh đẹp của cộng đồng trong mắt người dân địa phương và nhà chức trách?

Ngay trong đêm 30 và 31/1/2014 (tức đêm Giao thừa Tết Giáp Ngọ 2014) theo nguồn tin có được của Cơ quan Truyền thông Báo chí - Dịch vụ của GU MVD Mátxcơva, tại vùng Serpukhov (Mátxcơva), cảnh sát đã bắt giữ 120 thợ may Việt Nam (không có quyền lao động hợp pháp) tại một xưởng may bất hợp pháp.

Nhà chức trách đã phát hiện tại đây một số lượng lớn hàng nhái của các hãng thời trang lớn trên thế giới. Cảnh sát đã tịch thu số hàng nói trên, ngoài ra cũng tịch thu 120 máy khâu. Một vụ án hình sự đã được khởi tố theo Bộ luật hình sự Nga.

Ngày 31/1/2014, cũng tại vùng Serbukhov (Mátxcơva), vẫn theo nguồn tin của Cơ quan truyền thông Báo chí - Dịch vụ GU MVD Mátxcơva, cảnh sát lại bắt giữ thêm 200 thợ may Việt Nam làm việc bất hợp pháp, thu giữ 180 máy khâu và lượng lớn hàng hóa vi phạm mẫu mã. Một vụ án hình sự khác được khởi tố về các đối tượng nói trên và xưởng may bất hợp pháp.

Ngoài ra, theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ Nga Interrminicipal “Nut-Zuevsky” vào ngày 29/1/2014, tại thành phố Lumberjacks Nut-Zuevsky, nhà chức trách Nga đã bắt giữ hơn 100 thợ may Việt Nam và cả người Tajikistan (thuộc Liên Xô cũ) trong một xưởng may bất hợp pháp trú ngụ tại một trang trại nuôi đà điểu, tịch thu 350 máy khâu và lượng hàng lớn bất hợp pháp. Cảnh sát đã phát hiện hàng nhái mác từ logo của các hãng nổi tiếng thế giới. Một vụ án hình sự đã được khởi tố với các tội danh: Tổ chức di cư và lao động bất hợp pháp, sử dụng trái phép nhãn hiệu hàng hóa…

Theo nguồn tin từ cơ quan truyền thông “Mátxcơva 24 giờ”, tại thành phố Orekhovo Zuyevo (ngoại ô Mátxcơva), cảnh sát đã bắt giữ 80 thợ may Việt Nam, thu giữ hàng chục máy khâu, hàng hóa nhái mác… Một vụ án hình sự đã được khởi tố.

Trong khoảng thời gian những tháng cuối năm 2013, thậm chí là những ngày đầu năm 2014, một số xưởng may “có vấn đề” ở các thành phố Vladimiar, Ivanchepka hoặc ở tận Saint Peterburg… cũng bị nhà chức trách khám xét và lập biên bản xử phạt, nhưng sau đó trật tự được tạm thời lập lại sau khi bị phạt hành chính hoặc thu giữ máy móc, thả người… (chỉ số ít không may phải vào trại tạm giam chờ ngày ra tòa án và bị trục xuất về nước).

Bao giờ thì Tết chia đều cho mọi người?

Được biết, trong khoảng thời gian một số xưởng may nói trên bị cảnh sát vây ráp dịp sát Tết Âm lịch, cánh thợ may đã hoảng sợ bỏ chạy (khi bên ngoài nhiệt độ âm 24-25 độ C), nghe nói ngay cả nồi bánh chưng còn sôi sùng sục trên bếp cũng bỏ đấy mà chạy thoát thân!

Những thợ may Việt Nam bị bắt hầu hết còn rất trẻ, tuổi đời chừng 17-20. Qua video clip của cảnh sát và truyền thông Nga chiếu trên TV (thời gian trước đây nhiều hơn, nay thì có ít hơn), lòng ai chẳng thắt lại khi nhìn thấy cảnh con em mình với nét mặt thất thần khi chưa biết rồi sẽ như thế nào. Tuy nhiên, cũng có em trong hoàn cảnh như vậy nhưng… vẫn cười tươi. Có lẽ là các em này đã quá “quen” với cảnh bắt rồi thả như cơm bữa nên trở thành chai sạn.

Họ từ giã quê hương bản quán sang Nga cũng chỉ với mục đích kiếm thêm thu nhập vốn eo hẹp khó khăn ở quê nhà. Với lời dụ dỗ “mật ngọt chết ruồi” của không ít cò mồi dịch vụ hứa hão mĩ miều, họ vay mượn cầm cố tài sản để có được suất (“đi chui” thì đúng hơn) sang Nga với bao ấp ủ đổi đời? (Cũng có những trường hợp được chủ bỏ tiền bao sang Nga trước sau đó làm ăn trừ dần).

Tuy vậy, cũng không ít người quyết tâm ra đi dù biết bên đó sẽ khổ cực qua chứng kiến từ truyền thông hoặc thông tin từ những người trở về cảnh báo. Biết gian khổ, cực nhục ở phía trước mà họ vẫn chấp nhận ra đi, có phải họ thực sự cảm thấy không còn đường nào khác mưu sinh nơi quê nhà hay vẫn bị sự thôi thúc vì quyết tìm sự may rủi nơi “miền đất hứa”?

Tuy nhiên cũng có nhiều người “gặp may” được ở xưởng tương đối nghiêm túc, ông bà chủ có tâm… nên cũng có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập. Nhưng có không ít người thợ lâm vào cảnh mua đi bán lại, gặp phải xưởng làm ăn không nghiêm túc, ông bà chủ thiếu trách nhiệm… nên đã gặp phải bao tai họa rình rập làm cho khốn đốn, không biết kêu ai, chỉ giận mình dại thì đã muộn rồi. Bên cạnh đó cũng có những công nhân tự ý trốn sang xưởng khác một cách tùy tiện làm khổ chủ xưởng lâm vào cảnh “công anh bắt tép nuôi cò” nên họ cũng ít nhiều bị thiệt thòi về công sức đào tạo thợ, vốn liếng bỏ ra…

Có những người luôn đặt câu hỏi về các ông bà chủ xưởng: Tại sao họ không làm xưởng hợp pháp công khai để yên ổn làm ăn? Thực ra, có nhiều người đã làm được điều đó và xưởng của họ vẫn trong tình trạng bình thường, còn số luôn bị đặt trong tình trạng “báo động đỏ” là do họ không muốn làm ăn hợp pháp. Chung qui chỉ vì hai chữ: Lợi nhuận. Họ muốn hưởng lợi nhanh nên cứ trốn tránh pháp luật. Rốt cuộc, người chịu khổ vẫn là công nhân.

Thực tình chúng tôi không muốn nhìn những hình ảnh anh chị em thợ may của ta phải ăn ở chen chúc, mất vệ sinh, không đảm bảo môi trường sống trong những căn phòng thiếu thốn ánh sáng, ngột ngạt vì diện tích hẹp. Bếp núc thì gián bọ, ruồi nhặng… Quả thực rất buồn khi phải nhìn những đoạn clip do phía bạn đưa lên trang Webe của nhà chức trách.

Thâm tâm chúng tôi chỉ mong muốn những ông bà chủ xưởng may Việt Nam của ta nơi xứ bạn quan tâm chu đáo hơn nữa đến các thủ tục pháp lý với chính quyền bạn, việc ăn ở của công nhân phải được đảm bảo chất lượng, đúng hẹn phát lương cho công nhân, làm sao để nhà chức trách của bạn có muốn đưa lên những hình ảnh không đáng có sẽ khó mà có tư liệu như họ muốn.

Hãy làm sao để mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhất là dịp Tết cổ truyền của người Việt tại Nga, những người thợ may đều được cùng chung vui hưởng trọn cái Tết xa nhà, không phải hớt hơ hớt hải chạy trốn nhà chức trách như những hiện tượng mà chúng tôi vừa nêu trên!

Võ Hoài Nam
Từ Mátxcơva