1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật 2 năm sau thảm họa sóng thần: Khó khăn vẫn bộn bề

(Dân trí) - Tròn 2 năm sau thảm họa động đất/sóng thần khiến gần 19.000 người chết và gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, công cuộc tái thiết diễn ra vẫn chậm chạp, với hàng trăm ngàn người không có nhà ổn định, chen chúc trong các nhà tạm.

 
Hơn 2.000 vẫn mất tích 2 năm sau thảm họa động đất/sóng thần.
Hơn 2.000 người vẫn mất tích 2 năm sau thảm họa động đất/sóng thần.

 

Chính phủ Nhật dự kiến tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia tại Tokyo, với sự tham dự của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, để tưởng nhớ 15.881 người đã thiệt mạng và 2.668 người khác vẫn mất tích.

 

Cả nước sẽ dành phút mặc niệm vào 2h46’ chiều nay, đúng thời điểm trận động đất 9,0 richter rung chuyển vùng biển ngoài khơi bờ biển đông bắc Thái Bình Dương vào ngày 11/3/2011.

 

Trận động đất đã gây ra thảm họa sóng thần, “nuốt chửng” các cộng đồng ven biển và tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

 

Nỗ lực tái thiết vùng bị thảm họa diễn ra khá chậm chạp. Các con số cho thấy 315.196 người hiện vẫn không có nhà ở ổn định và nhiều người vẫn chen chúc trong những khu nhà tạm.

 

“Nếu mùa xuân không tới vùng Tohoku, thì mùa xuân thực sự sẽ không đến với Nhật. Chúng ta quyết tâm đẩy nhanh hoạt động tái thiết”, Thủ tướng Nhật Abe cho biết trong video được đăng tải trên YouTube vào ngày hôm nay. Tohoku là vùng ở miền bắc, bị tàn phá nặng nề nhất trong thảm họa hai năm trước.

 

Các cộng đồng bị sóng thần tàn phá đang bị chia rẽ giữa một bên là những người muốn xây dựng lại trên chính mảnh đất cũ, đã từng là nhà của họ suốt nhiều thế hệ, và những người muốn chuyển lên khu đất cao, an toàn hơn.

 

Các con số của chính phủ cũng cho thấy, khó khăn liên quan đến điều kiện sống đã giết chết 2.303 người sống sót sau thảm họa, trong khi áp lực và bạo lực gia đình đang ngày càng trở thành vấn đề lớn ở một số cộng đồng.

 

Các nhà hoạt động chống hạt nhân Greenpeace cho biết chính phủ Nhật đã không hỗ trợ đủ cho những người đã rời bỏ khu vực bị phóng xạ. Số người bị phá sản, phải ly hôn và gặp vấn đề về tâm thần đang tăng. “Họ cần đền bù và hỗ trợ thỏa đáng để xây dựng lại cuộc sống”, một tuyên bố của Greenpeace cho biết. Tổ chức này cũng kêu gọi Nhật hủy bỏ ngành điện hạt nhân.

 

Gần 10.000 dư chấn đã được ghi nhận kể từ trận động đất ban đầu 9,0 richter, trong đó có 736 rung chấn trên 5,0 richter. Một số xảy ra ở nhà máy Fukushima, nơi vẫn chưa có sửa chữa lâu dài cho các lò phản ứng bị hư hại.

 

Nhiều người trẻ đang rời bỏ khu vực, đặc biệt là vùng bị nhiễm xạ Fukushima, do kinh tế suy giảm, để bắt đầu cuộc sống mới.

 

Chính phủ Nhật cho biết nhà máy Fukushima ổn định và không còn bị rò rỉ phóng xạ. Họ cũng cho biết thực phẩm ở vùng được kiểm tra nhiễm phóng xạ trước khi được đưa ra thị trường.

 

Bất chấp xác nhận, nhiều khách hàng vẫn tránh sản phẩm từ Fukushima, khiến ngành trồng trọt của khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Theo ước tính, chính phủ Nhật cần tới 4 thập niên để tháo dỡ các lò phản ứng bị hư hại trong khi đất nước vẫn chưa quyết định được xem có tiếp tục dùng năng lượng hạt nhân để tiếp tế cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hay không.

 

Chỉ có 2 trong số 50 lò phản ứng thương mại của Nhật đã được tái khởi động, do những quy định an toàn và tiêu chuẩn nghiêm ngặt cùng lo ngại của giới chính trị gia khiến các lò phản ứng khác vẫn bị ngừng hoạt động.

 

Không có nguồn cung năng lượng thay thế nào khả thi về mặt kinh tế cùng với việc Thủ tướng Abe, người ủng hộ năng lượng hạt nhân lên nắm quyền, giới phân tích cho rằng sớm muộn các lò phản ứng này sẽ được “nhóm lại”.

 

Vũ Quý

Theo AFP