Người phụ nữ Mỹ khóc ở Việt Nam
Deborah Nelson, bằng sự nhạy cảm của một nhà báo điều tra, trái tim yêu thương, đồng cảm của một người phụ nữ, đã về những làng quê ven biển ở Mỹ Lai, trò chuyện với những người nông dân của mảnh đất miền Trung bỏng lửa này. Ở đó, bà đã để lại nhiều nước mắt, khi trực tiếp nghe những câu chuyện của những người trong cuộc.
Deborah Nelson sinh năm 1953 tại Grayslake thuộc bang Illinois, Mỹ. Bà tốt nghiệp đại học Northern Illinois - chuyên ngành báo chí và có bằng tiến sĩ luật của trường Đại học DePaul. Hơn 30 năm làm báo, bà làm việc cho các tờ danh tiếng như Los Angeles Times, Washington Post, Seattle Times và Chicago Sun-Time và là người thực hiện nhiều phóng sự điều tra sắc sảo gây tiếng vang trong dư luận.
Năm 2006, Deborah Nelson cùng nhà nghiên cứu quân sự Nicholas Turse bắt tay thực hiện series phóng sự điều tra về tội ác chiến tranh của Mỹ và cho đăng chúng trên tờ Los Angeles Times. Deborah Nelson và Nicholas Turse đã dày công thu thập tư liệu về tội ác của quân đội Mỹ tại Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau như tài liệu giải mật về chiến tranh Việt Nam, những cuộc phỏng vấn cựu binh Mỹ, những cuộc gặp gỡ dân thường Việt Nam vô tội may mắn thoát nạn trong những cuộc thảm sát của quân đội Mỹ...
Năm 2008, những bài báo của Deborah Nelson và Nicholas Turse trên Los Angeles Times đã được tập hợp lại trong cuốn sách có tên "Phía sau cuộc chiến". Hai năm sau, 2010, nó có mặt tại Việt Nam.
Cuốn sách dày 300 trang, nhưng, toàn bộ những câu chuyện bên trong đó thực sự là những điều gây kinh ngạc cho độc giả bởi những thông tin lần đầu được công bố; những nỗi đau đớn ám ảnh với người đọc về những cuộc thảm sát đẫm máu của lính Mỹ đối với người Việt Nam vô tội.
Deborah Nelson, bằng sự nhạy cảm của một nhà báo điều tra, trái tim yêu thương, đồng cảm của một người phụ nữ, đã về những làng quê ven biển ở Mỹ Lai, trò chuyện với những người nông dân của mảnh đất miền Trung bỏng lửa này. Ở đó, bà đã để lại nhiều nước mắt, khi trực tiếp nghe những câu chuyện của những người trong cuộc.
Mỹ Lai - một thôn nhỏ của làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ thảm sát ngày 16/3/1968 trong Chiến tranh Việt Nam, cướp đi sinh mạng của 503 thường dân. Tuy nhiên, báo cáo của quân đội Mỹ chỉ là 347 người.
Trong bảo tàng của khu chứng tích Sơn Mỹ còn có những bức ảnh chụp lại cảnh ngôi làng bị lính Mĩ tàn sát. Có những bức ảnh chụp cảnh xác của người dân bị giết la liệt khắp nơi. Còn có một mô hình được dựng lên với 4 lính Mĩ. Một tên đang kéo đầu một người dân, ba tên còn lại đang xả súng vào họ…
“Nếu tôi không có lý do tốt tôi sẽ không đến gặp họ, bởi vô cùng khó khăn khi chúng ta gặp lại những nạn nhân đã trải qua những chấn động như vậy. Những nạn nhân chiến tranh, nạn nhân còn sống sót qua những trận địa chấn…, họ bị chấn động ghê gớm, và luôn có xu hướng cất giữ nỗi đau trong quá khứ.
Tôi phải nói rõ với họ nội dung mà chúng tôi đang làm; phóng sự tôi đang thực hiện là vì cái gì, nói rõ mục đích của mình. Họ sẽ cần thời gian, và tôi sẽ cho họ thời gian, đủ đến mức mà họ sẽ mở lòng ra với tôi” – Deborah Nelson nói.
Và, câu chuyện của Deborah Nelson:
“Tôi tôn trọng câu chuyện của những người được hỏi. Tôi gọi đó là tính riêng tư của thông tin. Nếu như, câu chuyện mà họ kể cho tôi nhưng họ không muốn đưa thông tin thì tôi sẽ không đăng tải.
Vụ thảm sát xảy ra ở đấy, một phụ nữ bị một người lính hãm hiếp, chị ấy không đồng ý cho đăng và tôi không đăng. Tôi sử dụng tên của họ, ảnh của họ để giải thích những thông tin nằm sau hồ sơ là gì.
Hãy lắng nghe họ chứ đừng có chỉ hỏi, cho họ nói điều gì là quan trọng chứ không phải chúng ta muốn biết điều gì; họ khóc hay gì đó, hãy cứ để họ làm như vậy, để họ tự thể hiện cảm xúc của mình, bởi vì đôi khi họ khóc mà chúng ta dừng cuộc phỏng vấn lại ngang chừng thì điều đó còn tồi tệ hơn…
Hãy cho họ quyền thể hiện cảm xúc của mình. Sự đồng cảm là điều quan trọng” - nữ nhà báo Deborah Nelson nói.
Thời gian sang Việt Nam để tìm hiểu những bằng chứng tội ác của lính Mỹ thực hiện tại Mỹ Lai, Deborah biết được thông tin về một vụ thảm sát do một nhóm 3 lính Mỹ gây ra đối với 19 dân thường trong một buổi sáng. Bà đi lần tìm, qua rất nhiều ngày, để cuối cùng tìm được đúng câu chuyện mà bà muốn tìm.
“Qua một người bạn Việt Nam làm phiên dịch cho chúng tôi, tôi phỏng vấn một người mẹ có cậu con trai là cậu bé chăn vịt bị giết trong cuộc thảm sát đó. Thông tin tôi có được, đó là một ngôi làng nhỏ nằm ngay ở khu chiến lược của quân đội Mỹ.
Bức ảnh người mẹ có cậu con trai là cậu bé chăn vịt bị giết trong cuộc thảm sát
Một toán lính Mỹ gồm 3 người đã tự tổ chức một “cuộc thi” xem ai có thể giết hại được nhiều người nhất. Nhóm này sau đó đã đi ra một ngôi làng, và gặp hai đứa trẻ đang chăn vịt. Họ bắt hai cậu bé này nằm cạnh nhau và bắn chết, sau đấy thì đặt lựu đạn, kéo kíp lựu đạn cho lựu đạn nổ…
Người mẹ lúc ấy đang ở ngoài chợ, một người cùng làng chứng kiến sự việc đã báo cho bà này. Người mẹ nghe chuyện đã chạy ra cánh đồng để tìm con trai của mình. Trong hồ sơ ghi như vậy, và tôi đã về để tìm gặp bà…
Tôi đã phỏng vấn người mẹ qua một người phiên dịch. Cuộc phỏng vấn dài, bà ấy có căm phẫn không, có khóc không, có muốn biết tên người đã giết con trai mình? Người mẹ đó không khóc. Tôi bắt đầu câu chuyện bằng cách quay trở lại thời điểm khi sự việc chưa xảy ra, con như một cách để cho người mẹ thời gian.
Sau đó tôi hỏi chuyện gì xảy ra, tất nhiên, những câu hỏi của tôi không có gì đặc biệt. Gần đến lúc người mẹ nói về phần con của mình bị giết như thế nào, người mẹ nói về chi tiết cái đầu của những con vịt bị lưu đạn nổ, bắn tung lên là bị mắc ở trên những cành cây…
Người mẹ đau khổ nói, khi bà chạy ra, thấy ba thi thể không nguyên vẹn trên mặt đất. Tất cả, nó chỉ là những mẩu thi thể và rơi vãi khắp nơi. Bà mẹ kể đứt đoạn, câu chuyện lẫn lộn không theo trật tự. Tôi biết, bà đang bối rối vì căm phẫn.
Những hình ảnh trong vụ thảm sát Mỹ Lai tháng 3/1968. Ảnh tư liệu.
Bà ấy nói, lúc ấy, gần đó có một cây mít, và không biết vì lý do gì, bà mẹ đã chạy về phía gốc mít ấy.
Người đi cùng tôi định hỏi người phụ nữ ấy một câu, là “khi bà nhìn thấy thi thể, bà thấy những cái gì?”. Tôi đã ngăn ông ấy hỏi câu đó. Mình không được để cho nhân vật của mình phải trải qua những thời khắc đau khổ đó. Người mẹ này có lẽ lần đầu tiên sau 40 năm có lẽ gặp người Mỹ lần thứ 2.
“Không chỉ mất người con trong buổi sáng hôm đó, bà này sau đó cũng có một người con gái khác bị chết trong 1 vụ nổ khác. Bà ấy đã đi đến tột cùng của sự đau khổ rồi” – Deborah thoáng rùng mình khi nhắc lại câu chuyện cũ…...
Trong cuốn sách “Phía sau cuộc chiến” có đề cập: Biện pháp giết người số một của Sư đoàn 9 là quy định bắn nếu họ chạy. Không chỉ tù nhân hay người tình nghi, hay những người có vũ khí, mà là bất cứ ai.
“...Biện pháp giết người thứ hai là bắn tỉa. Một lính thuộc Lữ đoàn 2 đã được trao huân chương Chữ thập Công Trạng vì đã sát hại hơn một trăm người Việt bằng cách bắn tỉa.
...Biện pháp giết người thứ ba là bẫy mìn treo...
...Biện pháp giết người thứ tư là “tai nạn” do máy bay trực thăng vũ trang hoặc pháo...”
Đó là một trong nhiều dòng tư liệu đã được Deborah Nelson cùng Nicholas Turse thu thập từ những nguồn khác nhau: các tài liệu giải mật về chiến tranh Việt Nam, những cuộc phỏng vấn cựu binh Mỹ, những cuộc gặp gỡ các dân thường Việt Nam vô tội may mắn thoát nạn trong những cuộc thảm sát của quân đội Mỹ... để viết nên loạt phóng sự điều tra về tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ tại Việt Nam trên tờ Los Angeles Times, sau đó được tập hợp lại trong cuốn sách có tên “Phía sau cuộc chiến”.
(Còn tiếp)
Theo Di Linh
Vietnamnet