Người Iran vật lộn mưu sinh giữa “vòng vây” trừng phạt và quân sự của Mỹ
(Dân trí) - Người Iran đang trải qua những ngày tháng khó khăn với tương lai bất định khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Hãng tin AP đã phỏng vấn một số người dân Iran vào ngày 2/7, một ngày sau khi chính quyền Iran thừa nhận đã sở hữu lượng uranium làm giàu vượt mức quy định theo thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Tehran và các cường quốc hồi năm 2015. Từ giáo viên tiếng Anh cho tới người kinh doanh thiết bị, tất cả đều nói rằng họ đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Mỹ vội vã triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và hàng nghìn quân bổ sung tới Trung Đông. Mặc dù Iran tuyên bố không tìm kiếm chiến tranh, song nước này gần đây đã bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump ngày 2/7 cảnh báo Iran đang “chơi đùa với lửa” khi dám “phá rào” về hạn mức uranium làm giàu. Các nước phương Tây vẫn lo ngại Iran tích trữ nhiên liệu để chế tạo bom hạt nhân, trong khi Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua đã kêu gọi Iran “thể hiện sự kiềm chế, đừng để cảm xúc chi phối”. Trung Quốc bày tỏ sự tiếc nuối, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc Iran giảm kho vũ khí của nước này.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã chỉ trích việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự gần lãnh thổ Iran trong một bài phát biểu trên truyền hình.
“Họ nghĩ rằng họ có thể đến và xâm chiếm một đất nước bằng cách triển khai 4 tàu chiến tới khu vực”, ông Larijani nói.
Chủ tịch Quốc hội Iran cũng cảnh báo các nước khác trong khu vực không tham gia vào bất kỳ liên minh nào của Mỹ để chống lại Tehran.
“Nếu họ tập hợp lại để chống đối chúng tôi, họ sẽ phải trả giá vì việc đó”, ông Larijani cảnh báo.
Sự mất giá của đồng nội tệ rial đã ảnh hưởng tới số tiền tiết kiệm của một nhân viên ngân hàng về hưu, trong khi một thanh niên trẻ nói rằng những người ở độ tuổi của anh đều muốn rời khỏi đất nước.
“Nên có một số cuộc đàm phán. Cả hai bên nên đối thoại theo cách thân thiện. Họ nên nghĩ về những người dân Iran, xã hội Iran và xã hội Mỹ. Những người trẻ không đáng phải hứng chịu nhiều hơn thế”, Nahroba Alirezei, giáo viên tiếng Anh 35 tuổi, nói.
Cuộc sống khó khăn
Sajjad Nazary đã nghĩ tới việc rời khỏi Iran để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. (Ảnh: AP)
Trong khi chính quyền Iran cho rằng việc thách thức phương Tây bằng chương trình hạt nhân của nước này là cần thiết, một số người dân như Sajjad Nazary, sinh viên đại học 23 tuổi ở thủ đô Tehran, nhận định động thái này của chính quyền Iran sẽ càng dẫn tới những thiệt hại nặng nề về kinh tế.
“Thay vì chương trình hạt nhân, người dân Iran cần bánh mì. Họ muốn tình hình kinh tế tốt hơn. Vấn đề ở đây là với năng lượng hạt nhân, bạn không thể khiến các con của mình no bụng”, Nazary nói với AP.
Tuy vậy, giống như nhiều người khác, Nazary không tin chiến tranh sẽ nổ ra.
“Ông Trump đủ thông minh để biết phải làm gì, và ông ấy sẽ không đời nào gây hại cho chính mình bằng cách như vậy. Tình hình vẫn nguy hiểm, nhưng không ai trong chúng tôi biết về chính trị. Đây có lẽ chỉ là một lời đe dọa để nhắc nhở giới chức Iran nhận thức được vấn đề”, Nazary nói về mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Khi được hỏi về khó khăn của nền kinh tế Iran, Mehdi Hamzeh Nia, một người bán hàng 39 tuổi, không chỉ đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà còn cho cách quản lý yếu kém của chính quyền. Vào thời điểm thỏa thuận hạt nhân được ký kết, 32.000 rial đổi được 1 USD. Còn bây giờ, con số này đã tăng lên chóng mặt khi 130.000 rial mới đổi được 1 USD.
Tàu sân bay Mỹ hoạt động tại vùng biển gần Iran hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Kể từ sau Cách mạng Iran năm 1979, chính quyền Iran luôn ở trong tình trạng chao đảo giữa các cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều này có liên quan tới quá trình lên kế hoạch yếu kém cũng như vấn nạn tham ô, và các lệnh trừng phạt của Mỹ càng khiến tình hình trở nên tệ hơn.
“Tôi nghĩ 50% (nguyên nhân) có liên quan tới các lệnh trừng phạt, còn 50% là do vấn đề nội bộ. Ngay cả khi 50% vấn đề bên ngoài được giải quyết mà 50% vấn đề nội bộ chưa được giải quyết, tình hình của chúng ta vẫn sẽ xấu đi”, Nia nhận định.
Đồng rial mất giá cũng khiến cuộc sống của những người nghỉ hưu trở nên khó khăn hơn. Yussuf, một người nghỉ hưu cho biết, mọi thứ vẫn rất khó khăn đối với những người có thu nhập cố định như ông. Yussuf phải nhận thêm các công việc lặt vặt để trang trải cho cuộc sống của mình.
“Tôi nghĩ càng trong bối cảnh khó khăn, càng dễ đưa ra những quyết định khôn ngoan. Tôi cho rằng giới chức (Iran) ở thời điểm hiện tại sẽ không để cho chúng tôi rơi xuống vực”, Yussuf cho biết.
Tuy vậy, Yussuf vẫn không ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Trump.
“Trước đây ông ấy không phải là người dễ đoán, nhưng bây giờ có thể đoán được ông ấy. Hầu hết mọi người trên thế giới đều nhận thấy rõ rằng ông ấy chỉ nghĩ về các lợi ích của Mỹ”, Yussuf nói.
Cả Nazary và Hamezh Nia, hai người trẻ tuổi, đều nói rằng họ đã nghĩ tới việc rời khỏi Iran. Nia cho biết anh lo lắng về việc làm thế nào để nuôi cả gia đình, trong đó có cậu con trai 5 tuổi.
“Chúng tôi muốn rời đi, nếu tình hình vẫn cứ như vậy. Không có tương lai cho bạn ở đây”, Nia cho biết.
Tuy nhiên, đối với Alirezei, một giáo viên tiếng Anh, mối quan tâm cấp bách nhất hiện nay là cần hạ nhiệt căng thẳng.
“Việc dùng những lời đe dọa để đáp trả đe dọa không phải là ý kiến hay”, Alirezei nói.
Khi được hỏi cô hy vọng điều gì, Alirezei cho biết: “Hòa bình, chỉ cần hòa bình thôi”.
Thành Đạt
Tổng hợp