Những "điểm nóng" bị bỏ quên
Thế giới hiện không chỉ có những điểm nóng quen thuộc như Triều Tiên, Syria, Ukraine mà còn có cả những cuộc xung đột chưa được quan tâm nhiều.
Các nước tại khu vực Sahel, châu Phi đang phải vật lộn với các xung đột chồng chéo liên quốc gia, bạo lực thánh chiến và nạn buôn lậu. Những phản ứng bằng biện pháp quân sự của các nhà lãnh đạo ở đó khiến tình hình thêm tồi tệ.
Cuộc khủng hoảng ở Mali vào năm 2012 - một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ, các tay súng cực đoan chiếm những thị trấn phía Bắc gần một năm - cho thấy mọi chuyện có thể leo thang nhanh chóng.
Kể từ đó, việc thực thi thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nói trên bị đình trệ trong khi bất ổn lan rộng từ miền Bắc đến khu vực trung tâm Mali cũng như một số khu vực của 2 nước lân cận Niger và Burkina Faso. Số vũ khí đang tràn ngập khu vực sau khi Libya rơi vào bất ổn khiến các vụ xung đột thêm chết chóc.
Theo tạp chí Foreign Policy, người châu Âu xem những bất ổn ở khu vực Sahel là mối đe dọa đến an ninh của mình và là một nguồn "xuất khẩu" khủng bố, người di cư. Dù vậy, giải pháp đối phó của cộng đồng quốc tế cho đến giờ chỉ mới tập trung vào khía cạnh quân sự.
Trong khi đó, tham vọng tiếp tục nắm quyền của Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Joseph Kabila có thể khiến nước này thêm hỗn loạn giữa lúc khủng hoảng nhân đạo ngày một tồi tệ. Biểu tình bạo lực trong những ngày gần đây ở thủ đô Kinshasa và những địa phương khác khiến nhiều người thiệt mạng. Giao tranh tại vùng Kasai trong năm qua làm hơn 3.000 người chết. Ngoài ra, cuộc xung đột ở miền Đông nước này làm thiệt mạng hàng chục người mỗi tháng.
Còn tại Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa trong năm 2018 khi kinh tế tiếp tục khó khăn, làm nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng chính trị, nhân đạo hiện nay.
Thê thảm hơn là tình hình Yemen, nơi khoảng 8 triệu người đối mặt nạn đói, 1 triệu trường hợp mắc bệnh tả và hơn 3 triệu người sơ tán. Cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này có thể leo thang hơn nữa trong năm 2018. Ả Rập Saudi và các đồng minh sẽ tăng cường chiến dịch quân sự nhằm vào phiến quân Houthi trong khi Iran tiếp tục tìm kiếm cơ hội khiến Riyadh sa lầy tại Yemen.
Không dừng lại ở đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ - Ả Rập Saudi và Iran có khả năng gây ra những rạn nứt mới ở Trung Đông. Nguy cơ này có thể thêm trầm trọng bởi 3 yếu tố: sự củng cố quyền lực của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, chiến lược cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Iran và việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mất quyền kiểm soát ở Iraq và Syria cho phép Washington và Riyadh để mắt đến Iran nhiều hơn.
Còn tại châu Á, cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya ở Myanmar đã bước vào giai đoạn nguy hiểm mới, đe dọa quá trình chuyển đổi dân chủ, sự ổn định của Myanmar, Bangladesh nói riêng và toàn bộ khu vực nói chung, trong lúc làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước này.
Dai dẳng không dứt
Sau gần 7 năm nội chiến, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn nắm quyền, phần lớn nhờ sự ủng hộ của Iran và Nga. Nhưng cuộc chiến chưa kết thúc khi Syria trở thành đấu trường cho sự cạnh tranh giữa Iran và các nước đối đầu. Trong khi IS bị đánh đuổi khỏi phía Đông, khả năng leo thang xung đột ở những nơi khác sẽ tăng lên.
Một điểm nóng quen thuộc khác là Ukraine, nơi cuộc xung đột ở miền Đông làm hơn 10.000 người chết và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Chừng nào khủng hoảng này còn tồn tại, quan hệ giữa Nga và phương Tây khó có khả năng cải thiện.
Đáng lo không kém là tình hình Afghanistan. Chiến lược mới về Afghanistan của Mỹ làm gia tăng các chiến dịch tấn công phong trào Taliban, với sự tham gia của lực lượng Afghanistan. Mục đích, theo các quan chức cấp cao, là ngăn chặn bước tiến của Taliban và buộc nhóm này đi đến một thỏa thuận chính trị nhưng mặt khác sẽ làm chiến sự leo thang.
Cuối cùng, không thể bỏ qua cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ đang theo đuổi "chiến lược gây sức ép tối đa" lên Bình Nhưỡng nhưng lập trường cứng rắn của Washington có thể đối mặt nguy cơ gây ra chiến tranh hạt nhân.
Theo Xuân Mai
Người lao động