1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhiếp ảnh gia Mỹ nhức nhối cùng nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam

Nhiếp ảnh gia Damir Sagolj của hãng thông tấn Reuters đã sang Việt Nam tìm hiểu và thực hiện chùm ảnh về các nạn nhân của chất da cam/dioxin quái ác, hậu quả của những gì người Mỹ đã gieo rắc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam hơn 40 năm về trước.

Nhiếp ảnh gia Mỹ nhức nhối cùng nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam
Cựu chiến binh Nguyen Hong Phuc, 63 tuổi, ngồi trên giường với cậu con trai bị di chứng chất độc da cam Nguyen Dinh Loc, 20 tuổi
 
Lao Động lược dịch bài viết đăng trên Reuters ngày 22.4 của nhiếp ảnh gia này.

Ngày 30.4.2015 đánh dấu 40 năm kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn phải chịu đựng những vết thương về cả tinh thần và thể chất nghiêm trọng, đặc biệt là những nỗi đau nhức nhối do chất độc màu da cam để lại.

Nếu bạn ở trên máy bay cất cánh từ sân bay Đà Nẵng rồi nhìn qua cánh cửa máy bay, giữa những tòa nhà và bức tường màu vàng chia tách sân bay này khỏi những khu phố đông đúc, bạn sẽ nhìn thấy một vết sẹo xấu xí để lại do cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Đây là nơi những thùng chất da cam/dioxin quân đội Mỹ lưu giữ tại sân bay này rồi gieo rắc trên khắp đất nước Việt Nam. Giờ đây, hơn 40 năm trôi qua, vị trí cuối cùng hứng chịu thứ chất độc này đã được khử nhiễm.

Khi ngày kỷ niệm sắp tới, tôi vẫn muốn thực hiện một câu chuyện về chất  da cam dù nó không còn mới mẻ. Một số đồng nghiệp của tôi đã cau mày và hỏi: Tôi không thể tìm một thứ gì đó mới thay vì kể đi kể lại một câu chuyện?

Tôi không thể nhớ tôi đã nghe ở đâu và khi nào, nhưng tôi nhớ có một lời khuyên rằng: Dù một câu chuyện đã được kể bao nhiêu lần và bao nhiêu người đã khai thác nó, hãy cứ làm như thể bạn là người đầu tiên và duy nhất được chứng kiến nó. Tôi nghe lời khuyên này nhiều lần trước đây và giờ tôi lại nghe như vậy.
 
Cựu chiến binh Le Văn Dan có hai cháu trai cũng bị nhiễm chất độc da cam

Cựu chiến binh Le Văn Dan có hai cháu trai cũng bị nhiễm chất độc da cam

Tôi và một đồng nghiệp người Việt đã quyết định đi khắp Việt Nam, một đất nước trải dài hơn 1.500km từ Bắc đến Nam, với một số lượng lớn những người vẫn chịu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin.

Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) nói với Reuters rằng, hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với loại chất độc hại này và hơn 3 triệu người đã mắc những căn bệnh chết người do ảnh hưởng của nó.

Nhưng ngay sau khi tôi bắt đầu chụp những bức ảnh và nói chuyện với các nạn nhân và người thân của họ, tôi nhận thấy nên nghĩ lại cách thức thực hiện câu chuyện. Phản ứng tự nhiên và ngay lập tức của tôi khi đó là đến gần hơn, chủ yếu là tiếp cận khuôn mặt họ để thấy rõ những gì đã xảy ra trên thân thể những nạn nhân này.

Tại một trung tâm bảo trợ xã hội ở ngoại ô Hà Nội, sau khi ghi lại  chân dung của một số trẻ em bị nhiễm chất  da cam/ dioxin, tôi cảm thấy kế hoạch ban đầu của mình là sai lầm. Tôi có những đôi mắt, những khuôn mặt bị tổn thương nhưng tôi đang thiếu đi thứ gì đó, có thể là câu chuyện ẩn sâu bên trong những số phận bất hạnh.

Tôi muốn đặt nó trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, 40 năm sau cuộc chiến tranh, để thấy các nạn nhân ở thế hệ thứ hai, thứ ba, họ ở đâu và họ sống như thế nào; để tìm hiểu tại sao con và cháu của những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin hiện nay vẫn sinh ra những người không lành lặn; để khám phá liệu họ có biết những nguy hiểm của thứ chất độc đó và nếu có thì họ phát hiện ra khi nào. Và tôi muốn ghi lại hình ảnh của tất cả những thứ đó.

Khi chúng tôi đến gần hơn những nơi trước kia là mặt trận, số lượng các nạn nhân da cam/dioxin dần tăng lên. Chúng tôi giữ liên lạc với VAVA và họ hỗ trợ chúng tôi những thông tin cần thiết, bao gồm số lượng nạn nhân và nơi họ sinh sống.

Tôi gặp cựu chiến binh Le Van Dan. Ông kể với tôi ông đã bị phun chất da cam trực tiếp như thế nào từ các máy bay Mỹ, cách không xa ngôi nhà ông ở hiện nay. Hai cháu trai của ông cũng bị ảnh hưởng bởi dioxin và sinh ra với thân thể khuyết tật.

Tại ngôi làng nhỏ ở Thái Bình, trong một căn phòng  lạnh lẽo, trống không, tôi gặp Doan Thi Hong Gam. Người phụ nữ sống cô lập trong căn phòng này từ năm 16 tuổi vì vấn đề tâm thần. Đến nay, cô đã 38 tuổi. Cha của Gam là một cựu chiến binh, nằm trên chiếc giường trong căn phòng cạnh phòng con gái. Ông rất yếu và cũng bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh năm xưa.
Ông Do Duc Diu bên 12 ngôi mộ của 12 người con qua đời vì chất độc da cam
Ông Do Duc Diu bên 12 ngôi mộ của 12 người con qua đời vì chất độc da cam

Tại một ngôi làng khác, cựu chiến binh Do Duc Diu chỉ cho tôi ngôi mộ ông xây cho 12 người con của mình, tất cả đều qua đời không lâu sau khi sinh ra không lành lặn. Bên cạnh đó còn 6 vị trí khác đã được dành sẵn cho 6 cô con gái của ông hiện vẫn còn sống nhưng rất yếu. Ông Diu cũng là một cựu chiến binh và bị nhiễm dioxin. Trong hơn 20 năm qua, ông và vợ ông đã có gắng để có một đứa con khỏe mạnh. Nhưng lần lượt từng đứa con của họ qua đời và họ nghĩ rằng đó là một lời nguyền hay một điều không may nên đã nhờ đến thầy cúng, nhưng cũng không thể thay đổi điều gì.

Họ phát hiện họ nhiễm chất da cam/dioxin chỉ sau khi đứa con thứ 15 của họ ra đời và cũng ốm yếu. Tôi đã chụp bức hình người con gái út của ông và điều này không hề dễ dàng chút nào.

Từng ngôi làng nối tiếp nhau, tôi ghi lại những bức ảnh đầy cảm xúc và thậm chí là những câu chuyện xót xa về các nạn nhân da cam.

Quay lại Đà Nẵng, bên cạnh sân bay quốc tế ở đây, chúng tôi đến thăm một đôi vợ chồng trẻ, những người từng sống và làm việc ở khu vực này từ cuối những năm 90. Khi họ mới chuyển đến đây sinh sống, người chồng thường câu cá, bắt ốc, hái rau quả về nhà ăn. Nhưng anh không biết rằng, chất da cam từng lưu trữ gần nơi anh sống đã nhiễm vào nguồn nước và tất cả mọi thứ xung quanh chiếc hồ gần đường băng.

Con gái của đôi vợ chồng trẻ ra đời ốm yếu năm 2000 và qua đời khi mới 7 tuổi. Tiếp đó, con trai họ chào đời năm 2008 nhưng cũng ốm yếu và cũng có những dấu hiệu tương tự như đứa con gái đầu lòng. Tôi chụp một vài bức ảnh và sau đó đưa gia đình họ đến bệnh viện để truyền máu cho cậu bé. Cậu bé mù và yếu ớt nắm ngón tay tôi rồi sau đó gửi một nụ hôn vô định. Tôi nhìn nó từ đằng xa và lặng lẽ bước đi.

Mỹ đã ngừng rải chất  da cam ở Việt Nam năm 1971 và cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1975. 20 năm sau, nhiều người Việt Nam dường như không biết về nó. Giờ đây, 40 năm đã trôi qua, những đứa trẻ và bố mẹ chúng vẫn phải chịu những đau khổ và một phần lớn của câu chuyện vẫn chưa được kể. Chất  da cam là một bi kịch lớn được tạo nên bởi nhiều bi kịch nhỏ, tất cả đều do con người gây ra.

Theo Thảo Nguyên/Reuters
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm