1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Trung Quốc bị kỳ thị vì virus corona

(Dân trí) - Tâm lý kỳ thị người Trung Quốc đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trong bối cảnh nhiều lo ngại về nguy cơ lây lan dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra.

Người Trung Quốc bị kỳ thị vì virus corona - 1
Người dân Hàn Quốc biểu tình đề nghị cấm du khách Trung Quốc do lo ngại dịch viêm phổi lây lan. (Ảnh: AP)

Sự kỳ thị vượt ranh giới

Theo New York Times, tại Nhật Bản, hashtag #ChineseDon’tComeToJapan (tạm dịch: Người Trung Quốc đừng đến Nhật Bản) đang trở thành phổ biến trên mạng xã hội Twitter. Tại Singapore, hàng chục nghìn công dân đã ký vào đơn kiến nghị chính phủ cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh vào quốc đảo sư tử.

Tại đặc khu Hong Kong hay ở Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp thậm chí trưng các biển hiệu không tiếp khách Trung Quốc. Tại Pháp, một tờ báo địa phương đưa lên trang đầu “Cảnh báo vàng” đối với dịch viêm phổi do nCoV gây ra ở Trung Quốc. Ở một vùng ngoại ô Toronto, Canada, nhiều phụ huynh đã đề nghị ban giám hiệu một ngôi trường buộc tạm cho thôi học để cách ly 17 ngày đối với con em người Trung Quốc vừa từ quê nhà trở lại.

Người dân Bangkok (Thái Lan) trong khi đó tránh những trung tâm thương mại hay những tụ điểm giải trí vốn thu hút nhiều khách Trung Quốc. Một cơ sở thẩm mỹ ở khu vực Gangnam, Seoul, Hàn Quốc đã chỉ dẫn nhân viên rằng, họ chỉ tiếp nhận khách Trung Quốc nếu người đó chứng minh được họ đã ở Hàn Quốc ít nhất 14 ngày để chắc chắn người đó không nhiễm nCoV.

Tại một nhà hàng sushi gần chợ cá Tsukiji ở Tokyo (Nhật Bản), nơi có đến 90% là khách Trung Quốc, một nữ nhân viên phục vụ cho biết bà có thể hiểu tại sao một số cửa hàng từ chối khách Trung Quốc. Bà nói thêm, nhà hàng của bà vẫn tiếp đón mọi khách hàng, song tất cả nhân viên phải thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh lây lan.

Nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng đã hủy các chuyến bay đến tâm dịch Vũ Hán và một số thành phố của Trung Quốc, trong khi nhiều đơn vị tổ chức sự kiện đề nghị phái đoàn Trung Quốc không tham gia.
Tuần trước, Thủ tướng Italia tuyên bố nước này sẽ cấm tất cả các chuyến bay đến và từ Trung Quốc. Các nước như Malaysia, Philippines, Nga cũng ngừng cấp thị thực cho du khách từ Vũ Hán hoặc toàn bộ du khách Trung Quốc.

Dịch viêm phổi do nCoV khiến hơn 427 người tử vong, gần 20.000 nhiễm bệnh đã và đang kéo theo tâm lý lo ngại và cùng với đó là sự kỳ thị nhất định đối với người Trung Quốc. Tuy nhiên, một số phản ứng bị cho là “thái quá”.

Ở Australia, báo Herald Sun đăng dòng chữ “China Virus Panda-monium” trên hình khẩu trang màu đỏ (viết lái của từ “pandemonium” nghĩa là “đại dịch”). Hơn 46.000 người trong cộng đồng gốc Hoa ở Australia ký vào đơn kiến nghị, cho rằng cụm từ này là “sự phân biệt chủng tộc không thể chấp nhận được”.

Báo Le Courrier Picard của Pháp cũng gây phẫn nộ khi đăng dòng tít “Yellow Alert” (“Cảnh báo Vàng”, một cụm từ bị cho là hàm ý kỳ thị người da vàng). Đại diện tờ báo sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi.

Sự kỳ thị người Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm phổi thậm chí đã vượt qua cả ranh giới trở thành tâm lý kỳ thị đối với người châu Á nói chung. Một người phụ nữ châu Á cho biết, cô bị một tài xế taxi ở Pháp lăng mạ và nói rằng cô không được chào đón ở Pháp. Tại Australia, Andy Miao, 24 tuổi, người Australia gốc Hoa vừa trở về sau chuyến thăm Trung Quốc, cho biết mọi ánh mắt dồn về phía anh khi đi tàu mà không đeo khẩu trang.

Sự hoảng loạn không cần thiết

Người Trung Quốc bị kỳ thị vì virus corona - 2

Tâm lý kỳ thị người Trung Quốc bắt nguồn từ sự lo sợ dịch viêm phổi nCoV lây lan. (Ảnh minh họa: Getty)

Một số chính phủ đang tìm cách xoa dịu sự hoảng loạn của dư luận đối với dịch viêm phổi nCoV. Tại Toronto, các chính khách, một số nhóm hoạt động xã hội đã kêu gọi không lặp lại sự kỳ thị đã bao trùm thành phố vào năm 2003, khi dịch SARS làm 44 người ở đây tử vong.

“Vào lúc này, người dân Canada phải đoàn kết, tránh bất cứ tư tưởng bài ngoại nào bởi nó có thể khiến tất cả cộng đồng người Hoa ở Đông Á trở thành nạn nhân”, một công đoàn trường học ở Canada kêu gọi.
Tại Indonesia, mặc dù chính phủ nước này đã hoãn tiếp nhận các chuyến bay từ Vũ Hán, song thống đốc Tây Sumatra Irwan Prayitno đã không đồng tình với kiến nghị của một nhóm dân cư yêu cầu từ chối phục vụ toàn bộ du khách Trung Quốc.

Tại khu mua sắm Ginza vốn đông khách Trung Quốc ở Tokyo, Nhật Bản, Michiko Kubota, chủ một tiệm thời trang nhỏ, nói cô hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ làm nhiều hơn để giúp Trung Quốc, như cung cấp khẩu trang hay thiết bị y tế.

“Nhật Bản và Trung Quốc có những lúc chỉ trích nhau, nhưng sự tử tế là ở hai phía. Tôi hy vọng chúng ta có thể làm nhiều hơn để xua tan nỗi sợ ở Trung Quốc”, cô nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do virus corona mới ở Trung Quốc, song Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3/2 vẫn nhấn mạnh, không nhất thiết phải có các biện pháp can thiệp “gây xáo trộn không cần thiết về du lịch quốc tế và thương mại”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và nhất quán”, ông Tedros nói và nhấn mạnh mức độ lây lan của nCoV hiện nay ở bên ngoài Trung Quốc là “tối thiểu và chậm”.

Số liệu về virus corona (cập nhật đến ngày 4/2). Nguồn: SCMP

Địa điểm Số ca nhiễm Tử vong
Toàn thế giới20.622427
Trung Quốc đại lục20.438425
Hong Kong 15 1
Macao 8 
Đài Loan 10 
Các nơi khác tại châu Á 96 1
Châu Âu 21 
Bắc Mỹ 15 
Châu Đại Dương 12 
Các nơi khác 7 

Minh Phương
Theo NYTimes, Reuters