Nhật Bản cảnh báo nguy cơ từ chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo, các hoạt động ở vùng xám của Trung Quốc có nguy cơ biến thành xung đột quân sự lớn hơn, và kêu gọi các nước lên tiếng phản đối sự bành trướng của Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn Guardian hôm 20/9, Bộ trưởng Kishi Nobuo đã kêu gọi các nước châu Âu lên tiếng đối phó với cách hành xử của Trung Quốc, cảnh báo cộng đồng quốc tế cần tăng cường răn đe chống lại các động thái của Bắc Kinh ở khu vực.
Ông Kishi cáo buộc Trung Quốc đang "đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông", các tuyến đường quan trọng với vận tải và thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Nhật Bản cho biết, Tokyo có "những quan ngại mạnh mẽ về sự an toàn và an ninh của không chỉ đất nước của chúng tôi và khu vực mà còn đối với cộng đồng toàn cầu".
Ông Kishi cũng cảnh báo chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc "có những rủi ro nhất định, có thể dẫn tới một cuộc xung đột quy mô lớn hơn. Cần có một lập trường bình tĩnh nhưng vững vàng để ngăn chặn tình huống như vậy".
Chiến thuật "vùng xám" được áp dụng khi một quốc gia muốn đạt được lợi ích về mặt lãnh thổ nhưng muốn tránh dùng vũ lực trực tiếp và quy mô lớn. Chiến thuật này thường duy trì các hành động nhỏ liên tục tránh để xung đột leo thang thành chiến tranh căng thẳng, tuy nhiên lại được thực hiện dần dần để tạo ra sự chuyển hóa có lợi cho quốc gia đó.
Bình luận của ông Kishi được xem là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy, cộng đồng quốc tế đang gia tăng quan ngại về tham vọng quân sự của Trung Quốc ở các khu vực điểm nóng như Biển Đông và biển Hoa Đông, theo Guardian.
Giới quan sát cũng cảnh báo, với việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự, các hành động đối đầu quy mô nhỏ hoặc tai nạn hàng hải có nguy cơ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.
Ông Kishi cho rằng, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia, nhưng cần thêm nhiều nước để đối phó với Bắc Kinh. Ông cho biết nghị viện châu Âu, cũng như Anh, Pháp, Đức và Hà Lan, đã thể hiện sự quan tâm đến việc hỗ trợ "một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở", nhưng "điều quan trọng là nhiều quốc gia phải lên tiếng về tình hình này, và điều này sẽ trở thành hành động răn đe".