1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những bí ẩn chưa có lời đáp về vụ Watergate

Tuy Deep Throat đã lộ diện, nhiều khúc mắc về vụ đột nhập gài máy nghe trộm ở Watergate đến nay vẫn chưa có lời giải, hơn 30 năm sau khi Richard Nixon phải từ chức tổng thống. Dưới đây là những giả thuyết xung quanh chúng.

Động cơ của những kẻ đột nhập là gì khi chui vào trụ sở của đảng Dân chủ tại toà nhà Watergate đêm 17/6/1972?

 

Những kẻ đột nhập muốn thay những thiết bị nghe trộm điện thoại bị hỏng, được lắp trong lần đột nhập trước đó. Nhưng tại sao lại phải chui vào trụ sở đảng Dân chủ làm gì? Giả thuyết hiển nhiên nhất có khi lại đúng: Nixon luôn lo lắng về cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và chỉ muốn theo dõi phe đối lập đang làm gì.

 

Nếu giải thuyết này chưa đủ, thì còn có những khả năng khác: Những kẻ đột nhập cố gắng tìm – hay gài - những bằng chứng để cáo buộc phe Dân chủ có liên hệ với bên cánh tả cực đoan. Hoặc Nixon lo sợ chủ tịch đảng Dân chủ Lawrence O’Brien có những thông tin bất lợi về khoản vay mà tỷ phú Howard Hughes dành cho cậu em của ông – Donald Nixon. Hoặc hệ thống nghe trộm được dựng lên để tìm thông tin về một mạng lưới gái gọi phục vụ cả phe Dân chủ lẫn Nhà Trắng.

 

Có phải Nixon cử những kẻ đột nhập tới Watergate?

 

Các cuốn băng của Nhà Trắng dưới thời Nixon được công bố cho đến nay đều không cho thấy ông biết trước về vụ đột nhập.

 

Nhưng chúng cho thấy ông có biết về những hoạt động phạm pháp khác của những người dưới quyền. Một năm trước vụ Watergate, ông từng nói với chánh văn phòng của mình, H.R. “Bob” Halderman, rằng ông muốn Halderman lấy trộm một hồ sơ về Việt Nam trong Viện Brookings. “Hãy đột nhập và lấy nó ra!” ông ra lệnh. Mệnh lệnh này không bao giờ được thực hiện.

 

Một cố vấn của Nixon, Jeb Stuart Magruder, lần đầu tiên tuyên bố năm 2003 rằng ông nhớ từng nghe lỏm qua điện thoại khi Nixon cho phép tiến hành kế hoạch gài máy nghe trộm ở Watergate. Một số nhà sử học tỏ ra hoài nghi về điều này.

 

Tại sao Nixon không phá huỷ các cuốn băng ghi lại các cuộc đối thoại của mình trước khi chúng buộc ông phải từ chức?

 

Nixon có lẽ vẫn giữ được ghế tổng thống, nếu các cuốn băng bị phá huỷ. Bộ trưởng Tài chính John B.Connally từng đề xuất đốt chúng. Nhưng luật sư Leonard Garment khuyên Nixon rằng các cuốn băng không thể bị phá huỷ theo đúng luật.

 

Ngoài ra, tổng thống tin ông sẽ không bao giờ phải nộp các cuốn băng. Trong cuốn hồi ký năm 1978, Nixon viết rằng việc phá huỷ các cuốn băng sẽ tạo ra ấn tượng phạm tội và chúng là “sự đảm bảo tốt nhất của tôi” chống lại một cố vấn bất trung là John Dean, người đã tiết lộ về Watergate với các nhà điều tra.

 

Ai gây ra một khoảng trống dài 18 phút rưỡi trong một cuốn băng quan trọng?

 

Việc một cuốn băng chủ chốt - cuộc trò chuyện 3 ngày sau khi xảy ra vụ đột nhập – có một đoạn chỉ có tiếng lèo xèo dài 18 phút rưỡi - tổn hại rất nhiều cho uy tín của Nixon. Cố vấn của ông Alexander Haig đổ tại “một thế lực đen tối”. Rose Mary Woods – thư ký riêng của Nixon - nhận một phần trách nhiệm. Bà nói rằng điện thoại reo khi bà đang chép lại nội dung cuốn băng, và chân bà vô tình giẫm vào nút xoá của máy ghi âm trong 4 – 5 phút.

 

Tuy nhiên, ban chuyên gia nghiên cứu cuốn băng kết luận rằng mình bà Woods không thể gây nên toàn bộ chuyện này. Họ có bằng chứng cho thấy ít nhất 5, thậm chí có thể tới 9 người, cố tình xóa băng.

 

VnExpress - Theo AP