1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việc EU triển hạn thuế chống bán phá giá giày Việt Nam:

Những người châu Âu lên tiếng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) triển hạn thêm 15 tháng thuế chống bán phá giá nhắm vào giầy mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Chính dư luận ngay tại EU đã lập tức có phản ứng.

Những người châu Âu lên tiếng - 1

Quyết định của EU gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp giày da Việt Nam

Một tuyên bố ngắn

Trong một tuyên bố ngắn, các chính phủ EU nói họ đã thông qua quyết định trên tại cuộc họp ngày hôm qua. Tuyên bố không cho biết bao nhiêu nước đã thông qua.

EU đưa ra quyết định trên bất chấp sự phản đối của nhiều nước trong chính nội bộ khối, trong đó đặc biệt là Anh.

Theo tin ban đầu, có 10 nước bỏ phiếu ủng hộ việc áp thuế lần này gồm Bulgaria, Romania, Hungary, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hy Lạp và Slovenia. 4 nước bỏ phiếu trắng (cũng sẽ được tính như ủng hộ) gồm Đức, Áo, Malta và Latvia. 13 nước bỏ phiếu chống là Anh, Ireland, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Slovakia, Litva và Estonia.

EU cho rằng quyết định này giúp các nhà sản xuất ở nam Âu đối phó với giày giá rẻ hơn nhập khẩu bởi những công ty như Nike Inc., Puma AG và Adidas AG.

Vào tháng 10 năm 2006, EU đã quyết định mức thuế 16,5% đối với giầy mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với loại hàng này của Việt Nam, sau khi các nhà sản xuất giày châu Âu cho rằng họ không thể cạnh tranh được với những hãng giày giá thấp ở Trung Quốc và Việt Nam. Theo một thỏa thuận chính trị, châu Âu được quyền đánh thuế chống bán phá giá trong một thời hạn là hai năm, có thể triển hạn, nhưng không quá 5 năm.

Với quyết định mới của EU, các mức thuế chống phá giá với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục được áp dụng kể từ ngày 3/1/2010.

Số liệu của EC cho thấy giày da Việt Nam và Trung Quốc chiếm 30% thị trường châu Âu.

Thất vọng ngay tại EU

“Chúng tôi rất thất vọng”, đại diện Tập đoàn Bán lẻ Anh (BRC) đã bày tỏ ngay thái độ bất bình với quyết định mới nhất của EU. “Quyết định này không có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam và Trung Quốc, cùng không có lợi cho người tiêu dùng châu Âu”, ông Alisdair Gray, Giám đốc của BRC, khẳng định ngày 22/12.

Theo ông Gray, quyết định của EU đồng nghĩa với việc những người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục mua giày với mức giá - vốn đã bị tăng giả mạo, thêm 2 năm nữa. Động thái của EU sẽ là lời ra dấu với các công ty đang làm ăn thua lỗ khắp châu Âu rằng EC sẽ tiếp tục bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài.

Thực tế, những loại thuế chống bán phá giá giày dép đã tạo ra một sự chia rẽ mạnh mẽ trong lòng EU kể từ khi nó được áp dụng để "hạn chế các sản phẩm giày dép giá rẻ từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm lĩnh thêm thị phần của các nhà sản xuất nhỏ ở châu Âu".

Trong một cuộc họp ngày 19/11 tại Brussel, đại điện của 15 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ đề nghị của Ủy ban châu Âu, muốn kéo dài thêm 15 tháng lệnh đánh thuế 10% trên hàng nhập từ Việt Nam và 16,5% trên sản phẩm đến từ Trung Quốc. Chỉ có 10 nước bỏ phiếu tán thành và hai nước không bỏ phiếu.

Các nước bác bỏ quyết định kéo dài việc đánh thuế là các quốc gia ''phương Bắc'' như Anh, Đức, các nước Bắc Âu, trong lúc các nước chủ trương duy trì việc đánh thuế là Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp, tức là các quốc gia ở miền nam châu Âu.

Đại diện của Anh, với sự ủng hộ của 6 nước khác, đã tỏ thái độ không hài lòng về quyết định của châu Âu. Đây cũng là quan điểm của một số nước Bắc Âu, những quốc gia luôn chủ trương tự do hóa mậu dịch.

Tự do thương mại hay chủ nghĩa bảo hộ?

Nhiều nước đã mô tả loại thuế mà EU quyết định áp đặt là "theo chủ nghĩa bảo hộ".

Việt Nam đã nhiều lần phản đối quyết định áp thuế chống phá giá. Trung Quốc cho rằng quyết định của EU đang gây phương hại cho buôn bán tự do. Các nhà xuất khẩu và bán lẻ châu Âu cũng kêu gọi chấm dứt biện pháp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hàng triệu euro này.

EC cho rằng các nhà sản xuất châu Âu đang bị thiệt hại vì các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc và Việt Nam “đang bán giày với mức giá thấp hơn ở châu Âu”. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng và nhiều hãng giày tiếng tăm khẳng định họ mới thực sự làn nạn nhân vì mức thuế chống phá giá trên buộc họ phải trả nhiều hơn cho một lượng giày lớn hiện sản xuất tại Trung Quốc. Một phần lớn số lượng giầy dép của các tập đoàn châu Âu, như Adidas, Puma, Timberland, được sản xuất từ châu Á.

Mục đích của EU là hạn chế cạnh tranh cho 8.000 công ty sản xuất giày mũi da châu Âu, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ ở nam Âu. Nhưng Liên minh Giày dép châu Âu – đại diện cho các nhãn hiệu Timberland, Ecco, Hush Puppies và Adidas, hồi đầu tháng nói rằng triển vọng triển hạn thuế chống phá giá cho đến năm 2011 “sẽ tiêu tốn của người tiêu dùng và các công ty kinh doanh châu Âu nhiều trăm triệu euro”.

Liên minh này khẳng định quyết định của EU với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc sẽ không giúp được các hãng sản xuất giày đang chật vật của EU, vì “hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đã được thay thế bằng hàng nhập khẩu ở các nước thứ ba và vì vậy, quyết định này cũng sẽ không ích gì cho việc tạo thêm công ăn việc làm trong lĩnh vực giày da ở khu vực”.

Quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá của EU cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp giày da Việt Nam, đặc biệt tác động đến đời sống của hơn 650.000 lao động trong ngành này.

Thực tế trên đây cho thấy rằng việc áp đặt các mức thuế chống bán phá giá không phục vụ lợi ích chung của người tiêu dùng châu Âu. Nó cũng không công bằng – vì không mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Hơn thế nữa, với quyết định này, EU rõ ràng đang đi ngược lại chính sách của khối này cổ vũ cho tự do thương mại. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, đây là một bước thoái trào khi chính châu Âu đang kêu gọi thoát khỏi khủng hoảng bằng thương mại tự do, chứ không phải bằng chủ nghĩa bảo hộ.

Nguyễn Viết
Tổng hợp các hãng tin nước ngoài