Người Mỹ có thể phải mòn mỏi chờ kết quả bầu cử tổng thống
(Dân trí) - Sau đêm bầu cử vào ngày 3/11 tới, người Mỹ có thể vẫn chưa biết ai sẽ là tổng thống tiếp theo của họ bởi kết quả bầu cử có thể bị chậm so với thông thường do nhiều yếu tố tác động.
Gần 20 năm trôi qua kể từ khi người Mỹ thức dậy vào một buổi sáng mùa thu sau ngày bầu cử tổng thống và vẫn không biết chắc chắn ai sẽ là người tiếp theo điều hành đất nước. Họ phải chờ đợi thêm 36 ngày nữa để cuộc "so kè" giữa ông Al Gore và George W. Bush có kết quả chính thức.
Kịch bản đó có thể sẽ lặp lại trong cuộc bầu cử năm nay bởi nhiều lý do.
Tỷ lệ bỏ phiếu qua thư cao kỷ lục
Xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu để tận tay bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu là cách phổ biến mà cử tri vẫn làm ở các kỳ bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng bỏ phiếu qua thư (gửi qua bưu điện) ngày càng phổ biến. Ngày càng nhiều bang ở Mỹ cho phép bỏ phiếu qua thư vì lý do vắng mặt hay bất kỳ lý do nào. Năm 2020 đại dịch Covid-19 có thể khiến số cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư cao chưa từng có, khoảng 80 triệu người, gấp đôi so với năm 2016.
Tuy nhiên, vấn đề hiện giờ là việc bỏ phiếu qua thư có thể bị chậm trễ và làm dấy lên những hoài nghi xung quanh cách thức kiểm phiếu.
Các bang có thẩm quyền lớn trong việc quyết định quy tắc bỏ phiếu, trong đó có việc áp thời hạn bỏ phiếu qua thư. Pennsylvania sẽ chỉ coi các lá phiếu nhận được trước 20h địa phương vào ngày bầu cử là hợp lệ, trong khi California chấp nhận tất cả lá phiếu có dấu bưu điện trước ngày bỏ phiếu ngay cả khi vài tuần sau đơn vị bầu cử mới nhận được lá phiếu.
Một số địa phương buộc phải đưa ra chỉ thị khẩn cấp nhằm kéo dài thời hạn trong giai đoạn bầu cử sơ bộ năm 2020 do quá trình gửi-nhận phiếu qua bưu điện mất nhiều thời gian và điều này có thể lặp lại trong cuộc bầu cử chính thức vào tháng 11 tới.
Bầu cử trực tiếp sẽ kéo dài hơn
Các cuộc bầu cử sơ bộ năm nay ở Mỹ cũng phần nào cho cử tri ở đây biết trước những vấn đề có thể xảy ra với hình thức bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử. Các bang từ New York tới Alaska đang xoay sở để duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống hiện vẫn được xem là phổ biến nhất này. Năm nay các vấn đề cố hữu như máy móc trục trặc có thể còn phức tạp hơn do thiếu nhân lực và việc xếp hàng bỏ phiếu cũng mất nhiều thời gian hơn do quy định giãn cách xã hội.
Bang Kentucky đã phải giảm bớt đáng kể số điểm bỏ phiếu và đề nghị kéo dài thời gian bỏ phiếu. Alaska buộc tất cả cử tri ở một số khu vực phải bỏ phiếu qua thư bởi không có điểm bỏ phiếu nào được mở. Trong khi đó, chính quyền Georgia đang phải đối mặt với các kiện cáo liên quan đến trục trặc máy kiểm phiếu.
Thách thức với việc kiểm phiếu
Hai yếu tố lớn có thể khiến quá trình kiểm phiếu năm nay mất nhiều thời gian hơn dẫn đến việc chậm công bố ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ đó là: tỷ lệ cử tri bỏ phiếu qua thư tăng mạnh và việc cố tình trì hoãn.
Mặc dù có sự chênh lệch, nhưng quá trình kiểm phiếu thông thường bắt đầu ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Các phiếu bầu trực tiếp được bảo mật và chuyển đến trung tâm chính quyền để kiểm tra trước. Sau khi hoàn thành, giới chức bầu cử địa phương bắt đầu kiểm đếm số phiếu gửi qua bưu điện. Quá trình kiểm phiếu qua thư mất nhiều thời gian hơn bởi phải đối chiếu chữ ký cử tri trên phiếu với chữ ký trên thẻ đăng ký. Với số người bỏ phiếu qua thư được dự báo tăng gấp đôi, thời gian kiểm phiếu bầu cử tổng thống Mỹ năm nay dự kiến sẽ kéo dài hơn thông thường.
Hơn nữa, trong quá trình kiểm phiếu, có thể có những lá phiếu bị coi là không hợp lệ nên sẽ phải kiểm tra lại hoặc bị hủy bỏ. Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump được cho là đang lên kế hoạch lập ra một đội ngũ giám sát mà giới quan sát cho rằng họ có thể tìm cách trì hoãn việc kiểm phiếu.
Hàng loạt thách thức pháp lý
Đến nay đã có hơn 190 vụ kiện liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ 2020 ở 43 bang để khiếu nại hàng loạt vấn đề từ quy định nhận dạng trong quy trình bỏ phiếu qua thư ở Oklahoma đến tính pháp lý của những thay đổi đối với ngày bỏ phiếu sơ bộ do ảnh hưởng của Covid-19. Những thách thức trước thềm bầu cử có thể làm chậm quá trình bỏ phiếu và công bố kết quả. Trong cuộc bầu cử năm 2000, ông Al Gore ban đầu công nhận kết quả bầu cử, nhưng sau đó rút lại và đề nghị kiểm lại phiếu. Tòa án liên bang sau đó buộc phải ra phán quyết cho phép kiểm phiếu lại.
Ứng viên muốn trì hoãn công nhận kết quả bầu cử
Các nghiên cứu chỉ ra, những năm gần đây, cử tri Dân chủ sử dụng hình thức bỏ phiếu qua thư nhiều hơn cử tri Cộng hòa. Trước kia, bỏ phiếu qua thư thường áp dụng với người cao tuổi, những người vắng mặt thì hiện giờ xu hướng này đã chuyển sang những cử tri đi làm không có thời gian để đi bỏ phiếu trực tiếp và thường là cử tri Dân chủ.
Do đó, có lý do để tin rằng bỏ phiếu qua thư sẽ có lợi cho ứng viên Dân chủ Joe Biden. Mặt khác, ông Trump có lý do để không công nhận kết quả nếu thua trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Ông Trump nhiều lần đưa ra cáo buộc không bằng chứng rằng đảng Dân chủ “đánh cắp” cuộc bầu cử năm nay và rằng chỉ có gian lận mới có thể đánh bại ông.