Những lần Tổng thống Trump mắc sai sót ngoại giao
(Dân trí) - Lên nắm quyền tổng thống Mỹ khi chưa có nhiều kinh nghiệm về chính trị, ông Donald Trump đôi lần đã mắc phải những sai sót về mặt ngoại giao như lỗi phát âm, lỗi dùng từ sai, hoặc thiếu sự nhạy cảm chính trị nhất định, tạp chí Politico trích nguồn tin đối ngoại cho biết.
Theo Politico, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump có lần muốn điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào buổi trưa. Nhưng có một vấn đề. Buổi trưa theo múi giờ ở thủ đô Washington, Mỹ lại là nửa đêm ở Tokyo. Các trợ lý của ông Trump đã khuyên Tổng thống Mỹ không điện đàm vào giờ này.
“Khi Tổng thống muốn gọi cho ai, ông ấy sẽ kiên quyết muốn làm việc đó. Ông ấy không nghĩ nhiều rằng bây giờ là mấy giờ hay người được gọi là ai”, một nguồn tin thân cận ông Trump tiết lộ.
Trong trường hợp của ông Abe, các nhân viên trong hội đồng cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump khuyên ông và cam kết đặt lịch gọi cho ông vào một thời điểm thích hợp về mặt ngoại giao.
Đó là 1 trong nhiều ví dụ cho thấy ông Trump đôi khi đã vô tình mắc phải những lỗi ngoại giao do sự thiếu kinh nghiệm chính trường, vì ông vốn xuất thân từ giới kinh doanh. Và đôi khi những sai sót của ông Trump không chỉ dừng lại ở mức những cuộc điện đàm mà còn là phát âm sai, hiểu sai vấn đề…
Trong một cuộc họp hồi năm 2017 với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Trump đã từng phát âm nhầm tên nước Nepal thành “nipple” hay Bhutan thành “button”, theo 2 nguồn thạo tin có mặt trong cuộc họp.
Bình luận về đề nghị điện đàm vào ban đêm của Tổng thống Trump, chuyên gia James Carafano, phó chủ tịch tại tổ chức Heritage (Mỹ), người từng giữ chức cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng ông Trump dường như biết rõ có sự khác biệt về mặt đối ngoại giữa phong cách của doanh nhân và chính trị gia, nhưng ông không sẵn lòng thay đổi cá tính chỉ để phù hợp với giới tinh hoa Washington. Ông cho rằng nếu mọi người trông chờ một Tổng thống Mỹ “mềm mỏng” như những tiêu chuẩn trước nay về chính trị gia thì họ có thể sẽ thất vọng.
“Tôi không nghĩ là ông Trump nghĩ đây là những sai sót. Ông ấy có thể nghĩ là "nhìn này, tôi đã làm việc này theo cách khác mọi người". Nếu bạn nói đó không phải là cách để làm việc thi ông ấy sẽ hỏi ngược lại rằng điều gì cấm ông ấy không được làm như vậy”, ông Carafano phân tích.
Tuy nhiên, một cựu quan chức từng làm việc cho ông Trump cho biết Tổng thống Mỹ cũng ý thức được việc mình có thể phát âm sai nên ông sẽ hạn chế nói những từ hoặc những cái tên mà ông cảm thấy có “nguy cơ” mắc lỗi trước mặt các nguyên thủ quốc gia. Người này nói rằng ông Trump luôn muốn tỏ ra tôn trọng người đối diện.
Tuy nhiên, đôi khi với khối lượng công việc lớn, ông Trump vẫn có thể mắc lỗi. Trong cuộc họp với các nước châu Phi hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump từng nói nhầm Namibia thành “Nambia”.
Cũng trong cuộc họp này, ông Trump từng nói rằng: “Tôi có một vài người bạn tới nước của các ông, kiếm tiền và làm giàu. Xin chúc mừng các ông”. Các trợ lý của ông Trump lo ngại rằng cách diễn đạt của ông có thể gợi nhớ tới thời kỳ châu Phi là thuộc địa của phương Tây.
Khi tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thăm Nhà Trắng hồi tháng trước, ông Trump đã chúc mừng “chiến thắng vang dội” của ông Conte, dù thực tế ông không hề tham gia vào chiến dịch tranh cử. Ông là ứng viên được liên minh 2 đảng cầm quyền bầu chọn ra.
Hồi tháng 1, theo Washington Post, ông Trump trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Modi đã bắt chước cách phát âm giọng Anh - Ấn Độ và cách ngắt nghỉ của ông Modi, một hành động mà các trợ lý lo ngại có thể gây ra hiểu lầm giữa 2 bên.
Một vụ việc khác được giới truyền thông nhiều lần nhắc đến làm dẫn chứng cho sự thiếu nhạy cảm của ông Trump về mặt đối ngoại là vụ việc ông gọi các quốc gia châu Phi bằng từ ngữ khá nặng nề, khiến ông bị phản ứng dữ dội.
Đôi khi các chủ đề trong các cuộc điện đàm và các cuộc họp cũng được ông Trump nhắc đi nhắc lại. Thủ tướng Abe cho tới nay đã gặp Tổng thống Trump 7 lần, và theo một nhà ngoại giao Nhật Bản, ông Abe cảm tưởng như đã họp một cuộc họp với ông Trump lặp đi lặp lại 7 lần vì nội dung các cuộc họp không có gì mới mẻ. Theo một cựu quan chức Nhà Trắng, ông Abe và cấp dưới dường như cũng tránh nói với ông Trump về vấn đề này vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo.
Đức Hoàng
Theo SCMP