1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những câu chuyện li kỳ về "điệp viên thú vật"

Câu chuyện cá voi ở Na Uy mới đây lại khiến thiên hạ đồn đại về những điệp viên động vật trong quân đội một số nước. Chúng được cho là được huấn luyện để thu thập tin tức tình báo.

Những câu chuyện li kỳ về điệp viên thú vật - 1

Chú cá voi beluga kỳ lạ mà ngư dân Na Uy bắt gặp

Một số ngư dân Na Uy đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp một chú cá voi beluga rất dạn người, đã thế trên mình cá còn mang một dây đai có dòng chữ “thiết bị của St. Petersburg”. St. Petersburg là tên một thành phố lớn của Nga.

Con cá voi tự do bơi lội khắp các vùng nước của Na Uy. Nó bơi vòng vòng quanh tàu bè và “giao tiếp” với mọi con tàu nó gặp. Mặc dù rất yêu quý chú cá voi, các quan chức Na Uy tin rằng con vật màu trắng san hô có thể dài tới hơn 4m, nặng 1300kg, thực tế là một “điệp viên” của Nga.

Các bằng chứng có vẻ thuyết phục. Cá voi beluga thường không có hành vi như chú cá này: chúng thường không thân thiện với người và chắc chắn là hầu hết đều không mang theo camera hành động GoPro.

Cho đến nay, các nhà khoa học Nga vẫn bác bỏ khả năng đây là cá voi phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, theo Popular Mechanics. Trong khi quân đội Nga bác bỏ lời đồn đại rằng họ đang tiến hành các chương trình do thám sử dụng động vật, họ vẫn đăng quảng cáo mua cá heo phục vụ các điệp vụ bí mật. Xưa nay vẫn tồn tại những câu chuyện về việc sử dụng động vật làm điệp viên, trong đó có cả những chuyện thêu dệt và những câu chuyện có thật.

Sử dụng bồ câu đưa thư đã có từ hàng ngàn năm qua. Theo New York Times “Noah là vị thánh của các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (Tây Á), cũng là người đầu tiên sử dụng chim bồ câu thu thập tin tức”. Kinh thánh viết rằng, sau trận lụt đại hồng thủy kinh hoàng, nước rút dần khỏi mặt đất. Ông Noah thả một con chim bồ câu bay ra khỏi tàu xem tình hình bên ngoài. Lần thứ nhất, con chim bồ câu không tìm được chỗ đậu chân vì nước chưa rút, nên nó bay về lại tàu. Bảy ngày sau, con bồ câu được thả ra lần nữa, và lần này nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi. Ông Noah biết là nước đã giảm xuống, mặt đất đã hòa bình vì Đức Chúa Trời đã thôi cơn thịnh nộ. Ngày nay, hình ảnh chim bồ câu ngậm cành lá là biểu tượng của hòa bình.

Những câu chuyện li kỳ về điệp viên thú vật - 2
 

Người La Mã, Thành Cát Tư Hãn và Napoleon Bonaparte đều sử dụng chim bồ cầu vào mục đích quân sự. Cher Ami là một chú chim bồ câu đưa thư của Pháp trong thế chiến 1. Nó đã thành công khi mang được thư tới nơi chủ nhân muốn.

Thường thì người ta bọc thư vào chân chim. Năm 1907, Julius Neubronner là người đầu tiên gắn máy ảnh nhỏ xíu lên chim bồ câu và sau này quân đội nhiều nước đã áp dụng, đáng kể nhất là quân Đức. Trong thế chiến 2, quân đội Anh gắn đã thử chất gây cháy vào chim bồ câu, nhưng rồi cũng không áp dụng vào thực tế.

Trong những năm 1960, tình báo Mỹ đã tìm cách biến những chú mèo nhà thành “thiết bị nghe trộm” từ đầu đến chân. Câu chuyện sẽ diễn ra như sau: bác sĩ thú y sẽ gây mê chú mèo nhỏ, cài micro siêu nhỏ vào tai của chúng, một máy phát vô tuyến vào đầu và chạy một sợi dây bám sát bộ lông của con mèo tới đuôi của nó. Đuôi mèo chính là ăng ten tự nhiên. CIA hy vọng sẽ “triển khai” mèo tới điện Kremlin để nghe trộm, thu thập thông tin tình báo từ lãnh đạo Liên Xô. Nhưng cuối cùng chương trình bị hủy bỏ khi chú mèo đầu tiên vừa được triển khai đã bị ô tô cán.

Trong quân đội Mỹ và Liên Xô đều có các bộ phận huấn luyện cá voi, cá heo phục vụ quân sự. Người Nga được nói là đã huấn luyện cá heo nhận diện thủy lôi, thậm chí là gắn mìn lên tàu đối phương. Người Mỹ không chỉ dùng cá heo, mà còn có các loài thú khác như sư tử biển. Cho đến năm 2015, hải quân Mỹ có 85 chiến binh cá heo, 50 sư tử biển chỉ riêng tại căn cứ Sandiego.

Năm 2017, truyền hình Nga nói hải cẩu, cá heo mũi chai và cá voi beluga đang được thử nghiệm. Tuy nhiên, theo National Interest, cá voi beluga bị loại vì “chúng bị ốm sau khi bơi quá lâu trong nước lạnh ở vùng cực”.

Theo Anh Minh

Tiền phong