1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản sắp phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên thế giới

Quốc Đạt

(Dân trí) - Các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo ra một trong những vệ tinh kỳ lạ nhất thế giới với chất liệu làm bằng gỗ nhằm làm giảm rác thải vũ trụ.

Nhật Bản sắp phóng vệ tinh bằng gỗ đầu tiên thế giới - 1

Vệ tinh LignoSat bằng gỗ sẽ cháy thành tro khi quay trở lại bầu khí quyển (Ảnh: Đại học Kyoto).

Vệ tinh thăm dò LignoSat được chế tạo bằng gỗ mộc lan, loại gỗ đặc biệt ổn định và có khả năng chống rạn nứt trong các thí nghiệm được thực hiện trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tàu thăm dò này đang được chuẩn bị đưa lên tên lửa của Mỹ vào mùa hè tới.

Vệ tinh gỗ do các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto và công ty khai thác gỗ Sumitomo Forestry chế tạo nhằm thử nghiệm ý tưởng sử dụng vật liệu phân hủy sinh học như gỗ thay thế cho kim loại.

"Tất cả các vệ tinh khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất đều bốc cháy, tạo ra các hạt ôxit nhôm tí hon. Chúng sẽ trôi nổi trong tầng cao khí quyển trên trong nhiều năm, sau đó sẽ ảnh hưởng đến môi trường Trái đất", Takao Doi, một phi hành gia và kỹ sư hàng không vũ trụ người Nhật tại Đại học Kyoto, nói.

Để giải quyết vấn đề ấy, các nhà nghiên cứu ở Kyoto đã khởi động dự án đánh giá độ bền của các loại gỗ trong điều kiện khắc nghiệt của không gian và của các chuyến bay dài trên quỹ đạo quanh Trái đất. Vệ tinh bằng gỗ sẽ cháy hết khi quay lại khí quyển và chỉ để lại tro bụi có thể phân hủy sinh học.

Những lần thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các mẫu gỗ được gửi đến ISS trong gần một năm rồi được đưa về Trái đất. Sau giai đoạn này, các mẫu gỗ có rất ít dấu hiệu hư hỏng, có thể là do không có oxy trong không gian nên gỗ không bốc cháy, và không có sinh vật sống nên gỗ không mục nát.

Sau khi thử nghiệm các loại gỗ khác nhau như gỗ anh đào Nhật Bản, người ta thấy rằng gỗ cây mộc lan là loại chắc chắn nhất. Loại gỗ này sau đó được dùng chế tạo vệ tinh kiểu mới của Đại học Kyoto, theo Koji Murata, người đứng đầu dự án.

Tiếp theo, Đại học Kyoto sẽ thực hiện thí nghiệm nhằm xác định xem còn tàu thăm dò bằng gỗ có kích thước ngang một chiếc cốc sẽ hoạt động ra sao trên quỹ đạo.

"Một trong những sứ mệnh của vệ tinh này là đo độ biến dạng của kết cấu gỗ trong không gian", ông Murata nói với Observer.

Ông Murata nói thêm rằng, vệ tinh gỗ có thể được phóng trên chuyến bay vào mùa hè này trên tàu Orbital Sciences Cygnus tới ISS, hoặc sứ mệnh SpaceX Dragon tương tự vào cuối năm nay.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng vệ tinh bằng gỗ sẽ hoạt động trong không gian ít nhất 6 tháng trước khi được phép đi vào tầng khí quyển cao.

Theo Guardian