1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật lo ngại về chiến hạm Trung Quốc trên biển

(Dân trí) - Nhật Bản bày tỏ quan ngại về hoạt động “thường lệ” của các chiến hạm của Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong Sách Trắng phòng vệ 2012 được công bố vào hôm qua 31/7.

 
Nhật lo ngại về chiến hạm Trung Quốc trên biển
Theo Sách Trắng của Nhật, Trung Quốc đã gia tăng chi tiêu quốc phòng gấp 30 lần trong trong 24 năm qua
 

Sách Trắng của Bộ Phòng vệ năm 2012 của Nhật Bản được đệ trình lên chính phủ vào ngày 31/7, tập trung vào hoạt động quân sự của các quốc gia láng giềng của Nhật Bản.

 

Sách Trắng về Phòng vệ năm 2012 của Nhật Bản một lần nữa cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân đội và nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ. Bản Sách Trắng dài 484 trang này đã dành hẳn 20 trang để nói về việc Trung Quốc tăng cường năng lực cũng như các hoạt động quân sự.

Sách Trắng cho biết Trung Quốc có khả năng tăng cường các hoạt động hải quân, đưa ra dẫn chứng về việc nước này triển khai các tàu hải quân ở Thái Bình Dương và việc tăng cường cái mà tài liệu này gọi là các hoạt động giám sát trong vùng biển gần Nhật Bản.

 

Tàu chiến “hoạt động thường kỳ”

Theo Sách Trắng của Nhật thì sự xuất hiện của các tàu chiến Trung Quốc đang trở thành “thường lệ”. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật bình luận đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Tokyo đang lo lắng về một Trung Quốc ngày càng mạnh bạo trong các tranh chấp chủ quyền ở các vùng biển xung quanh.

 

Sách Trắng của Nhật Bản cũng mô tả cách hành xử của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước láng giềng là “mạnh bạo” – từ Nhật đã dùng trong báo cáo năm ngoái và khiến Bắc Kinh không hài lòng.

 

Sách Trắng dự đoán nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng thêm các hoạt động trên biển, bao gồm các hành động quân sự và huấn luyện, theo cơ chế thường kỳ trên các vùng biển Hoa Đông, Biển Đông và Thái Bình Dương.

 

Báo cáo này cũng lưu ý rằng Nhật Bản nên chú ý đến những các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, nơi cả Bắc Kinh và Đài Loan đều khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

 

Sách Trắng được công bố trong bối cảnh các tàu tuần tra của hải quân Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản. Hồi tháng 6 năm ngoái, các chiến hạm của họ đã đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và Miyako ra Thái Bình Dương để tập trận.

 

“Thách thức an ninh”

 

Bên cạnh đó, Tokyo cũng quan ngại về sự không rõ ràng trong việc ai chịu trách nhiệm về các chính sách quân sự của Bắc Kinh. Theo Sách Trắng, điều này cùng với sự gia tăng các hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc đang đặt ra “thách thức an ninh cho khu vực”.

 

Trước đây Nhật Bản đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc không đủ minh bạch về quá trình hoạch định chính sách quân sự. Tuy nhiên, trong Sách Trắng năm nay, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật nêu lên vấn đề mối quan hệ giữa các lãnh đạo dân sự và quân sự của Trung Quốc.

 

Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản cho rằng trong thời gian gần đây, các tướng lãnh quân đội Trung Quốc càng lúc càng lên tiếng nhiều hơn về đường lối ngoại giao. Theo bản báo cáo, “mức độ ảnh hưởng của giới quân sự trên chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang thay đổi”. Trong một cuộc họp báo vào 31/7, giới chức quốc phòng Nhật Bản đã nhắc đến các sự kiện như nhiều sĩ quan quân đội cao cấp của Trung Quốc đã công khai bình luận về các cuộc tập trận quân sự của Mỹ ở các vùng biển trong khu vực...

 

Tuy nhiên, báo cáo của Nhật Bản cũng ghi nhận một biến đổi trong nội tình Trung Quốc hiện nay: Vào lúc các tưóng lãnh quân đội ngày càng lên tiếng manh mẽ hơn, thì số cán bộ quân đội trong các cơ quan mang tính chất quyết định chính sách lại có chiều hướng giảm bớt.

 

Báo cáo cho biết chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp 30 lần trong khoảng thời gian 24 năm.

 

Thêm vào đó, hải quân nước này cũng đang cố gắng nâng cao năng lực hoạt động ngoài khơi để các tàu chiến của họ có thể thực hiện các sứ mạng vươn xa hơn nữa.

 

“Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về tính minh bạch được mong đợi ở một cường quốc có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế,” bản báo cáo viết và nhận định rằng điều này có nghĩa là hải quân Trung Quốc sẽ hoạt động nhiều hơn ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông và sẽ “thường xuyên tiến ra Thái Bình Dương”.

 

Sách Trắng cũng đưa ra cảnh báo về yêu cầu phải tiếp tục chú ý đặc biệt tới Triều Tiên. Tài liệu này cho biết nước này có thể đang phát triển vũ khí hạt nhân bằng uranium làm giàu và có khả năng lớn sẽ tiếp tục các vụ thử tên lửa sau thất bại của vụ phóng vệ tinh gây xôn xao hồi tháng 4.

Trong bối cảnh Mỹ chuyển chiến lược quốc phòng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sách Trắng nói Nhật Bản sẽ tìm kiếm cách thức để tăng cường phát triển hơn nữa liên minh an ninh với Mỹ sao cho phù hợp với môi trường an ninh của khu vực.
 
Ngày 31/7, trả lời phỏng vấn về việc Nhật Bản công bố Sách Trắng quốc phòng 2012, trong đó phê phán chính sách quốc phòng của Trung Quốc, Văn phòng phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc kiên trì con đường phát triển hoà bình, kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng hữu hảo, theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ. Trung Quốc tăng cường quốc phòng và hiện đại hoá quân đội là nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, không tạo nên mối đe doạ với bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc mong muốn phía Nhật Bản có những việc làm giúp thúc đẩy sự tin tưởng về chính trị và an ninh giữa hai bên đồng thời thúc đẩy hoà bình và ổn định khu vực”.

 

Vũ Quý

Theo AFP, Kyodo, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm