1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhóm anh hùng cảm tử “Fukushima 50” ở Nhật

(Dân trí) - Trong những bộ phim về thảm họa của Nhật, họ được ví như những người hùng, hi sinh mọi thứ vì một tương lai tốt đẹp hơn, kỷ luật, quyết đoán, từ chối lùi bước trước nghịch cảnh hay thậm chí là cái chết.

Nhóm anh hùng cảm tử “Fukushima 50” ở Nhật - 1


 

 

Đây là những đức tính đất nước mặt trời mọc vinh danh.

 

Và giờ, trong thảm họa, báo chí Nhật lại đang hết lời vinh danh một nhóm anh hùng mới: những người công nhân, những nhân viên cứu hộ khẩn cấp, những nhà khoa học đang chiến đấu để cứu nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đồng bào của họ và cả chính họ nữa.

 

Thông tin về họ rất ít, ngoại trừ một số người được người thân của họ kể cho báo chí.

 

Một phụ nữ cho biêt cha cô, làm việc cho một công ty điện 40 năm, đã tình nguyện tham gia nhóm “cảm tử”. Ông chuẩn bị về hưu vào tháng 9 tới.

 

“Số phận của nhà máy điện hạt nhân phụ thuộc vào việc chúng ta ứng cứu cuộc khủng hoảng này như thế nào”, ông đã nói như vậy với cô con gái mình. “Cha thấy đây là nhiệm vụ của cha”.

 

Nhóm nhỏ công nhân quyết lưu lại nhà máy khi lượng phóng xạ tăng cao đã được mệnh danh là “Fukushima 50”, mặc dù giờ đây số lượng người đang nỗ lực làm việc tại đó có thể đã tăng lên gấp đôi.

 

Rick Hallard, người làm việc trong ngành hạt nhân ở Anh suốt hơn 30 năm, cho hay áp lực đối với họ là rất lớn, nhưng họ có thể không cảm nhận thấy khi cuộc khủng hoảng này qua đi.

 

“Cuộc sống nơi chiến tuyến”

 

Vào hôm thứ tư vừa qua, chính phủ Nhật đã tăng giới hạn phóng xạ họ có thể tiếp xúc lên từ 100 đến 250 millisieverts. Lượng này gấp hơn 12 lần bình thường so với lượng giới hạn cho công nhân làm việc trong môi trường phóng xạ theo luật của Anh.

 

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với lượng gấp đôi con số trên con người mới có thể có những “ảnh hưởng sớm”, với những triệu chứng ốm phóng xạ như bạch cầu giảm. Ngoài ra, phải ở trong vùng có mức phóng xạ 1.000 millisieverts bạn mới có cảm giác buồn nôn hay mệt mỏi.

 

“Ảnh hưởng sau” của việc phơi nhiễm phóng xạ có thể không biểu hiện trong nhiều năm. Song điều này lại gia tăng khả năng bị ung thư. Nhưng đây cũng là nhiều khả năng, chứ không phải điều chắc chắn.

 

Những người công nhân trên có thể là những anh hùng vô danh lúc này, nhưng sự dũng cảm của họ đã giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người Nhật.

 

“Họ đang hi sinh chính họ cho người Nhật”, Fukuda Kensuke, một công chức tại Tokyo cho hay. “Tôi rất biết ơn những người đang tiếp tục làm việc ở đó”.

 

“Họ đang đặt cuộc sống của họ trên chiến tuyến”, Maeda Akihiro nhận xét. “Nếu nơi đó phát nổ, đó là dấu chấm hết cho tất cả chúng tôi. Vì vậy tất cả những gì tôi có thể làm là gửi họ lời động viên”.

 

Các phi công thuộc thuộc quân đội Nhật, những người đã lái trực thăng chở những “quả bom nước” thả xuống nhà máy hôm thứ năm vừa qua để giúp giảm nhiệt các thanh nhiên liệu, đã bị giới hạn về thời gian. Sứ mệnh của họ chỉ được kéo dài chưa đây 40 phút, nhằm giảm sự phơi nhiễm với phóng xạ.

 

Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã ca ngợi tất cả những người đã tham gia vào nỗ lực ứng cứu nhà máy, nhận xét, họ đã “nỗ lực hết mình thậm chí không mảy may một giây nghĩ đến nguy hiểm”. Nhiều người chiến đấu để giảm nhiệt các thanh nhiên liệu đã bị thương.

 

Gia đình họ chắc chắn là những người phải chịu đựng nhiều nhất, đứng ngồi không yên ở nhà, không biết người thân yêu của mình đang phải đối mặt với hiểm nguy gì, có thể bị tổn thương gì trước mắt cũng như lâu dài.

 

“Tôi không muốn anh ấy đi”, vợ của một người trong nhóm “Fukushima 50” cho hay. “Nhưng anh ấy đã làm việc trong ngành hạt nhân từ năm 18 tuổi và anh ấy tự tin là an toàn”.

 

Khi cuộc khủng hoảng này qua đi, câu chuyện về những cá nhân anh hùng chắc chắn sẽ được ca tụng.

 

Phan Anh

Theo BBC