1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những câu chuyện bị bỏ quên của thế giới

Hôm qua, Liên Hợp Quốc giới thiệu danh sách 10 đề tài mà thế giới cần được nghe nhắc đến nhiều hơn nhằm lôi kéo sự chú ý của công chúng và giới truyền thông vào những vấn đề hệ trọng nhưng ít khi nào được làm nổi bật.

Danh sách được đăng tải trên trang www.un.org/events/tenstories của LHQ, với ngụ ý rằng chuyện chính trị, giết người, bê bối tình ái vẫn đang chiếm ưu thế về thông tin so với các vấn đề nghèo đói, xây dựng hòa bình hoặc phát triển kinh tế.

 

Trong số "10 câu chuyện bị bỏ quên", châu Phi góp vào danh sách nhiều nhất với bốn câu chuyện:  Bờ Biển Ngà đang "nằm trên lưỡi dao" bùng nổ bạo động, Liberia hậu chiến, vấn đề nhân đạo ở Cộng hòa dân chủ Congo, người dân Somalia đối mặt với hạn hán.

 

Khu vực Nam Á có hai câu chuyện trong danh sách này: trẻ em Nepal bị lạm dụng, thất học; hàng trăm ngàn người Ấn Độ và Pakistan vẫn trong cảnh vô gia cư sau trận động đất tháng 10/2005. Ngoài ra, LHQ còn khái quát các vấn đề khác: khó khăn của người xin qui chế tị nạn, trẻ em bị giam cầm, hợp tác khai thác nguồn nước và người lánh nạn không tìm được hướng ra.

 

Ernest Corea, một biên tập viên ở Sri Lanka, lý giải báo chí ở các nước công nghiệp hóa tập trung vào chuyện Iraq, Iran, phổ biến hạt nhân... vì đó là quan tâm chính của độc giả tại các nước này. "Chuyện tranh chức giám mục ở California được đăng lên tin đầu vì có ba người đồng tính luyến ái tham gia" - ông Corea lấy thí dụ. Trong khi đó, theo ông Corea, các vấn đề phát triển chỉ được quan tâm nhiều hơn ở các nước nghèo.

 

Đồng ý với quan điểm này, giám đốc Phòng Thông tin LHQ Shashi Tharoor cho biết nhiều năm nay LHQ tìm cách chứng tỏ rằng những vấn đề phát triển cũng có thể là những thông tin hay bằng cách chỉ ra các phương diện về lợi ích con người.

 

Ông Tharoor nhấn mạnh rằng chỉ khi nào độc giả, người xem truyền hình và người nghe đài phản hồi cho các nhà biên tập biết rằng họ quan tâm đến những vấn đề phát triển và nhân đạo thì lúc đó thói quen đưa tin mới thay đổi.

 

Với danh sách trên, LHQ cũng hi vọng báo chí các nước nghèo đừng quá chú tâm vào những vấn đề dễ thấy và thường được các hãng truyền thông phương Tây chú trọng đăng tải mà nên thông tin về những vấn đề đang âm thầm đe dọa hoặc làm trở ngại cuộc sống của hàng triệu người.

 

Theo Sơn Nguyễn

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm