Nguyên nhân ông Putin ủng hộ chính quyền Maduro
Bên cạnh quyền lợi kinh tế, quyền lợi khó nhìn thấy hơn với Nga là các giá trị địa chính trị khi có một đồng minh đối trọng lại Mỹ tại Tây bán cầu.
Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Venezuela với việc lãnh đạo đối lập, Chủ tịch Quốc hội nước này Juan Guaido, tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời. Ông Guaido nhanh chóng được sự ủng hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước Nam Mỹ.
Nga ủng hộ đương kim Tổng thống Maduro
Có thể nhìn thấy sự ủng hộ của Nga với Venezuela khi Moscow tiếp tục công nhận ông Nicolas Maduro là tổng thống hợp pháp. Nga còn gửi nhiều chuyến hàng cứu trợ cho chính quyền Maduro. Gần đây, chính quyền Tổng thống Putin còn đưa quân đội sang Venezuela. Bất chấp lời cảnh báo của Mỹ và nhiều nước, Nga vẫn tuyên bố việc triển khai quân của mình là hợp pháp, không vi phạm luật pháp quốc tế, không thay đổi sự cân bằng quyền lực khu vực, theo thỏa thuận giữa hai nước và “sẽ ở lại đến khi nào tùy vào sự cần thiết của Venezuela”.
Một hành động thể hiện sự ủng hộ về ngoại giao rõ ràng của Nga với chính quyền Maduro là việc một nhóm quan chức và lãnh đạo dầu mỏ Nga đến một nhà thờ ở Moscow đầu tháng 3 đặt hoa tưởng niệm cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Trong số này có nhà ngoại giao hàng đầu của Nga ở Mỹ Latinh - ông Alexander Shchetinin và ông Igor Sechin - lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft.
Có thể thấy trong hai thập niên qua Nga đã không ngừng ủng hộ ông Maduro giữ gìn hệ thống chính trị mà người tiền nhiệm Hugo Chavez xây dựng và để lại.
Động cơ của Nga
Trong một bài viết trên báo New York Times, nhà báo Anatoly Kurmanaev phân tích sự ủng hộ của Nga với Venezuela dựa vào các quyền lợi của Nga ở đây. Quyền lợi nổi bật và dễ nhìn thấy nhất là các dự án dầu mỏ và hợp đồng quân sự.
Những năm gần đây, tập đoàn Rosneft (nga) nổi lên như đối tác dầu mỏ lớn nhất và là nhà cho vay lớn nhất của Venezuela. Rosneft có năm dự án khai thác dầu thô ở Venezuela và đã cho chính phủ ông Maduro vay tới 7 tỉ USD đổi lấy dầu. Đến thời điểm này Venezuela còn nợ Rosneft 2,3 tỉ USD, theo một báo cáo của Rosneft hồi tháng 2.
Rosneft trở thành phao cứu sinh kinh tế của ông Maduro kể từ khi Mỹ trừng phạt công nghiệp dầu mỏ Venezuela cuối tháng 1-2019. Nhờ sự cung cấp xăng và dầu của Rosneft mà tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA tránh được sụp đổ.
Venezuela cũng nợ Bộ Tài chính Nga 3,1 tỉ USD tiền mua vũ khí, xe tải và mua nợ ngũ cốc. Các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga cũng đang có hàng loạt hợp đồng béo bở với nội dung bảo dưỡng xe tăng, máy bay chiến đấu, các hệ thống tên lửa phòng thủ mà Venezuela đã mua của Nga. Bảo dưỡng vũ khí cũng là lý do Nga đưa ra cho việc triển khai quân đến Venezuela mới đây. Mỹ thì nói rõ Nga đưa quân sang Venezuela để sửa các hệ thống tên lửa phòng thủ S-300.
Cuộc chiến giữa ông Maduro và ông Guaido càng kéo dài, sự lựa chọn của điện Kremlin càng khó: Tăng cường ủng hộ đồng minh Maduro hay sẽ ngả theo hướng chọn người mới kế nhiệm ông Maduro.
Nhà báo ANATOLY KURMANAEV
Thể hiện sức mạnh và thách thức Mỹ
Các khoản tiền và đầu tư kể trên không nhỏ, tuy nhiên theo nhà phân tích cấp cao Alexander Gabuev tại Trung tâm chính sách Carnegie Moscow, con số này chưa đáng kể với nền kinh tế Nga, mà điều quan trọng hơn khiến Nga ủng hộ ông Maduro là nhằm thể hiện sức mạnh toàn cầu của Nga.
Nói cách khác, ngoài các lợi ích kinh tế, Nga đặt trọng tâm vào những quyền lợi khó nhìn thấy hơn tại Venezuela. Điển hình nhất chính là các lợi ích ở khía cạnh địa chính trị của Nga ở Venezuela khi có một đồng minh đối trọng lại Mỹ tại Tây bán cầu.
Theo nghị sĩ đối lập Venezuela Angel Alvarado, Nga lo ngại chính phủ mới mà Mỹ đang ủng hộ thành lập sẽ hủy các hợp đồng của Rosneft, của các tập đoàn vũ khí Nga. Bên cạnh đó, Nga xem hành động của phương Tây là một nỗ lực cản trở đà mở rộng ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quan hệ thân thiết với Venezuela cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin thách thức Mỹ ở chính sân sau của nước này. Cả hai ông Chavez và Maduro từng sang Nga, thăm các nhà máy vũ khí Nga. Ông Chavez từng chi hàng tỉ USD vào mua vũ khí và máy móc Nga và là một trong số ít lãnh đạo công nhận các nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia và Abkhazia, trong khi ông Maduro ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.
Như vậy, Nga là một trong số ít nước, bên cạnh Cuba, có thể tạo ảnh hưởng lên ông Maduro, theo nhà khoa học chính trị Rouvinski. Nhằm làm suy giảm quan hệ này, phe đối lập Venezuela nhắc đi nhắc lại rằng các đầu tư của Nga sẽ được chính phủ mới tôn trọng. Venezuela sẽ phải cần đến tiền để hồi phục từ khủng hoảng kinh tế, do đó các công ty Nga sẽ được chào đón đến tái thiết.
Nước Nga mâu thuẫn nội bộ vì Venezuela?
Hiện có hai luồng ý kiến trong các nhà hoạch định chính sách Nga. Một phía là các nhà ngoại giao kỳ cựu và nhà kỹ trị thực tế cho rằng chính phủ ông Maduro với khả năng lèo lái kinh tế kém sẽ không thể trụ vững. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết một số nhà ngoại giao Nga đã mở các kênh đối thoại với phe đối lập Venezuela sau khi ông Guaido tự xưng tổng thống lâm thời. Về chính thức, Bộ Ngoại giao Nga đi từ ủng hộ tuyệt đối ông Maduro sang nói sẵn sàng làm trung gian thương lượng với phe đối lập, hay đối thoại về Venezuela với Mỹ.
Quan điểm này đối lập với chủ trương cứng rắn của các nhân vật từ những cơ quan quốc phòng, an ninh Nga. Các nhân vật này cho rằng khủng hoảng chính trị ở Venezuela là một phần chiến dịch toàn cầu của Mỹ nhằm phá vỡ ảnh hưởng Nga và cho rằng ủng hộ ông Maduro là vấn đề mang tính nguyên tắc và là sự tự vệ. Theo nhà báo Kurmanaev, con đường ông Putin chọn sắp tới sẽ giúp xác định hoặc thay đổi chính phủ Venezuela một cách hòa bình hoặc đưa Venezuela vào nội chiến.
Theo Đăng Khoa
Pháp luật TP.HCM