Nhật dễ dàng đánh bại máy bay, tàu ngầm Trung Quốc
Ngày 26/08 vừa qua, tạp chí “Asiaweek”của Hồng Kông, kỳ 1 tháng 9 (bản giới thiệu) đã có bài phỏng vấn ông Toshio Tamogami - cựu tư lệnh lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản. Vị thượng tướng nghỉ hưu này cho biết, lực lượng hải, không quân Nhật Bản hơn rất xa so với Trung Quốc.
Đề cập đến vấn đề tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào phục vụ và Trung Quốc còn đang đóng 2 tàu sân bay mới, Tư lệnh không quân Nhật Bản cho biết, nếu như những đồn đoán trên là đúng thì cán cân lực lượng sẽ có sự biến chuyển nhất định. Tuy vậy, Liêu Ninh không thể có khả năng tác chiến, vì nó là sản phẩm từ thời Liên Xô cũ, sự vá víu của Trung Quốc cũng khó mà đảm bảo cho nó hoàn thành tốt công tác huấn luyện chứ đừng nói là có khả năng tác chiến. Hiện nó đột ngột chấm dứt huấn luyện và trở về nhà máy đóng tàu chính là do những vấn đề kỹ thuật cần khắc phục.
Ngoài ra, 2 tàu sân bay mới đóng cũng phải hàng chục năm nữa mới được đưa vào sử dụng. Hơn nữa, sở hữu 3 tàu sân bay thì trong 1 thời điểm cũng chỉ có thể triển khai 1 chiếc, vì nó còn phải định kỳ bảo dưỡng, có đợt kéo dài tới hàng năm. Những hạn chế về khả năng phòng thủ của bản thân tàu sân bay và hệ thống chỉ huy thông tin thống nhất khả năng tấn công - phòng thủ của biên đội tàu sân bay là vấn đề Trung Quốc còn xa mới khắc phục được. Trong 1 thập kỷ nữa, chúng có thể được giải quyết hay không vẫn còn chưa rõ.
Về các loại phương tiện thông thường, hiện lực lượng tự vệ trên không/trên biển/trên đất liền của Nhật có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc. Họ có kinh nghiệm huấn luyện thực chiến vài chục năm nay với Mỹ, trong khi Trung Quốc hiện mới bắt đầu triển khai các hoạt động này, kinh nghiệm mới chỉ là con số 0. Ngay cả cường độ và kỹ năng huấn luyện của binh sĩ Trung Quốc cũng không so được với Nhật.
Nhật luôn tìm phương pháp tối ưu để khắc chế máy bay Trung Quốc
Lực lượng tự vệ Nhật Bản định kỳ tổ chức các cuộc diễn tập hải – không nhất thể theo mô hình hiện đại với quân đội Mỹ đồn trú tại nước mình. Nhật còn có hơn 100 chiếc máy bay tuần tiễu và cảnh báo sớm tầm xa, trở thành những cặp “mắt thần” trong tác chiến trên không, trên biển. Trong chiến tranh hiện đại, Trung Quốc mất hẳn quyền kiểm soát trên không và giám sát trên biển, so với Nhật Bản nên thế chủ động tác chiến luôn ở trong tay Nhật.
Hiện nay, quy mô, tính chất và phương pháp huấn luyện của Trung Quốc vẫn còn theo mô hình mà Nhật đã sử dụng 30 năm trước đây. Các chỉ lệnh “sang trái”, “sang phải”, “nâng độ cao”… vẫn do các chỉ huy từ mặt đất ra lệnh cho phi công thông qua liên lạc vô tuyến điện. Phương pháp huấn luyện kiểu tín hiệu mô phỏng, không thể giúp Trung Quốc giành chiến thắng trước lực lượng Nhật, với phương pháp huấn luyện tự động hóa hiện đại. Một khi bị gây nhiễu, tín hiệu vô tuyến điện sẽ xuất hiện tạp âm, không thể truyền đạt các chỉ lệnh, các máy bay Trung Quốc sẽ tác chiến thế nào?
Do ông Toshio Tamogami nghỉ hưu đã trên 5 năm nên có thể tiết lộ một số nội tình. Lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản thông qua các ảnh vệ tinh, điều động các máy bay trinh sát và máy bay thu thập thông tin tình báo, không ngừng giám sát các động tĩnh của quân đội Trung Quốc. Thông qua giám sát điện thoại và các thiết bị vô tuyến, Nhật biết rõ Trung Quốc thường sử dụng phương pháp huấn luyện “cổ điển” như trên.
P-3C Orion chính là khắc tinh của các loại tàu ngầm Trung Quốc
Trong lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản, có một đơn vị tập hợp các huấn luyện viên bay lão luyện có kỹ năng xuất sắc nhất, họ nỗ lực nghiên cứu các phương pháp tấn công của máy bay nước khác, trong quá trình huấn luyện thường đóng vai máy bay địch, để phi công Nhật huấn luyện phương pháp khắc chế. Thường họ chia 1 bên là các phi công kỳ cựu nhiều kinh nghiệm và 1 bên là các phi công trẻ có tính linh hoạt để chiến đấu đối không. Sau mỗi cuộc đấu, các huấn luyện viên lại đưa ra các hướng dẫn cũ thể cho các phi công trẻ.
Đương nhiên là phương pháp tác chiến và các tính năng của máy bay chiến đấu Trung Quốc là đối tượng được tập trung nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng nhất. Lực lượng tự vệ trên không của Nhật lấy công nghệ hiện đại, phương pháp huấn luyện sát thực với cường độ cao làm ưu thế chế áp hoàn toàn không quân Trung Quốc. Trong thời gian đương nhiệm, ông Toshio Tamogami cũng đã nhiều lần sang Bắc Kinh, nên đã nắm được thông tin về thời gian, cường độ và nội dung huấn luyện phi công Trung Quốc còn kém xa Nhật.
Tương tự, lực lượng tự vệ trên biển và trên lục địa của Nhật cũng thống nhất cao ở điểm này, đặc biệt là khả năng tác chiến chống ngầm của Nhật càng ngày càng cao. Các loại tàu ngầm Trung Quốc có độ ồn rất lớn, thời gian lặn rất ngắn, còn tàu ngầm AIP Nhật Bản có khả năng tác chiến ngầm trong thời gian rất dài và gần như yên lặng tuyệt đối. Kết hợp với các số liệu của máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion, các tàu ngầm có thể theo dõi đối thủ rất lâu mà không bị phát hiện, chờ cớ hội thuận lợi là hạ sát. Có thể nói là tàu ngầm Trung Quốc chưa kịp đến được địa điểm cần đến thì đã bị đánh chìm.