1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Người giàu nhất thế giới vào cuộc giúp ông Trump tranh cử

Minh Phương

(Dân trí) - Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk muốn giúp ông Donald Trump giành ưu thế trước Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Người giàu nhất thế giới vào cuộc giúp ông Trump tranh cử - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tỷ phú Elon Musk (Ảnh: DPA).

Tối 12/8, tỷ phú Elon Musk đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp kéo dài 2 giờ đồng hồ với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Cuộc phỏng vấn được phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội X (trước kia là Twitter) của tỷ phú Musk và thu hút được khoảng 1 tỷ lượt xem.

Cuộc trò chuyện này lại là một diễn biến khác thường nữa trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vốn đầy bất ngờ trong những tuần gần đây, bao gồm cả vụ ám sát "hụt" ông Trump và việc Tổng thống Joe Biden đột ngột dừng tái tranh cử.

Ông Trump đang vật lộn để đối phó với ứng cử viên mới đầy hứa hẹn của đảng Dân chủ. Đến nỗi, trong cuộc trò chuyện của 2 người, tỷ phú Musk có lúc đã gợi ý cho ông Trump để đưa ra những lập luận tốt hơn trước bà Harris.

Trong buổi đối thoại đó, tỷ phú Musk đã thể hiện rõ sự ủng hộ và mong muốn ông Trump giành được vị trí tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới. "Ông là con đường dẫn đến thịnh vượng", ông chủ hãng xe điện Tesla nói với cựu Tổng thống Trump.

Với tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội của mình, ông Musk đã mang về cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa một lượng khán giả khổng lồ vào đúng thời điểm chiến dịch của ông Trump ở thời điểm tồi tệ nhất cho đến nay. Ông dự đoán ít nhất 100 triệu người sẽ tiếp tục tìm kiếm nội dung trong những ngày tới.

Tất nhiên, cuộc trò chuyện thân mật giữa người giàu nhất thế giới và cựu Tổng thống cũng cho thấy lợi ích mà mỗi người đạt được.

Trước hết, ông Musk đã tận dụng được cuộc trò chuyện này để thảo luận về những xung đột lợi ích tiềm ẩn giữa doanh nghiệp và chính sách. Các công ty của ông Musk, bao gồm SpaceX và Tesla, đều có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong chính sách của chính phủ. Rõ ràng, không một người Mỹ bình thường nào có cơ hội tương tự để được một tổng thống tương lai lắng nghe như vậy.

Có lúc, tỷ phú Musk thậm chí còn đề nghị được đảm nhiệm một vị trí trong chính phủ Mỹ, có thể là thành viên của cơ quan chuyên trách cắt giảm bộ máy hành chính. Ông Trump tỏ ra thích thú với ý tưởng này và lưu ý rằng tỷ phú Musk là "chuyên gia cắt giảm chi phí" tuyệt vời.

Ngược lại, ông Trump cũng thu được rất nhiều lợi ích từ "khoản đầu tư" hơn 2 giờ của mình. Tỷ phú Musk không chất vấn cựu Tổng thống về bất kỳ ý kiến gây tranh cãi nào mà ông từng đưa ra, như dự đoán 60 triệu người di cư không có giấy tờ sẽ vào Mỹ nếu ông thua cuộc vào tháng 11.

Trong cuộc nói chuyện, ông Musk cũng đã hạ thấp mối đe dọa từ tình trạng nóng lên toàn cầu, đồng thời bảo vệ đế chế xe điện của mình. Về phần mình, ông Trump cảnh báo về mối đe dọa từ "sự nóng lên hạt nhân" mà ông cho rằng đang gây ra mối nguy hiểm lớn hơn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Cuộc trò chuyện này là một ví dụ rõ ràng cho thấy cuộc chạy đua tổng thống ngày càng bị ảnh hưởng như thế nào bởi phương tiện truyền thông trước sự suy yếu của báo chí truyền thống. Ông Trump có thể đã không trở thành tổng thống nếu không có Twitter, vì sự nổi lên của ông như một thế lực chính trị vào năm 2016 trùng với thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội này.

Tỷ phú Musk hiện là người giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính 227 tỷ USD. Ông luôn tự nhận là cá nhân độc lập về mặt chính trị và tránh xa chính trường. Đầu năm nay, ông cũng từng tuyên bố sẽ không tài trợ cho ứng viên tổng thống nào, kể cả ông Trump hay ông Biden.

Tuy nhiên, gần đây, tỷ phú Musk bắt đầu công khai ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của cựu Tổng thống Trump. Wall Street Journal đưa tin hồi tháng 5, ông Trump và ông Musk đã thảo luận về kịch bản tỷ phú SpaceX sẽ nắm một vai trò nào đó trong chính quyền của ông Trump nếu ông tái đắc cử.

Theo New York Times