1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản đau đầu giải quyết bài toán người lao động "tham việc"

(Dân trí) - Bất chấp những nỗ lực của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc chấm dứt tình trạng làm thêm giờ, bao gồm cả sáng kiến tặng thêm tiền nếu tan làm sớm, nhiều người Nhật Bản vẫn quyết định ngồi làm việc tại văn phòng cho tới tối muộn.

(Ảnh minh họa: Japan Times)
(Ảnh minh họa: Japan Times)

Sáng kiến "Ngày thứ Sáu vui vẻ"

Vào tháng 2/2017, Sunny Side Up, công ty về quan hệ công chúng có trụ sở tại Tokyo, thông báo rằng các nhân viên trong công ty có thể tan làm sớm vào ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng. Tuy nhiên, kế hoạch này rốt cuộc vẫn tỏ ra không hiệu quả vì không ai muốn rời văn phòng sớm. Thay vào đó, tất cả mọi người vẫn ngồi tại bàn làm việc của họ, bất chấp nỗ lực khuyến khích nghỉ sớm của công ty.

“Đó không phải là phong cách của người Nhật. Trong văn hóa làm việc của người Nhật, chúng tôi đều làm việc rất chăm chỉ, trong nhiều giờ đồng hồ và không có ai về sớm cả”, Ryuta Hattori, trưởng bộ phận truyền thông toàn cầu của Sunny Side Up, cho biết.

Ý tưởng cho nhân viên nghỉ làm sớm của công ty Sunny Side Up là sáng kiến do chính phủ Nhật Bản đề xuất từ ngày 24/2 với tên gọi "Premium Friday" (Ngày thứ Sáu vui vẻ). Với sáng kiến này, nhân viên của các cơ quan được khuyến khích rời văn phòng từ 3 giờ chiều ngày thứ 6 cuối cùng của tháng nhằm giải quyết “văn hóa” làm việc quá giờ của người Nhật Bản và giảm áp lực công việc cho người dân. Tuy nhiên, việc đưa sáng kiến này vào thực tiễn không hề đơn giản.

Để có thể thúc đẩy nhân viên sớm rời khỏi bàn làm việc và về nhà, công ty Sunny Side Up đã nghĩ ra nhiều ý tưởng, bao gồm cả việc thưởng tiền để làm động lực cho họ. “Chúng tôi đã nghĩ cách thưởng thêm tiền cho họ”, ông Hattori cho biết.

Theo đó, nếu một nhân viên đồng ý rời khỏi văn phòng vào lúc 3 giờ chiều trong ngày Premium Friday, họ có thể nhận được phong bì với 3.200 yen (khoảng 28 USD) bên trong.

Chiến dịch Premium Friday vẫn chưa thực sự hiệu quả tại Nhật Bản (Ảnh: Getty)
Chiến dịch Premium Friday vẫn chưa thực sự hiệu quả tại Nhật Bản (Ảnh: Getty)

Thiếu nhân lực

Tuy nhiên, theo BBC, ngay cả khi chiến dịch Premium Friday được triển khai, nhiều nhân viên tại các công ty khác vẫn không từ bỏ thói quen làm ngoài giờ và họ có nhiều lý do để quyết định không về sớm. Trong trường hợp của Gian Nomachi, lý do là vì sếp của cô cũng không về sớm.

Nomachi cho biết cô cũng muốn tham gia Premium Friday nhưng vẫn chần chừ vì sếp của cô không có ý định về sớm. Trong trường hợp sếp chưa về, không có nhân viên cấp dưới nào muốn trở thành người đầu tiên rời khỏi công ty.

Theo Giáo sư Parissa Haghirian thuộc Đại học Sophia tại Tokyo, đây là bộ mặt điển hình của Nhật Bản - nơi người dân đã quá quen với việc làm đi làm ngoài giờ trong nhiều ngày, dù cho có được trả thêm tiền hay không.

Giáo sư Haghirian cho rằng một trong những lý do khiến mọi người có xu hướng làm thêm giờ là vì tình trạng thiếu nhân lực ở các cơ quan. “Trong một công ty ít nhân viên, bạn không thể nói ai đó nên về sớm vì nếu làm vậy, công ty sẽ không đủ người để hoàn thành công việc”.

Tháng trước, ngày thứ 6 cuối cùng của tháng rơi vào đúng mùa hoa anh đào nở. Tuy nhiên, đây cũng lại là ngày cuối cùng trong năm tài khóa của Nhật Bản. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân viên của nhiều công ty sẽ ngại rời khỏi cơ quan sớm khi công việc vẫn đang chồng chất.

Một lý do khác khiến nhiều người không muốn rời văn phòng sớm là vì đồng nghiệp của họ vẫn đang làm việc. Áp lực xuất phát từ việc đồng nghiệp vẫn ngồi trong văn phòng khiến họ cảm thấy khó khăn nếu về nhà sớm và điều này cũng khó có thể thay đổi ngay cả khi đó là Premium Friday đi chăng nữa.

Nhiều người Nhật Bản quen với việc rời văn phòng khi trời tối (Ảnh: Getty)
Nhiều người Nhật Bản quen với việc rời văn phòng khi trời tối (Ảnh: Getty)

Cuộc khủng hoảng chưa kết thúc

Theo BBC, văn hóa làm việc quá giờ tại Nhật Bản đã đạt đến cấp độ khủng hoảng và buộc chính phủ phải vào cuộc. Một loạt cái chết liên quan tới làm việc quá sức đã xảy ra tại nước này, từ đó làm dấy lên nhiều lo ngại về nỗi ám ảnh mang tên công việc trong xã hội Nhật Bản. Trong tiếng Nhật Bản, những cái chết này được gọi là karoshi.

Một trong những vụ tự tử gây chấn động tại Nhật Bản là trường hợp của Matsuri Takahashi, một nhân viên quảng cáo 24 tuổi. Cô gái trẻ này đã tìm đến cái chết vào đêm Giáng sinh năm 2015 sau khi làm việc việc ngoài giờ hơn 100 tiếng đồng hồ trong một tháng. Trước khi chết, Takahashi đã để lại một tin nhắn tuyệt mệnh cho người mẹ của mình, trong đó cô viết: “Tại sao mọi việc lại trở nên khó khăn vậy mẹ?”

Takahashi là một trong số 2.159 người thiệt mạng trong năm 2015 tại Nhật Bản do liên quan đến làm việc quá sức, trong đó có những người tự tìm đến cái chết. Tháng 10/2015, chính phủ Nhật Bản đã công bố báo cáo cho thấy 1/4 số công ty tại nước này có nhân viên làm việc ngoài giờ lên tới 80 tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn trong mỗi tháng. Và họ cũng là những người nằm trong nhóm có nguy cơ đối mặt với thảm kịch karoshi.

Đứng trước vấn nạn này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải nghĩ ra nhiều cách để làm giảm bớt áp lực công việc cho người dân, bao gồm việc khuyến khích người lao động tham gia Premium Friday. Theo đó, đích thân Thủ tướng Abe cũng đã rời văn phòng vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ 6 cuối cùng của tháng để ủng hộ sáng kiến này.

Thành Đạt

Theo BBC