1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhìn lại “Thông điệp Shangri-La” của Thủ tướng Việt Nam

(Dân trí) - Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua, bài phát biểu dẫn đề về “xây dựng lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự quan tâm và đồng tình lớn của dư luận và được coi như là “Thông điệp Shangri-La”.

Bìa cuốn sách Thông điệp Shangri-La.

Bìa cuốn sách "Thông điệp Shangri-La".
 

“Thông điệp Shangri-La” chính là tựa đề của cuốn sách do Nhà xuất bản Thế giới phát hành ngay sau diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Cuốn sách giới thiệu lại toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đầu tiên phát biểu dẫn đề tại diễn đàn an ninh hàng năm do Viện nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức, cũng như những câu trả lời của Thủ tướng trước các câu hỏi của các học giả tham dự diễn đàn, cùng những nhận xét, đánh giá, ý kiến của các chính khách, nhà nghiên cứu và dư luận quốc tế xung quanh bài phát biểu.

 

Qua bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra được thông điệp mạnh mẽ về “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương” trong bối cảnh toàn khu vực đứng trước những thách thức và nguy cơ ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh.

 

Thông điệp của Thủ tướng được các chính khách, các nhà nghiên cứu có tiếng của Việt Nam, như Giáo sư Vũ Khiêu, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hay Trung tướng, PGS.TS. Nguyễn Đình Chiến, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội, đánh giá cao. Các nhận định đều cho rằng bài phát biểu đã thể hiện vị thế được nâng cao của Việt Nam, là “tiếng vang lớn đúng thời điểm quan trọng” (theo như đánh giá của ông Vũ Mão), là “điển hình về ứng xử ngoại giao, khiến những người không đồng tình hoặc có quan điểm khác cũng không thể nào bác bỏ được” (Nguyễn Dy Niên), có “tầm vóc vượt lên trên những ảnh hưởng chính trị đang diễn ra trong khu vực” (Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam).

 

Giáo sư Vũ Khiêu chỉ ra rằng, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, hay trong ASEAN, những nước nhỏ hơn trong khu vực, để xây dựng ASEAN thành một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, có “sức nặng” trên mọi vấn đề trong khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, “Thủ tướng nêu lên lòng mong mỏi của mình về sự đồng tâm, đồng hành trong ứng xử của các nước nhỏ, đồng thời kêu gọi lương tâm và trách nhiệm của các nước lớn trong khu vực”. Mà những nước lớn đó được Thủ tướng nêu rõ trong bài phát biểu là Trung Quốc và Mỹ.

 

“Thông điệp Shangri-La” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng được một loạt các tờ báo của Việt Nam phân tích ngay sau đó. Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 1/6/2013, đánh giá bài phát biểu của Thủ tướng mang “Tầm nhìn mới, nội dung mới”. “Xây dựng lòng tin chiến lược là hành động!” là bài viết trên báo Thanh Niên ngày 3/6/2013, dẫn lại lời của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, để chỉ ra cách thức thực hiện lời kêu gọi “xây dựng lòng tin chiến lược” của Thủ tướng. Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, trong cuộc trao đổi với báo Lao Động ngày 3/6/2013, chỉ ra rằng Thủ tướng nhấn mạnh “điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin là tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát.”

 

Trả lời phóng viên Dân trí ngay tại Shangri-La, ông Len Edwards, một nhà tư vấn chiến lược đến từ Canada nói: “Là một đất nước đang phát triển nhanh chóng và thành viên ASEAN, Việt Nam có vai trò quan trọng then chốt trong khu vực, và tôi cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để nghe Thủ tướng Việt Nam phát biểu về kế hoạch của đất nước các bạn”.

 

Các báo trong và ngoài nước khác cũng dẫn một loạt đánh giá của các chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu từ Úc, Anh, Mỹ, Nga về bài phát biểu “xây dựng lòng tin chiến lược” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ cho rằng Thủ tướng đã trả lời cho câu hỏi mang tính nền tảng: làm thế nào để thúc đẩy tất cả các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, hành động phù hợp với luật pháp quốc tế”. Hay giáo sư Geofrey Till của Đại học King’s Colllege ở London qua trao đổi với báo Tuổi Trẻ rằng: “Những gì Thủ tướng Việt Nam nói hoàn toàn đúng đắn” và “xây dựng lòng tin chiến lược” là “cách duy nhất mà các nước ở biển Đông còn mâu thuẫn về lãnh hải có thể giải quyết mâu thuẫn hiện tại”.

 

Như vậy có thể thấy “Thông điệp Shangri-La” của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là “xây dựng lòng tin chiến lược” mà theo như Giáo sư Carl Thayer cho biết trên báo Thanh Niên, nó đã “trở thành chủ đề chiếm lĩnh” diễn đàn “Đối thoại Shangri-La” 12. “Tất cả các bộ trưởng quốc phòng đều nêu lại và đặt vấn đề làm sao biến nó thành thực tiễn”.

 

Vũ Quý