Nhật có thể đưa người lên đảo tranh chấp với Trung Quốc
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản ngày 10/9 cho hay việc cử các quan chức chính phủ đồn trú trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là một cách tăng cường tuyên bố chủ quyền của Tokyo với nhóm đảo này.
Tàu Trung Quốc và Nhật Bản "gườm nhau" gần Senkaku/Điếu Ngư hôm 10/9.
Những bình luận trên của chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga diễn ra trước thềm kỷ niệm một năm ngày Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
"Đồn trú các quan chức chính phủ trên quần đảo có thể là một phương án", ông Suga phát biểu trước báo giới tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Ông Suga cũng tái khẳng định chủ quyền đối với của Nhật Bản đối với Senkaku và rằng chính phủ nước ông không có ý định thừa nhận quan điểm của Trung Quốc rằng có tranh chấp đối với quần đảo.
Phát biểu của chánh văn phòng nội các Nhật Bản đã gây phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh.
"Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư", người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói. "Phía Nhật Bản phải chuẩn bị hứng chịu các hậu quả cho hành động khiêu khích này".
Báo chí Trung Quốc cũng đánh dấu dịp kỷ niệm 1 năm ngày Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư với các bài viết ca ngợi các cuộc tuần tra của Trung Quốc.
"Vào dịp tròn 1 năm kể từ khi Nhật Bản mua lại quần đảo Điếu Ngư, áp dụng chính sách "quốc hữu hóa", các chuyến tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã cho thấy thái độ quyết đoán của chính phủ nhằm bảo vệ các lợi ích biển", tờ Nhân dân Nhật báo của đảng Cộng sản Trung quốc viết.
"Trung Quốc cần nắm lấy cơ hội để cho thế giới thấy các động thái nguy hiểm của phía Nhật Bản", một bài báo của tờ Thời báo Hoàn cầu bình luận.
Ý tưởng đồn trú các quan chức tại Senkaku/Điếu Ngư là một cam kết tranh cử của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng việc ông Suga đề cập tới nó vào thời điểm này có thể làm căng thẳng hơn mối quan hệ ngoại giao, vốn đã lạnh nhạt suốt 12 tháng qua và vừa có dấu hiệu "tan băng" bằng cuộc trò chuyện ngắn giữa lãnh đạo 2 nước ở G20 hồi tuần trước.
Trung Quốc đã điều 216 tàu đến Senkaku/Điếu Ngư
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho hay việc giám sát đã được tăng cường tại khu vực, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.
Trong khi đó, Itsunori Onodera, một quan chức từ lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật, cho biết cơ quan này đã ở trong tình trạng "cảnh giác cao độ" nhân lễ kỷ niệm.
"Chúng tôi đang ngăn cản các tàu của chính phủ Trung Quốc đi vào lãnh hải của chúng tôi và các tàu của chúng tôi chạy rất sát các tàu Trung Quốc", ông Onodera nói.
Hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền Nhật Bản đã mua lại các đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Phía Trung Quốc miêu tả động thái này là "không có hiệu lực".
Động thái trên đã gây tranh cãi ngoại giao giữa 2 cường quốc châu Á, làm bùng phát các cuộc biểu tình tại Trung Quốc - một số biến thành bạo lực, cũng như sự tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Quan hệ ngoại giao cấp cao giữa Tokyo và Bắc Kinh cũng bị tổn hại nghiêm trọng.
Kể từ đó, số lượng các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển mà Nhật Bản xem là lãnh hãi của mình quanh quần đảo đã tăng vọt, khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo.
Chỉ trong ngày 10/9, 8 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng biển Nhật Bản quanh Senkaku/Điếu Ngư, cao nhất kể từ tháng 4, theo lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật.
Tổng cộng 216 tàu Trung Quốc, chia thành 61 đợt tuần tra, đã đi vào lãnh hải Nhật Bản chỉ trong một năm qua. Một quan chức Nhật miêu tả điều này là "bất thường".
An Bình
Theo AP, BBC