1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhật bổ nhiệm “Tư lệnh lực lượng phòng vệ”, chuyên trị Trung Quốc ở Senkaku

Kyodo News ngày 21/06 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét bổ nhiệm chức vụ “Tư lệnh lực lượng phòng vệ”, để thống nhất chỉ huy hành động nhằm đối phó với sự gây hấn đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, chức vụ “Tư lệnh lực lượng phòng vệ” có chức năng thống nhất chỉ huy và điều động cả 3 lực lượng hải, lục và không quân Nhật Bản. Chức vụ này chỉ đứng sau “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát” (tương đương Tổng tham mưu trưởng), là quan chức cấp cao nhất có nhiệm vụ trợ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các hoạt động quân sự.

Theo tin cho biết, đối phó với các hoạt động đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Senkaku và mối đe dọa từ các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, khối lượng công việc của “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát” đang ngày một tăng lên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản hy vọng, chức vụ mới bổ nhiệm sẽ san sẻ bớt gánh nặng cho “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát”, đồng thời xây dựng một hệ thống chỉ huy thống nhất các lực lượng tự vệ.

Hiện nay, vẫn còn 1 số phương án đang được đặt ra, ví dụ như bổ nhiệm chức vụ “Tư lệnh trung ương” và xây dựng một khung chức danh gồm nhiều Phó phụ tá, trong đó có 1 vị kiêm nhiệm chức danh “Tư lệnh lực lượng phòng vệ”. Bộ tư lệnh lực lượng phòng vệ sẽ được xây dựng trên cơ sở mở rộng “Phòng chỉ huy và điều hành tác chiến” thuộc Cục phụ tá giám sát.

Nguồn tin còn nêu rõ, căn cứ vào thể chế hiện hành của lực lượng phòng vệ, “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát” có 2 chức năng chính là trợ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các hoạt động quân sự và chỉ huy, điều hành hoạt động của 3 quân chủng hải, lục và không quân.

Các lực lượng hải, lục và không quân Nhật sẽ do Tư lệnh lực lượng phòng vệ chỉ huy và điều động

Các lực lượng hải, lục và không quân Nhật sẽ do "Tư lệnh lực lượng phòng vệ" chỉ huy và điều động

Khi cần chỉ huy và điều hành lực lượng của 3 quân chủng này, các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đều tiến hành thông qua “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát”.

3 quan chức chủ chốt trong Cục này là “Phụ tá giám sát trưởng lục quân”, “Phụ tá giám sát trưởng không quân” và “Phụ tá giám sát trưởng hải quân” là người lãnh đạo cao nhất, đảm trách công tác giáo dục, huấn luyện và nâng cao khả năng tác chiến của quân chủng mình.

Chức vụ “Tư lệnh lực lượng phòng vệ” mới được bổ nhiệm sẽ tiếp nhận chức năng chỉ huy và điều động toàn bộ lực lượng phòng vệ được chuyển giao từ “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát”.

Kyodo News cho rằng, chức vụ mới được lập ra chủ yếu để thống nhất chỉ huy và điều động binh lực trong tình huống khẩn cấp ở Senkaku, nó sẽ giúp Nhật Bản có khả năng phản ứng mau lẹ, chỉ huy thống nhất và hiệp đồng chặt chẽ cả 3 lực lượng hải, lục, không quân trong tình huống nguy cấp để bảo vệ lãnh thổ trên biển.

Tuy nhiên, chức danh mới này được xây dựng theo kiểu của Mỹ nhưng chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ không có thực quyền, không có quyền ra mệnh lệnh trực tiếp mà chỉ đóng vai trò tham mưu tác chiến cho tư lệnh 3 quân chủng hải, lục và không quân. Vì vậy, nếu không phân công, phân nhiệm chặt chẽ, rất có thể “Cục trưởng Cục phụ tá giám sát” và “Tư lệnh lực lượng phòng vệ” sẽ giẫm chân lên nhau về chức trách, nhiệm vụ hoặc 1 trong 2 chức vụ này sẽ biến thành “hữu danh vô thực”.

Theo Đức Thắng
An ninh thủ đô