1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản quyết cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở châu Phi

(Dân trí) - Nhật Bản đang kỳ vọng có thể cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi bằng các biện pháp hỗ trợ thương mại và viện trợ. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang có chuyến công du khu vực và sẽ tham dự hội nghị phát triển kéo dài 2 ngày tại Kenya.


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (Ảnh: JapanTimes)

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (Ảnh: JapanTimes)

Đây là lần đầu tiên hội nghị có tên Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) được tổ chức tại châu Phi, trong khi 5 lần trước đều diễn ra tại Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe được cho là sẽ tận dụng cơ hội này để gặp gỡi lãnh đạo các nước châu Phi, trong đó nổi bật nhất là các cuộc hội đàm với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Giới chức Nhật Bản cho biết, tại hội nghị trên, Thủ tướng Abe sẽ giới thiệu các dự án viện trợ và phát triển, trong đó có dự án về chăm sóc sức khoẻ, tới những quốc gia châu Phi.

Phát biểu trước khi diễn ra TICAD, Tổng thống Kenyatta cho biết trọng tâm của chương trình nghị sự sẽ về các lĩnh vực như công nghiệp hoá, y tế và ổn định. Tổng thống Kenya nói: "Chúng tôi biết rằng hầu hết các quốc gia thoát được cảnh nghèo đói là nhờ công nghiệp hoá. Châu Phi vẫn chưa phát triển hết tiềm năng mà chúng tôi có".

Trong khi đó, Thủ tướng Abe đa cam kết rằng "phát triển tài nguyên con người và công nghệ chất lượng cao" của Nhật Bản sẽ hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong quá trình công nghiệp hoá, gồm cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng Abe nhấn mạnh: "Điểm mấu chốt cho tăng trưởng kinh tế chính là công nghiệp hoá".

Cạnh tranh với Trung Quốc

Nhật Bản đã duy trì được sự hiện diện ổn định tại châu Phi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ tài chính của Tokyo cho các quốc gia ở châu lục này từ lâu đã bị Trung Quốc lấn át. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là mọt quốc gia rất "khát" các loại tài nguyên để phục vụ phát triển, có tổng mức giao dịch thương mại với châu Phi đạt 179 tỷ USD trong năm 2015, bỏ xa mức 24 tỷ USD của Nhật Bản.

Ông Koichi Sakamoto, Giáo sư nghiên cứu phát triển khu vực tai Đại học Tokyo, nhận xét: "Nhật Bản đã cảm thấy sức ép từ Trung Quốc, nước đang cung cấp hỗ trợ quy mô lớn tại châu Phi. Tuy nhiên, kể từ khi nhận thấy không thể đọ được với Trung Quốc về tiền, Nhật Bản đã chuyển hướng tập trung vào chất lượng của các dự án".

Hội nghị cuối tuần này sẽ là hội nghị TICAD lần thứ 6. Hội nghị này lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 1993. Với việc lần đầu tiên diễn ra ở châu Phi, có thể thấy rõ sự dịch chuyển trong chiến lược của Tokyo.

Hội nghị TICAD không chỉ có sự tham dự của các nhà ngoại giao và chính trị gia mà còn có cả lãnh đạo các doanh nghiệp và những người tham dự khác từ Nhật Bản và các nước châu Phi. Do vậy, Thủ tướng Abe rất hy vọng hội nghị sẽ là bước đệm để thúc đẩy thương mại hai chiều.

Tại TICAD-5, Nhật Bản đã cam kết dành 3.200 tỷ yen (28 tỷ euro) trong 5 năm cho các nước châu Phi, trong đó có 1.400 tỷ yen viện trợ trực tiếp. Đến cuối năm 2015, Chính phủ Nhật Bản cho biết đã đạt được 67% kế hoạch đề ra.

Hiện số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Phi đã tăng gấp đôi từ 333 doanh nghiệp vào năm 1993 lên 687 doanh nghiệp. Tuy nhiên, kim ngạch trao đổi thương mại song phương vẫn còn quá khiêm tốn. Năm 2015, giá trị nhập khẩu của Nhật Bản từ châu Phi đạt 11,55 tỷ USD và xuất khẩu sang khu vực này đạt 8,57 tỷ USD. Các đối tác chính của Nhật Bản ở châu Phi là Nam Phi, Nigeria, Ai Cập, Algeria, Kenya, Liberia, Morocco và Tanzania.

Ngọc Anh

Tổng hợp