1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người Mỹ gốc Hoa lên tiếng từ vùng bị cách ly: "Ai cũng chán lắm rồi"

(Dân trí) - Một người đàn ông Mỹ gốc Hoa ngày càng cảm thấy buồn chán khi thị trấn nơi ông sinh sống tại Trung Quốc bị cô lập, kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Người Mỹ gốc Hoa lên tiếng từ vùng bị cách ly: Ai cũng chán lắm rồi - 1

Một phương tiện làm công tác khử trùng ở Vũ Hán (Ảnh: Reuters)

 

Vài tuần trước khi virus corona trở thành cuộc khủng hoảng y tế quốc gia tại Trung Quốc, giới chức đã triệu tập bác sĩ Li Wenliang ở thành phố Vũ Hán, người từng cảnh báo về các ca nhiễm sớm. Ban đầu, Li bị cáo buộc phát tán các tin đồn.

Đó là một cảnh báo cho ông Bob Huang.

“Mọi người ở đây dường như tin vào chính quyền. Nhưng tôi thì không”, ông Huang, 50 tuổi và hiện đang sống với mẹ và người giúp việc của bà tại thị trấn Zhichang với khoảng 300.000 dân ở tỉnh Chiết Giang, đông bắc Trung Quốc.

Ông Huang không giống những người khác tại Zhichang. Ông là một người Mỹ gốc Trung Quốc, và ông nói, ông không giống các hàng xóm. Khi Zhichang tự lập rào chắn để cách ly với thế giới bên ngoài, ông đã theo dõi với sự hoang mang của một người ngoài cuộc.

Sự giao tiếp giữa người với người khó có thể tìm thấy ở một thị trấn bị cách ly với phần còn lại của thế giới. Ông Huang chỉ có thể làm những gì ông có thể.

Câu chuyện bắt đầu với các tình nguyện viên an ninh bên ngoài khu chung cư của ông khi ông rời nhà để đi mua đồ tạp hóa. Nhiều người mặc áo đỏ với dòng chữ “tình nguyện viên” ở phía sau lưng áo. Một trong số đó là bác sĩ nha khoa của ông.

Thỉnh thoảng nhóm tình nguyện này gọi hỗ trợ - các cảnh sát trong trang phục bảo hộ được trang bị súng. Ông Huang gọi họ là “đội đặc nhiệm SWAT”, liên hệ tới đội đặc nhiệm của Mỹ.

Họ không có nhiều các thông tin hữu ích, ông Huang cho biết. Một ngày, một nhân viên an ninh đề nghị kiểm tra hộ chiếu của ông Huang, xem kỹ và cau có. “Dịch bệnh này chắc chắn là do đế quốc Mỹ gây ra”, người này nói với ông Huang.

“Ông ấy không thích Mỹ hay người Mỹ”, ông Huang nói. Nhưng ngày hôm sau, người đàn ông trên đã nói xin lỗi về lời nói đùa.

Ông Huang cho biết ông đã phải vượt qua thêm vài chốt kiểm soát tạm để tới được chợ. Tại mỗi điểm kiểm soát, ông Huang phải khai thông tin cá nhân và được kiểm tra nhiệt độ. Ông cũng trải qua quy trình tương tự khi trở về nhà. Bình thường ông chỉ mất 10 phút thì nay mất gấp 3 lần thời gian như vậy.

Các nhân viên bảo vệ tình nguyện có thể chỉ là tạm thời, nhưng họ xem công việc của họ rất quan trọng. Một ngày, người hàng xóm của ông trở về nhà trong tình trạng say xỉn và từ chối giải thích tại sao ông lại đi vắng trong hơn 1 ngày. Các nhân viên bảo vệ đã gọi tới 8 cảnh sát để khống chế người đàn ông..

“Tôi đã có mặt ở đó, nhưng tôi không được phép chụp ảnh”, ông Huang nói.

Chắc chắn các chốt kiểm soát rất chặt chẽ, ông Huang cho biết, nhưng họ không phải là không có lúc lơi là. Ông có một người bạn sống ở thị trấn bên cạnh đã thoát được để đi bơi ở sông mỗi ngày.

Một ngày tuần trước, một người đàn ông từ tỉnh lân cận đã đi vào thị trấn của ông Huang sau chuyến đi bộ kéo dài 4 ngày dọc các con đường nhỏ và không phải qua các chốt kiểm soát. “Có nhiều lỗ hổng”, ông nói.

Người Mỹ gốc Hoa lên tiếng từ vùng bị cách ly: Ai cũng chán lắm rồi - 2

Thành phố Thượng Hải thường ngày sầm uất mà nay vắng lặng (Ảnh: Reuters)

Huang cho hay vấn đề lớn nhất là cảnh buồn tẻ và vắng vẻ của thị trấn. Các giao tiếp giữa người với người ngày càng ít hơn và hiếm hoi hơn khi giới chức địa phương thay đổi các quy định nhằm kiểm soát virus. Giờ đây, mỗi gia đình chỉ được cử một thành viên ra ngoài để mua thực phẩm cứ 2 ngày 1 lần.

“Ở đây ai cũng chán lắm rồi”, ông Huang nói cùng tiếng thở dài.

Sau khi tốt nghiệp Đại học California-Berkeley, ông Huang lập gia đình tại Mỹ và trở thành công dân Mỹ. Khi cha ông qua đời vào năm 2003, ông và vợ về Trung Quốc để chăm mẹ già và chọn Zhicheng là nơi sinh sống của họ.

Vào năm 2012, mẹ của ông Huang đã bị liệt do bị xuất huyết não và cần có người giúp việc. Sau khi người vợ của ông Huang qua đời vì bệnh ung thư 2 năm trước, giờ chỉ còn ông, người mẹ và người giúp việc.

Huang cho biết hiện thời ông vẫn sống tại Zhicheng cùng người mẹ già. Nhưng khi về hưu, ông không muốn ở lại Trung Quốc.

An Bình

Theo NYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm