1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những chuyển dịch chính trị - an ninh lớn làm thay đổi thế giới trong năm 2015

Năm 2015 chứng kiến nhiều sự kiện có tác động tới cục diện ở tầm khu vực và toàn cầu, thậm chí có những sự kiện sẽ còn có tác động tới tình hình quốc tế trong suốt cả thế kỷ XXI.

Xu hướng mới trên mặt trận chống khủng bố

Trong năm 2015, trên thế giới hình thành ba liên minh chống tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác có mức độ nguy hiểm tương tự. Đó là Liên minh chống khủng bố gồm 60 nước do Mỹ chỉ huy, Liên minh chống khủng bố do Nga dẫn dắt gồm Syria, Iran và một số lực lượng khác và Liên minh chống khủng bố gồm 34 nước do Arabia Saudi đứng đầu. Trong đó, chỉ có liên minh do Nga dẫn dắt có đầy đủ cơ sở pháp lý theo Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) nên ngay từ đầu đã có hiệu quả nhất nhằm mục tiêu đích thực là tiêu diệt IS và tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria. Còn liên minh do Mỹ và Arabia Saudi dẫn đầu đặt ra mục đích kép là vừa muốn tiêu diệt Tổng thống Syria Basharal-Assad-người đang đi đầu trong cuộc chiến chống IS, lại vừa chống IS, là một điều khó thực hiện.

Theo chiều hướng của Nga, ngày 18-12-2015, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ lộ trình hòa bình quốc tế tại Syria, trong đó xác định người dân Syria sẽ quyết định quá trình chuyển giao quyền lực trong vòng 18 tháng và không đề cập tới việc loại bỏ vai trò của Tổng thống Basharal-Assad.

Thế giới nỗ lực hóa giải nguy cơ an ninh phi truyền thống lớn nhất trong thế kỷ XXI

Năm 2015, Diễn đàn kỷ niệm 70 năm thành lập LHQ được đánh dấu bằng kỳ họp lịch sử của tổ chức này với hai nội dung rất quan trọng là thông qua Chương trình phát triển bền vững của thế giới đến năm 2030 và thảo luận những cơ hội và thách thức đặt ra trước LHQ hiện nay. Tại Diễn đàn này, lãnh đạo các nước thành viên LHQ thống nhất nhận định, đã đến lúc cần cải tổ LHQ phù hợp với cục diện thế giới trong thế kỷ XXI, đồng thời ngăn chặn mọi âm mưu làm phương hại đến uy tín và tính hợp pháp của LHQ.

Cũng trong năm 2015, Hội nghị lần thứ 21 về Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP-21) sau 12 ngày thảo luận sôi nổi và căng thẳng đã đạt được một thỏa thuận lịch sử, theo đó tất cả các quốc gia nhất trí cắt giảm khí thải nhằm mục tiêu dài hạn là kìm hãm quá trình biến đổi khí hậu và gia tăng tài trợ cho các nước đang phát triển đối phó với tác động này.

Công nhận quyền của các quốc gia được phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

Trong năm 2015, thỏa thuận lịch sử giữa Nhóm P5+1 (gồm thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) với Iran về chương trình hạt nhân của Teheran. Ý nghĩa lịch sử của thỏa thuận này không chỉ dừng lại ở việc hóa giải một trong những hồ sơ xung đột phức tạp nhất, đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi và đối đầu giữa Nhà nước Hồi giáo Iran với phương Tây kéo dài trong nhiều năm qua mà còn có ý nghĩa khẳng định một nguyên tắc rất cơ bản được ghi trong Hiến chương LHQ là công nhận chủ quyền của các quốc gia trong việc phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Khủng hoảng di cư trở thành công cụ cạnh tranh địa - chính trị ở châu Âu

Di cư và tị nạn ở châu Âu là một hiện tượng bình thường trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong năm 2015, hiện tượng này đột nhiên bùng phát thành cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở “lục địa già” kể từ sau Thế chiến II. Nhìn bề ngoài, làn sóng di cư này dường như là hậu quả chạy lánh nạn nghèo đói và chiến tranh của người dân Bắc Phi-Trung Đông, nhưng trên thực tế là sự vận dụng một chiến lược được hoạch định rất bài bản trên cơ sở kết quả các công trình của Trung tâm nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế của Đại học Harvard (Mỹ) với tựa đề “Làn sóng di cư chiến lược-một loại vũ khí chiến tranh” (“Strategic Engineered Migration as a Weapon of War”), được công bố lần đầu tiên vào tháng 3-2008.

Cơ hội lịch sử mang lại hòa bình cho Ukraine bị bỏ lỡ

Theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin, nguyên thủ bốn quốc gia thuộc “Nhóm Noormandi”, gồm Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenco đạt được Thỏa thuận Minsk-2 vào ngày 12-2-2015 về tổng thể các biện pháp nhằm hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine, mở ra cơ hội lịch sử mang lại hòa bình cho quốc gia Đông Âu này.

Tuy nhiên, chính quyền Ukraine  được Mỹ “chống lưng” đã liên tục vi phạm và không thực hiện thỏa thuận lịch sử này, rút cuộc không chỉ đưa cuộc khủng hoảng rơi vào tình trạng bế tắc mà còn đẩy Ukraine tới khủng hoảng nặng nề và Thỏa thuận Minsk-2 cũng bế tắc.

Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2015, lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN ký Tuyên bố chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Như vậy từ ngày 1-1-2016, Cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước chuyển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển thịnh vượng chung.

Cộng đồng ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi tập hợp trong đó các quốc gia có chế độ chính trị, bản sắc văn hóa và mô hình phát triển khác nhau. Trên cơ sở ASEAN đã hình thành nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế có hiệu quả như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và ASEAN+1, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác v.v..

Gia tăng các hành động gây căng thẳng tại biển Đông

Có thể thấy, năm 2015, Trung Quốc thể hiện ở hai động thái chưa từng có liên quan đến an ninh trên biển Đông. Đó là, Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2015, trong đó dành toàn bộ nội dung để giới thiệu về Chiến lược quốc phòng mới của Trung Quốc. Lần đầu tiên một văn kiện chính thức của Trung Quốc ngang nhiên khẳng định chủ quyền trái với luật pháp quốc tế của họ đối với gần 80% diện tích biển Đông.

Một động thái nữa là Trung Quốc xúc tiến hoàn tất nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở ở một số đảo chìm ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam như đường băng sân bay, hải đăng cỡ lớn, các thiết bị thông tin trên biển, công trình cứu trợ khẩn cấp, trạm quan trắc khí tượng biển v.v.

TPP không chỉ là kinh tế

Năm 2015, quá trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được hoàn tất. Đánh giá về sự kiện này, Tổng thống Mỹ B.Obama cho rằng TPP là một hiệp định lịch sử, trong đó Mỹ viết luật chơi cho cả thế giới chứ không phải là Trung Quốc hay là Nga và sẽ có ảnh hưởng rất lớn trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí mở ra một kỷ nguyên mới ở khu vực này.

Những chuyển dịch chính trị - an ninh lớn làm thay đổi thế giới trong năm 2015 - 1

Năm 2015, quá trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được hoàn tất.

TPP là một trong hai trụ cột của Học thuyết Obama, cùng với trụ cột kia là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership). TPP và TTIP sẽ tạo ra 2 không gian kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ đạo.

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu

Công an nhân dân