1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những "hoàng đế nhỏ" trong các gia đình Trung Quốc

(Dân trí) - Mới 5 tuổi đầu, ngoài giờ học chính khóa ở trường, bé Angelina đã tham gia các lớp học chơi golf, khiêu vũ, trượt băng nghệ thuật. Một buổi học golf kéo dài 2 tiếng và học phí là 200 USD.

Mỗi tuần, cô Rose Lei đều đưa con gái Angelina đến lớp học golf ở tận trung tâm Thượng Hải vì ở đó có các chuyên gia nổi tiếng đến từ Scotland. Mục đích của cô Rose Lei, cũng như nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc là muốn đầu tư tiền bạc để đứa con một của họ có thể gia nhập "tầng lớp tinh hoa của xã hội".

 

Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn tự hào về “Chính sách một con” (được áp dụng từ năm 1979), khi cho rằng nó đã giúp quốc gia của Vạn lý trường thành hạn chế số dân ở mức 1,3 tỷ người như hiện nay, thay vì 1,7 tỷ người nếu không áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nhà xã hội học Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này đối với đời sống xã hội, khi nó đã vô tình sản sinh ra những “ông hoàng, bà chúa” trong các gia đình.

 

Hậu quả nhãn tiền của chính sách một con đã tạo ra tình trạng nam thừa nữ thiếu do tư tưởng trọng nam khinh nữ và vấn đề nối dõi tông đường đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân. Dù Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm xét nghiệm giới tính thai nhi nhưng các ca nạo phá thai nhi nữ vẫn không ngừng tăng lên ở nước này. Theo thống kê của Phòng dân số Trung Quốc, hiện nay tỷ lệ nam nữ ở nước này là 117/100, chênh lệch rất nhiều so với tỷ lệ bình quân của thế giới là 100/105. Cứ theo đà này thì đến năm 2020, khoảng 40 triệu người đàn ông Trung Quốc không tìm được bạn đời.

 

Điều đáng nói là chính sách một con đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi dạy và phát triển nhân cách đứa trẻ. Mô hình “4-2-1” (4 ông bà, 2 cha mẹ và chỉ có 1 con) đã dẫn tới việc cả nhà quá nâng niu, chiều chuộng đứa con duy nhất, biến đứa trẻ trở thành “tiểu hoàng đế” trong gia đình.

 

Ngay từ rất sớm, các “ông vua nhỏ”, theo sự sắp đặt của người lớn, đã phải tham gia “cuộc đua” tìm kiếm vị thế cao quý cho mình. Các bậc phu huynh Trung Quốc đua nhau đầu tư tiền của để con không bị tụt hậu hay thua kém bè bạn, trường hợp của cô bé Angelina là một điển hình.

 

Dường như gia tăng việc học ngoại khóa, tham gia các lớp học chuyên gia nước ngoài vẫn còn chưa đủ, nhiều bậc cha mẹ còn đưa con sang London hay New York với hy vọng đứa trẻ có thể nói tiếng Anh chuẩn như người bản xứ. Số khác cho con theo học những trường cam kết đào tạo con họ trở thành “Những quý ông quý bà thực thụ” theo chuẩn mực của văn minh phương Tây. Học phí là 900 USD cho một khóa học kéo dài 2 tuần, trong đó trẻ được học tắm, ăn uống, ăn mặc lịch sự, đi lại, khiêu vũ và cách cư xử lịch thiệp với người khác giới.

 

Sự nuông chiều quá mức của các bậc phụ huynh đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc hình thành và phát triển nhân cách ở trẻ. Nghiên cứu mới đây nhất của Viện tâm lý thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết những đứa trẻ con một, đặc biệt là ở thành phố, sống ích kỷ, thích dựa dẫm vào người khác và luôn đòi hỏi đáp ứng ngay những gì chúng muốn.

 

Zhang Sining, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học nhân văn Liêu Ninh nhận định tỷ lệ ly hôn ở thế hệ 8 X ở Trung Quốc hiện nay khá cao. Những cuộc hôn nhân tồn tại ngắn ngủi bởi ai cũng muốn mình là “number one” (số một), như khi còn bé. Không ai chịu nhượng bộ và họ cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt như ai sẽ giặt quần áo, ai sẽ nấu cơm…Theo tờ Tân Hoa Xã tỷ lệ ly hôn là 24,5% khi cả hai người đều là con một và là 8,4% khi chỉ một người là con một.

 

Một lý do khác là các bậc cha mẹ đã can thiệp quá sâu vào đời sống hôn nhân của con cái. Cô Hu Jia, 25 tuổi ở thành phố Bắc Kinh cho hay mẹ chồng cô ngày nào cũng đến kiểm tra xem cô có nấu món ăn yêu thích cho con trai bà không, trong khi đó thì bố đẻ cô liên tục đề nghị 2 vợ chồng cô đến ăn cơm để tránh cho cô khỏi phải vào bếp. Hậu quả là những người con một đã quá quen với sự chăm bẵm của cha mẹ nên họ thường không thỏa mãn với sự chăm sóc của nửa kia.

 

Giám đốc Viện Dân số và Kinh tế thuộc Viện khoa học Trung Quốc dự báo lực lượng lao động Trung Quốc sẽ ổn định ở cao điểm vào năm 2013 rồi sau đó sẽ sút giảm vì mô hình dân số “4-2-1”. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên nền kinh tế Trung Quốc vốn cần một lực lượng lớn lao động trẻ có tay nghề.

 

Vậy là sau những tích cực có thể nhìn thấy, mãi hơn 20 năm  sau khi áp dụng chính sách một con người ta mới nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực của nó và phải chăng đã đến lúc chính phủ Trung Quốc cần điều chỉnh?!

 

HH

Theo AFP, THX

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm