1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguy cơ xung đột leo thang tại "chảo lửa" Syria

Nguyên Long

(Dân trí) - Xung đột tại Syria đang đứng trước nguy cơ leo thang trở lại sau một loạt vụ tấn công qua lại giữa các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và quân đội Mỹ.

Nguy cơ xung đột leo thang tại chảo lửa Syria - 1

Binh sĩ Mỹ di chuyển trên xe bọc thép kháng mìn tại Syria vào năm 2019 (Ảnh: AFP).

Căng thẳng leo thang

Hiện Mỹ có khoảng 900 binh sĩ đang đồn trú ở khu vực miền Đông Syria nhằm hỗ trợ các lực lượng người Kurd ở nước này ngăn cản sự trỗi dậy của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Về cơ bản, lực lượng IS tại Syria đã bị tiêu diệt thời gian qua. Tuy nhiên, quân đội Mỹ luôn bị các lực lượng đối lập ở khu vực này tấn công. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng Mỹ ở Syria đã bị các nhóm nổi dậy tấn công 78 lần, gây ra nhiều thương vong.

Đáng chú ý, tình hình Syria bắt đầu nóng trở lại và leo thang trong những tuần gần đây sau khi các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn sử dụng máy bay không người lái (UAV) và rocket tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở vùng Đông Bắc Syria trong 2 ngày 23 và 24/3. Quân đội Mỹ xác nhận một nhà thầu nước này đã thiệt mạng và 11 người bị thương trong các vụ tấn công này. Các lực lượng Mỹ cũng đáp trả bằng việc không kích vào vị trí của dân quân thân Iran để trả đũa, khiến 8 người thiệt mạng.

Ngay trong ngày 24/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng, Mỹ "không tìm kiếm xung đột với Iran" nhưng sẽ "đáp trả mạnh" các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Syria để bảo vệ công dân.

Tướng Erik Kurilla, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ, tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện nhiều đợt tấn công hơn nữa nếu cần thiết.

Trong khi đó, ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Iran đã lên án các cuộc tấn công mới nhất của Mỹ, đồng thời tuyên bố "bất kỳ cái cớ nào được dùng để tấn công các căn cứ Syria" sẽ bị đáp trả ngay lập tức. Riêng các lực lượng thân Iran ở Syria cho biết họ có "cánh tay dài" để đáp trả các cuộc không kích tiếp theo của Mỹ.

Tình hình ở Syria càng trở nên căng thẳng sau khi hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cáo buộc Israel tiến hành cuộc không kích nhắm vào một số vị trí của quân đội Syria ở khu phố Al-Midan, thủ đô Damascus trong đêm ngày 29/3. Tình hình này đã buộc Syria phải kích hoạt các hệ thống phòng không.

Mỹ tăng cường lực lượng ở Trung Đông

Ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Mỹ đã củng cố lực lượng quân sự của mình ở Trung Đông và quyết tâm duy trì lực lượng tại đây để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Nguy cơ xung đột leo thang tại chảo lửa Syria - 2

Các binh sĩ Mỹ bên cạnh xe bọc thép chở quân tại Syria (Ảnh: CBS News).

Trung tá Phil Ventura, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ triển khai cấp tốc một phi đội máy bay tấn công A-10 đang tới khu vực trước kế hoạch.

Ngoài ra, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ bao gồm tàu sân bay George H. W. Bush, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf, tàu khu trục USS Delbert Black và tàu hỗ trợ tác chiến nhanh USNS Arctic cũng được lệnh sẽ ở lại khu vực Địa Trung Hải và hoạt động dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Quyết định này đồng nghĩa với việc 5.000 binh sĩ Mỹ hoạt động trên nhóm tác chiến tàu sân bay George H.W. Bush sẽ không trở về nước theo lịch trình trước đó.

Người phát ngôn Ventura nhấn mạnh Mỹ cam kết hỗ trợ sứ mệnh đánh bại IS cùng với liên minh toàn cầu ở Syria và sẵn sàng ứng phó với một loạt tình huống bất ngờ ở Trung Đông khi cần. Việc Mỹ tăng cường lực lượng ở Trung Đông còn chứng tỏ khả năng của Mỹ trong việc tái bố trí nhanh chóng các lực lượng trên toàn cầu và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các lực lượng Mỹ.

Nguy cơ xung đột bùng phát

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 23/3, ông Geir Pedersen, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria đánh giá tình hình tại Syria hiện nay nghiêm trọng chưa từng thấy, đòi hỏi sự lãnh đạo, hợp tác và tìm ra giải pháp của nhiều quốc gia liên quan.

Ông Pedersen khẳng định một giải pháp chính trị là con đường duy nhất cho Syria hiện nay và giải pháp đó chính là khôi phục chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân nước này.

Đặc phái viên Geir Pedersen cũng bày tỏ lo ngại trước việc Ủy ban Hiến pháp Syria dừng hoạt động trong 10 tháng. Ông cho rằng động thái này "phát tín hiệu xấu cho thấy khả năng Syria tìm được giải pháp toàn diện đã bị hạn chế bởi những vấn đề không liên quan đến nước này". Ông Pedersen kêu gọi ủy ban trên nhóm họp lại tại Geneva trên tinh thần khẩn trương, thỏa hiệp và thực chất.

Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh "chảo lửa" Syria có nguy cơ "sôi" trở lại sau hàng loạt vụ tấn công ăn miếng trả miếng giữa các lực lượng Mỹ và lực lượng thân Iran ở khu vực Đông Bắc Syria, nhất là việc Mỹ quyết định tăng cường lực lượng ở Trung Đông. Hơn nữa, các vụ tấn công bằng UAV vừa qua tại Syria cho thấy một đe dọa nguy hiểm đang hiển hiện rất rõ ở khu vực này.

Ông Charles Lister, Giám đốc Chương trình Syria và chống khủng bố tại Viện Trung Đông ở Washington, nhận định các cuộc tấn công trả đũa có mục tiêu của Mỹ là quan trọng nhưng không đủ để ngăn chặn hành vi của Iran hoặc hành động của các lực lượng ủy nhiệm.

Trong khi đó, nhà phân tích cao cấp về Syria Dareen Khalifa thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussels, Bỉ tỏ ra lo ngại về nguy cơ về một chu kỳ leo thang. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng "chính quyền Tổng thống Biden sẽ không nóng vội leo thang ở Syria và thay vào đó sẽ có một phản ứng tương đối".

Ngoài ra, một diễn biến khác cũng có thể khiến tình hình Syria thêm phần phức tạp trong thời gian tới đó là trong chuyến thăm Nga hồi giữa tháng 3 vừa qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết ông hoan nghênh mọi đề xuất của phía Nga về việc mở một số căn cứ quân sự mới cũng như tăng số quân ở Syria. Giới quan sát cho rằng động thái này có thể bật đèn xanh cho Nga hiện diện quân sự lâu dài ở Syria.

Có thể thấy, những vụ tấn công ăn miếng trả miếng giữa lực lượng Mỹ và các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở vùng Đông Bắc Syria vừa qua là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong khu vực trong vài năm trở lại đây. Vụ việc này có nguy cơ làm "chảo lửa" Syria sôi trở lại và làm đảo lộn nỗ lực của các bên nhằm giảm leo thang căng thẳng trên vùng đất Trung Đông vốn đầy rẫy những bất ổn trong nhiều thập niên qua. 

Theo Reuters, NYT