1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những điều ít biết về đặc nhiệm quân đội Mỹ

(Dân trí) - Sau chiến dịch giải cứu con tin thành công tại Iraq, lực lượng tác chiến đặc biệt quân đội Mỹ vừa được phái tới Syria tấn công IS. Ngoài những kỹ năng chiến đấu đặc biệt, cùng trang bị tối tân, còn nhiều điều thú vị về lực lượng này mà ít ai biết tới.

Các binh sỹ SOF luôn được trang bị rất đầy đủ (Ảnh: AR15)
Các binh sỹ SOF luôn được trang bị rất đầy đủ (Ảnh: AR15)

Các binh sỹ thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Mỹ (SOF) bao gồm số ít những quân nhân tinh nhuệ nhất, được tuyển chọn từ mọi nhánh của quân đội, gồm cả lực lượng Mũ Nồi Xanh và đặc nhiệm Hải quân SEAL.

Họ có lẽ được biết đến nhiều nhất sau khi hạ những mục tiêu giá trị cao như Osama bin Laden hay kẻ cầm đầu nhóm Hồi giáo cực đoan IS Abu Sayyef, và cả những chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng.

Nhưng đó không phải toàn bộ công việc của các binh sỹ của SOF. Họ còn tham gia vào các nhiệm vụ trinh sát, chống nổi loạn, viện trợ nhân đạo cùng một loạt hoạt động chuyên biệt khác.

SOF cũng đề cao những giá trị ít hữu hình hơn trong công tác tuyển mộ, như sự dũng cảm, liêm chính, khiêm tốn, sáng tạo và kiên cường. Khi các ứng viên lần đầu đăng ký gia nhập SOF, họ được đánh giá dựa trên khả năng lãnh đạo và làm việc theo nhóm, và đây là một trong những nhân tố chính quyết định việc họ có được chấp nhận hay không.

Đây là 10 đặc điểm chung của các quân nhân SOF.

Đã kết hôn và thường có 2 con

Thành viên lực lượng tác chiến đặc biệt hoàn toàn không phải những gương mặt trẻ, được tuyển mộ ngay khi ra trường. Dù chịu áp lực của một công việc nặng nề, họ có tuổi đời trung bình khoảng 29 đối với chiến sỹ và 34 đối với sỹ quan. Thường lính tác chiến đặc biệt đã kết hôn và có 2 con.

8 năm kinh nghiệm tác chiến

Hầu hết thành viên lực lượng tác chiến đặc biệt không khởi nghiệp với lực lượng này. Đa phần họ đã được huấn luyện trong các lĩnh vực khác của quân đội, trước khi được tuyển vào SOF.

Ba lô 45kg

Thành viên lực lượng tác chiến đặc biệt luôn được đòi hỏi cao về thể chất, ít nhất phải đủ khỏe để mang một ba lô đầy thiết bị nặng khoảng 45kg. Ngoài ra, những vật dụng thiết yếu khác được nhét trong túi áo, quần gồm: 1 cây bút và giấy ghi chép, bản đồ, thiết bị đinh vị GPS, dao, lựu đạn và đèn pin. Tất cả được trang bị để giúp họ sẵn sàng với mọi tình huống chiến đấu.

Đại học Tác chiến đặc biệt

Đại học Tác chiến đặc biệt, có tên đầy đủ là Đại học tác chiến đặc biệt hỗn hợp, đóng tại căn cứ không quân MacDill, bang Florida. Ngôi trường này đào tạo các quân nhân chính quy, dự bị và cả những nhân viên dân sự thuộc các nhánh trong quân đội Mỹ như Lục quân, Hải quân, Không quân và Lính thủy đánh bộ. Mọi học viên theo học tại đây đều được miễn học phí.

Kỹ năng ngoại ngữ

Không chỉ sử dụng thể lực và võ thuật, các binh sỹ lực lượng tác chiến đặc biệt còn phải có trí tuệ vượt trội. Thường họ là những người đạt điểm cao hơn mặt bằng chung trong kỳ thi tuyển quân nhân của quân đội Mỹ. Nhiều người còn sở hữu bằng đại học.

Một khi gia nhập Lực lượng tác chiến đặc biệt, họ tiếp tục được huấn luyện về văn hóa và ngôn ngữ, để hiểu kỹ lưỡng về địa bàn họ sẽ được điều tới. Tất cả thành viên lực lượng này phải biết ít nhất một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Những thành viên siêng năng có thể học bất kỳ ngôn ngữ nào trong số 35 ngôn ngữ được dạy tại Trường tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ.

Do Quốc hội Mỹ thành lập

Lực lượng tác chiến đặc biệt được ra đời theo quyết định của quốc hội Mỹ trong đạo luật tái cơ cấu quân sự Goldwater-Nichols năm 1986 và Sửa đổi Nuhn-Cohen đối với Đạo luật thẩm quyền quốc phòng 1987.

Lực lượng này ra đời sau khi Bộ chỉ huy và cấu trúc của quân đội đặc biệt Mỹ dẫn tới thất bại của Chiến dịch móng vuốt đại bàng (Operation Eagle Claw) năm 1980. Đây là chiến dịch do Tổng thống Mỹ khi đó, ông Jimmy Carter, ra lệnh thực hiện, nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng con tin tại Iran, bằng cách giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị giam giữ tại đại sứ quán ở Tehran.

Kiến thức y khoa

Lực lượng tác chiến đặc biệt thường được triển khai tới các vùng hẻo lánh, nơi hỗ trợ y tế rất hạn chế. Do đó, họ được đào tạo để biết cách hỗ trợ lẫn nhau nếu bị thương cho tới khi đến được nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Họ cũng được tiếp cận các công nghệ mới trợ giúp họ, hoặc một đồng đội, khi bị thương trên chiến trường. Những công nghệ đó bao gồm Bộ thiết bị SharkBite, và huyết tương khô đông lạnh, được phát triển với sự hỗ trợ của SOCOM.

Hỗ trợ nhân đạo

Lực lượng tác chiến đặc biệt sở hữu những kỹ năng và năng lực độc đáo, và thường có mặt tại các khu vực có khủng hoảng nhân đạo. Sau động đất tại Haiti và Nepal mới đây SOF đã tham gia phân phát hàng cứu trợ, cũng như tham gia cứu nạn sau thảm họa sóng thần tại Nhật hay lở tuyết ở Afghanistan.

Rèn thể lực như vận động viên Olympic

Thành viên Lực lượng tác chiến đặc biệt cũng được đào tạo về chiến đấu đối kháng tay không, cũng như kỹ năng bắn tỉa nâng cao. Tất cả đều phải có thể lực hơn người và được huấn luyện bởi chính những huấn luyện viên của các vận động viên thể thao chuyên nghiệp, đẳng cấp Olympic.

Tất cả còn được dạy các bộ kỹ năng như lặn, hành quân trên bộ, và các biện pháp xâm nhập vùng có địch. Hoạt động huấn luyện diễn ra liên tục, trong mọi điều kiện con người có thể tưởng tượng ra.

Được phép để râu

Do là lực lượng đặc biệt nên các thành viên của SOF cũng có những tiêu chuẩn riêng về tác phong, ngoại hình, khác với thành viên các lực lượng khác trong quân đội Mỹ. Họ được phép để râu và tóc dài nếu cần, trong khi các quân nhân khác hầu như không thể. Việc này giúp họ có cơ hội dễ dàng hòa nhập vào địa bàn hoạt động, ví dụ như Afghanistan, nơi nam giới thường để râu.

Thanh Tùng

Tổng hợp

 

Những điều ít biết về đặc nhiệm quân đội Mỹ - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm