Những mục tiêu đặt ra trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản
(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thăm chính thức Mỹ trong tuần này với trọng tâm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh cùng Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden nhằm nâng cấp liên minh quốc phòng song phương.
Theo các nguồn tin, chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Fumio Kishida bắt đầu từ ngày 8/4 và kéo dài 7 ngày.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với cả hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng Nhật Bản đang phải vật lộn với tỷ lệ tín nhiệm ảm đạm do vụ bê bối gây quỹ của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và giá cả trong nước tăng mạnh.
Trong khi đó, Tổng thống Biden có khả năng đối mặt với cuộc tái đầu đầy căng thẳng với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới, với dự đoán về một sự thay đổi chính sách lớn trong quan hệ với Tokyo nếu ông Trump trở lại nắm quyền.
Sự kiện lớn nhất trong chuyến đi kéo dài 1 tuần của Thủ tướng Kishida chính là hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/4 với mục tiêu sẽ tăng cường hơn nữa liên minh quốc phòng song phương.
Thủ tướng Kishida cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Washington nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và quốc phòng với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng muốn tiếp cận công chúng Mỹ để quảng bá những đóng góp của Nhật Bản cho nền kinh tế Mỹ và đảm bảo mối quan hệ ổn định, bất kể nhân vật nào sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay.
Nâng cấp hợp tác quốc phòng
Theo các nguồn tin, chương trình nghị sự bao trùm sẽ là an ninh, quốc phòng và thương mại nhưng hợp tác an ninh quốc phòng sẽ chiếm vị trí đáng kể. Và trong hợp tác quốc phòng, tái cơ cấu và mở rộng chức năng của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản là một trong những chủ đề hàng đầu. Đây được đánh giá sẽ là nỗ lực nâng cấp lớn nhất về liên minh an ninh Mỹ - Nhật trong nhiều thập niên qua.
Theo các chuyên gia, mặc dù việc tái cơ cấu sẽ không tạo ra một mệnh lệnh kết hợp như giữa Mỹ và Hàn Quốc, nhưng sẽ cho phép chia sẻ thông tin liền mạch hơn và ra quyết định hợp tác, qua đó tăng hiệu quả các chuỗi chỉ huy hiện có.
Sau khi Nhật Bản nới lỏng quy định xuất khẩu thiết bị quốc phòng, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ tiến thêm một bước nữa trong lĩnh vực này bằng việc thảo luận về thành lập một hội đồng quốc phòng chung nhằm nghiên cứu các mặt hàng xuất khẩu tiếp theo.
Kể từ khi nhậm chức năm 2021, Thủ tướng Kishida thực hiện thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực phòng thủ của Tokyo, tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027 và củng cố năng lực phản công.
Thủ tướng Kishida - từng nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác của Mỹ không chỉ ở châu Á mà còn trên phạm vi toàn cầu - cho rằng, việc xây dựng khả năng răn đe và phản ứng của Tokyo cũng là điều "thiết yếu" đối với Washington.
Trong chuyến đi đến Mỹ lần này, ông Kishida tiếp tục khẳng định, Nhật Bản và Mỹ hiện là đối tác toàn cầu và đang nỗ lực duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và Tokyo sẵn sàng đảm nhận vai trò quốc tế lớn hơn về an ninh, kinh tế và không gian để hỗ trợ thêm cho Washington.
Phát biểu với báo giới trước chuyến đi, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác công nghệ và thiết bị vũ khí giữa hai nước và các đối tác cùng chí hướng khác cũng rất quan trọng.
Trọng tâm chính của hội nghị này là kế hoạch hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy quân sự song phương để có thể hoạt động trơn tru hơn. Theo các nguồn tin, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ nhất trí về kế hoạch này.
Mỹ đồn trú 50.000 quân ở Nhật Bản. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang chuẩn bị tái cơ cấu để có bộ chỉ huy thống nhất cho các lực lượng lục quân, không quân và hải quân vào tháng 3/2025.
Cả hai cũng kỳ vọng sẽ có những sáng kiến mới về hợp tác công nghiệp quốc phòng, bao gồm hợp tác sản xuất vũ khí, có thể là về một loại tên lửa mới, cũng như việc sửa chữa và bảo trì các tàu chiến Mỹ và các thiết bị khác ở Nhật Bản nhằm hỗ trợ các hoạt động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Nhật Bản cũng có thể sẽ tham gia vào mối quan hệ đối tác an ninh Mỹ - Anh - Australia để phát triển và chia sẻ các khả năng quân sự tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), chiến tranh điện tử và vũ khí siêu vượt âm.
Hội nghị thượng đỉnh 3 bên
Ngoài hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, điều ông Kishida quan tâm là hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên Mỹ - Nhật Bản - Philippines, dự kiến diễn ra vào ngày 11/4.
Đây là hội nghị được chờ đợi trong bối cảnh cả Washington và Tokyo đều đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và kinh tế với Manila. Giới chuyên gia dự đoán cuộc họp thượng đỉnh ba bên đầu tiên này sẽ mở đường cho các cuộc tuần tra hải quân chung ba bên ở Biển Đông vào cuối năm nay.
Quốc phòng đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến công du lần này của nhà lãnh đạo Nhật Bản vì những vấn đề nổi lên từ cuộc chiến ở Ukraine, Gaza và những vụ thử tên lửa từ Triều Tiên.
Thủ tướng Kishida từng cảnh báo rằng cuộc chiến ở châu Âu có thể dẫn đến xung đột ở Đông Á. "Mặc dù chúng tôi duy trì liên minh Nhật Bản - Mỹ làm nền tảng, nhưng vẫn tin rằng điều quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm, bao gồm cả Philippines", ông Kishida nói.
"Sự hợp tác giữa ba quốc gia của chúng ta là vô cùng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như bảo vệ trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên các quy định của pháp luật", ông Kishida nói hôm 7/4 trước khi lên đường đến Washington.
Thương mại Mỹ - Nhật
Song song với hợp tác quốc phòng, Thủ tướng Nhật Bản chắc chắn sẽ đề cập vấn đề thương mại, mà một trong những trở ngại là những chỉ trích tại Mỹ liên quan đến thỏa thuận Nippon Steel mua US Steel với giá 14,1 tỷ USD.
US Steel từng là công ty quyền lực nhất thế giới và là biểu tượng cho vị thế cường quốc công nghiệp của Mỹ. Vì vậy, Washington rất chú trọng đến việc phải xem xét các tác động kinh tế và chính trị của thỏa thuận này.
Thủ tướng Kishida cũng muốn nêu bật những đóng góp kinh tế của các công ty Nhật Bản đối với nền kinh tế số 1 thế giới.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: "Điều quan trọng là phải chứng tỏ rằng Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất thế giới vào Mỹ. Các công ty Nhật Bản đang hỗ trợ việc làm ở Mỹ và tiềm năng đầu tư thêm vào Mỹ trong những năm tới là rất lớn".
Vì vậy, theo các nguồn tin, Thủ tướng Kishida sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và thăm nhà máy sản xuất pin xe điện của Toyota đang được xây dựng ở Bắc Carolina, dự kiến ra mắt vào năm 2025, cũng như công ty con máy bay phản lực kinh doanh của Honda cũng ở Bắc Carolina.
Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 4/4, ông Kishida cho biết có kế hoạch truyền đạt "những gì Nhật Bản và Mỹ muốn truyền lại cho thế hệ tương lai và những gì chúng ta cần làm cho thế hệ này của chúng ta".