1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật Bản và cơ hội chiến thắng ngoạn mục của LDP

(Dân trí) - Sáng nay, cử tri Nhật Bản đã bỏ phiếu để chọn ra một nửa trong số 242 ghế tại Thượng viện. Tuy cuộc bầu cử này có quy mô khiêm tốn hơn so với bầu cử Hạ viện năm ngoái, song có vai trò quyết định trong việc định hình Nhật Bản trong tương lai.

Từ sáng sớm, các cử tri Nhật Bản đã bắt đầu bỏ phiếu tại
Từ sáng sớm, các cử tri Nhật Bản đã bắt đầu bỏ phiếu tại 48.000 đơn vị bầu cử để chọn ra 121 gương mặt trong số 433 ứng cử viên.
 
Theo thông lệ, một nửa trong số 242 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại 3 năm một lần. Trong số 121 ghế được bầu lại lần này sẽ có 73 ghế thuộc về các ứng cử viên tại 47 tỉnh, còn lại được chọn ra từ hệ thống bầu cử theo tỷ lệ ủng hộ chính đảng trên phạm vi cả nước.

Như vậy, các cử tri Nhật Bản sẽ cùng lúc bỏ phiếu cho hai hệ thống bầu cử và kết quả cuối cùng sẽ được công bố ngay vào chiều tối nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong cuộc bầu cử Thượng viện lần thứ 21 này, nhiều khả năng đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Công minh mới -đối tác trong liên minh cầm quyền- gần như nắm chắc phần thắng. Có 6 lý do cơ bản giúp khẳng định thế thắng gần như khó đảo ngược của liên minh cầm quyền.

Thứ nhất, do đa phần người dân Nhật Bản đang kỳ vọng vào việc chính phủ hiện nay có thể hồi sinh nền kinh tế ốm yếu dựa trên các chính sách mang tên Abenomics.

Đây là học thuyết của Thủ tướng Abe, được xây dựng theo chiến lược “ba mũi tên” gồm: nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ; tăng chi tiêu ngân sách quy mô lớn và thúc đẩy tăng trưởng nhằm giải quyết triệt để tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ. Trong bối cảnh mũi tên thứ ba vẫn còn chứa đựng ẩn số, thì hai mũi tên đầu tiên đã phát huy tác dụng. Sự hồi sinh của thị trường chứng khoán sau gần nửa t hập kỷ và đồng yên giảm giá ấn tượng đã củng cố niềm tin của dư luận vào chính sách Abenomics, đồng thời đánh một dấu cộng vào bộ hồ sơ đẹp của LDP và cá nhân Thủ tướng Abe trước thềm bầu cử.

Thứ hai, chiến thắng vang dội mới đây của liên minh cầm quyền tại cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo không chỉ phản ánh những đánh giá tích cực của dư luận đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Abe, mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp liên minh cầm quyền củng cố uy tín và giành lợi thế trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện.

Thứ ba là hiện nay, phe đối lập ở Nhật Bản, trong đó có đảng đối lập chính Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đang ở thế suy yếu chưa từng có. Sau cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12 năm ngoái, DPJ không chỉ để mất quyền kiểm soát cơ quan lập pháp quan trọng này vào tay LDP, mà còn đánh mất thêm sự ủng hộ của người dân khi không đưa ra được các chính sách đột phá nào trong bối cảnh cái bóng của Abenomics đang bao trùm phần lớn dư luận Nhật Bản.

Thứ tư, người dân Nhật Bản đã tỏ ra mệt mỏi trước tình trạng chia rẽ tại Quốc hội giữa một bên là Hạ viện do liên minh cầm quyền kiểm soát và Thượng viện do phe đối lập chiếm đa số. Trên thực tế, sự phân tán quyền lực này đã khiến chính trường Nhật Bản rơi vào bất ổn và cản trở các chính sách quan trọng của chính phủ.

Thứ năm, dư luận Nhật Bản đang dành sự quan tâm rất lớn đối với chính sách đối ngoại và an ninh của chính quyền Abe trong bối cảnh tình hình khu vực xuất hiện nhiều diễn biến khó lường sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tranh cãi Nhật-Trung-Đài, Nhật-Hàn và Nhật-Nga về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở các vùng biển tranh chấp quanh Nhật Bản.

Để đối phó với môi trường an ninh khắc nghiệt này, cách tốt nhất là Nhật Bản phải tăng cường năng lực phòng thủ và bước đầu xây dựng khả năng tấn công. Vì thế, chính quyền Abe coi việc sửa đổi Hiến pháp hoà bình là mắt xích quan trọng cho chính sách an ninh trong thời gian tới. Việc sửa đổi Hiến pháp được xây dựng từ năm 1947 này sẽ cho phép chính phủ Nhật Bản vừa có thể tham gia phòng vệ tập thể, vừa ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng từ bên ngoài, nhất là từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong Sách Trắng Quốc phòng đầu đầu tiên được ban hành dưới thời nội các Abe, chính phủ Nhật Bản cũng đã thể hiện rất rõ quan điểm này, với mong muốn từng bước tạo dựng cân bằng sức mạnh trong khu vực và củng cố lòng tin của người dân trước những nguy cơ ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng từ Trung Quốc, Triều Tiên.

Sau cùng, tuy một bộ phận không nhỏ người dân Nhật Bản tỏ ra không mấy mặn mà với việc tái khởi động các lò phản ứng bị ngừng hoạt động sau sự cố ở Nhà máy Fukushima số 1 cách đây hơn 2 năm, nhưng đa số dư luận đều chấp nhận một thực tế rằng việc tái khởi động là giải pháp khả thi và duy nhất cho vấn đề năng lượng của Nhật Bản vào thời điểm hiện nay.

Với những phân tích trên, có thể thấy mọi điều kiện và hoàn cảnh dường như đang rất thuận lợi cho chính phủ của Thủ tướng Abe. Vì thế, khả năng giành chiến thắng của liên minh cầm quyền là rất cao.

Chiến thắng đó không chỉ giúp đặt dấu chấm hết cho tình trạng chia rẽ tại Quốc hội, mà còn tạo nền tảng vững chắc để Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền có thể mạnh tay thúc đẩy những kế hoạch phát triển tham vọng,  cho dù những thách thức hậu bầu cử không hề nhỏ.

Mai Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm