Nhật Bản sắp ồ ạt xuất khẩu quốc phòng?
(Dân trí) - Sau khi nới lỏng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, Nhật Bản đang chuẩn bị cho một làn sóng các hợp đồng mới, trong bối cảnh nước này cố gắng thắt chặt các quan hệ an ninh để đối phó với Trung Quốc và các căng thẳng leo thang trong khu vực.
Chính phủ Nhật Bản hôm 1/4 đã từ bỏ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự hay còn gọi là “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, vốn có hiệu lực từ năm 1967.
Việc thay đổi chính sách xuất khẩu quốc phòng đã nhen nhóm trong nhiều năm khi Nhật Bản dần xa rời tư tưởng phòng thủ đơn thuần hậu Thế chiến II. Nhưng trong những năm gần đây, thế cân bằng an ninh đã thay đổi, khi các nước đóng vai trò quan trọng Mỹ phải đối mặt với ngân sách "giậm chân tại chỗ" hoặc sụt giảm và chi phí của các chương trình vũ khí tiên tiến đòi hỏi sự chia sẻ của các quốc gia.
Ông Jun Kazeki, giám đốc Bộ phận chính sách kiểm soát xuất khẩu an ninh thuộc Bộ thương mại Nhật, cho hay sự cần thiết của việc tham gia vào các chương trình quốc tế đã hối thúc Tokyo cải cách luật xuất khẩu quốc phòng.
“Chúng tôi đã quyết hợp tác với chương trình máy bay chiến đấu F-35 nhưng chúng tôi cần các biệp pháp nới lỏng hơn nữa vì vấn đề chuyển giao cho bên thứ 3”, ông Kazeki nói thêm.
Do các bộ phận của F-35 được chế tạo khắp thế giới, các quốc gia tham gia phải vận chuyển các bộ phận khắp toàn cầu để phục vụ dây chuyền lắp ráp. Điều đó trở nên rất khó khăn với Nhật, do chính sách cũ tạo ra một quy định gần như không thể thực hiện đối với việc xuất khẩu, là quốc gia nhận các bộ phận của F-35 không vướng vào hoặc không có nguy cơ vướng vào xung đột.
Do sự không rõ ràng của các thỏa thuận an ninh ở thời hiện đại, việc đảm bảo một quốc gia có thể tránh xung đột dường như là không thể.
Vì vậy, các biện pháp nới lỏng đặc biệt đã được đưa ra cho chương trình F-35, và do đó toàn bộ hệ thống đã được thay đổi nhằm loại bỏ quy định trên.
Với việc các quy định mới được ban hành, các công ty Nhật sẽ tìm kiếm các cơ hội tại những thị trường mới. Nhưng ông Kazaki cho biết chính phủ Nhật không dự đoán được xuất phẩu quốc phòng sẽ phát triển ra sao.
“Không có số liệu hay ước tính nào cả, không có gì. Ngay từ đầu, chúng tôi chỉ xem xét chính sách này như một chính sách an ninh, chứ không phải chính sách kinh tế”, ông Kazaki nói.
Lĩnh vực quốc phòng của Nhật tạo ra chưa đầy 1% GDP.
Các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về khả năng phát triển nhanh chóng của lĩnh vực quốc phòng, do chi phí nhân công cao tại Nhật và một sự thực tế rằng phần lớn công nghệ quốc phòng của Nhật do Mỹ cấp phép.
Nhân tố Trung Quốc
Tuy nhiên, có một nhân tố khác: sự cần thiết nhằm cải thiện các mối quan hệ khắp thế giới để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Một báo cáo được hãng Deloitte công bố hồi đầu tháng này về khuynh hướng chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã cho thấy không chỉ sự gia tăng chi tiêu quốc phòng tại Trung Quốc và Nga, mà trong trường hợp của Trung Quốc, khả năng chi tiêu thậm chí còn tăng mạnh trong tương lai gần.
“Việc Trung Quốc chi chưa tới 3% GDP cho quốc phòng khiến quốc gia này trở thành một nước tiết kiệm”, Jack Midgley, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.
“Nhưng sự phát triển nhanh chóng về quy mô kinh tế khiến nước này có khả năng tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Đây là sự gia tăng trên quy mô lớn”, ông Midgley nói thêm.
Ông Midgley cho rằng nếu Nhật Bản vẫn muốn vượt trội về công nghệ bằng cách duy trì ngành công nghiệp nội địa thông qua các đơn đặt hàng dồi dào và tham gia vào các chương trình quốc tế, Tokyo không có cách nào khác là phải thay đổi chính sách.
Về mặt chính trị, việc thay đổi chính sách xuất khẩu quốc phòng cho phép Nhật Bản cải thiện quan hệ với các nước mà không cần sự tham gia trực tiếp của các binh sĩ.
"Tôi nghĩ Nhật Bản xem xuất khẩu quốc phòng là một cách thức nhằm tăng cường sự ảnh hưởng mà không phải đặt họ vào thế tìm kiếm vị thế quân sự", ông Midgley nói.
"Nhật Bản đang nhìn thấy một thế giới rất khác so với thế giới 30 năm trước. Phần lớn sự phát triển kinh tế trong khu vực diễn ra tại Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản. Phần lớn sự gia tăng chi tiêu quốc phòng cũng tại Trung Quốc, không phải Nhật Bản", ông Midgley nói thêm.
Báo cáo của Deloitte cũng đã chỉ ra sự phát triển liên tục từ các quốc gia như Trung Quốc và Nga, khi hai nước này đang cố gắng bắt kịp Mỹ trên một loạt các mặt trận công nghệ. Cùng lúc đó, Mỹ và nhiều đồng minh lớn trong khu vực, vốn đã cung cấp một lá chắn cho Nhật Bản, lại phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, mở cửa xuất khẩu lại đặt ra một khả năng là các sản phẩm có thể rơi vào tay của Trung Quốc. Điều đó đã dẫn tới các cuộc đàm phán riêng rẽ giữa Nhật và Pháp, vì Pháp vốn được biết tới là có quan hệ làm ăn với Trung Quốc, ông Kazeki cho hay.
"Ưu tiên chính thức của chúng tôi là ngăn họ xuất khẩu sang Trung Quốc. Pháp đã chính thức có chính sách duy trì cấm vận với Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn năm 1989. Trên thực tế, Pháp đã xuất khẩu một số thứ đáng lo ngại sang Trung Quốc", ông Kazeki nói.
An Bình
Theo Defence