1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người robot cất cánh trong sứ mệnh cuối cùng của Discovery

(Dân trí) - Tàu con thoi Discovery của Mỹ ngày 24/2 đã rời Trung tâm vũ trụ Kennedy, trong sứ mệnh không gian cuối cùng của mình trước khi về hưu. Đặc biệt, ngoài 6 phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) lần này còn có người robot R2.


Người robot cất cánh trong sứ mệnh cuối cùng của Discovery - 1
Discovery rời bệ phóng.
 

Tàu con thoi đã rời bệ phóng, vút lên nền trời xanh ngắt ở Florida vào 16h53 ngày 24/2 giờ địa phương, (4h53 chiều qua giờ VN).

 

Trong sứ mệnh cuối cùng dự kiến kéo dài 11 ngày, tàu Discovery mang một phòng chứa mới và một robot người được đánh giá là vô cùng tinh vi lên trạm vũ trụ ISS.

 

Người robot R2 (Robonaut 2) được chế tạo gần như hoàn toàn bằng nhôm, nặng 120kg, và được thiết kế giống như phần thân phía trên của con người. Các kỹ sư thuộc cơ quan không gian Mỹ, NASA, cho biết công tác chủ yếu của R2 là để thử nghiệm xem robot này hoạt động trong môi trường không trọng lượng ngoài không gian như thế nào.

Người robot cất cánh trong sứ mệnh cuối cùng của Discovery - 2

Người robot R2.


Kỹ sư trưởng về cơ khí của R2, ông Josh Mehling, cho hay R2 có thể thực hiện một số công việc thường ngày trên ISS  và sẽ giúp cho các phi hành gia có thêm thời gian để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn.

Những cánh tay kỹ thuật cao của R2 và những ngón tay nhạy cảm với áp suất khiến robot có thể sử dụng một sức mạnh vừa đủ để nắm hoặc nâng một vật mà không bóp bẹp nó – đây là kỹ năng đặc biệt ích lợi trong việc sửa chữa các thiết bị cầm tay. Đầu của R2 cũng được trang bị với các máy thu âm thanh nổi và thu hình video hồng ngoại tuyến.

Theo NASA, họ hy vọng R2 sẽ được nâng cấp để có thể giúp các phi hành gia trong những cuộc “dạo bộ” ngoài không gian, hay thực hiện những công tác khoa học quan trọng trên ISS.

 

Thủ lĩnh của đội tàu con thoi Mỹ
 

Sau Discovery, các tàu Endeavour và Atlantis trong đội tàu con thoi của NASA sẽ lần lượt về hưu vào cuối năm nay. Hai tàu này sẽ thực hiện thêm 2 chuyến bay cuối trong thời gian tới.

 

Theo kế hoạch, đội tàu con thoi sẽ được tới viện bảo tàng “nghỉ ngơi”.

 

Như thường lệ, đám đông dân chúng đã đổ về khu vực xung quanh Trung tâm vũ trụ Kennedy để chứng kiến một trong những khoảnh khắc lịch sử này. Giờ phóng tàu đã bị chậm hơn dự kiến 3 phút, để các nhà khoa học sửa một lỗi nhỏ ở hệ thống máy tính, giúp theo dõi tàu trong quỹ đạo.

Người robot cất cánh trong sứ mệnh cuối cùng của Discovery - 3

Discovery được coi là “thủ lĩnh của đội tàu con thoi” và rất được tin cậy sau hai vụ tai nạn đối với tàu Challenger và Columbia.

 

Dicovery lần đầu tiên được phóng vào năm 1984 và đây là chuyến bay vào không gian lần thứ 39 của tàu. Khi trở về trái đất gần hai tuần nữa, tổng cộng Discovery thực hiện được hành trình chuyên chở dài 230 triệu km. Hành trình này dài hơn hành trình từ trái đất tới mặt trời.

 

Một khi các đội tàu về hưu, Mỹ dự kiến sẽ đưa các nhà du hành của mình lên ISS bằng tàu Soyuz của Nga và việc “nhờ vả” này có lẽ sẽ kéo dài đến giữa thập niên.

 

Nhiều công ty tư nhân của Mỹ dự kiến sẽ tham gia vào ngành dịch vụ vận chuyển cả hàng và các nhà du hành cho NASA lên ISS và thậm chí là đi xa hơn trong vũ trụ trong tương lai, bằng một loạt phương tiện mới.
 

 

Phan Anh

Theo AP