1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Đức có cái nhìn khác về người tị nạn

Gần 2 tuần sau khi xảy ra những vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối tình dục nhằm vào phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua ở một số thành phố tại Đức, dường như nhiều người dân Đức đã có cái nhìn khác về người tị nạn.

Người tị nạn đến Đức. (Ảnh: AP)

Kết quả cuộc thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu Yougov công bố ngày 12/1, cho thấy với 61% số ý kiến phản đối và chỉ có 25% người ủng hộ, chứng tỏ ngày càng có nhiều người dân Đức phản đối việc tiếp nhận người di cư nước ngoài.

Trong khi đó, số người lạc quan cho rằng Đức vẫn có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng đã giảm khi chỉ còn 15% số ý kiến nhận định Berlin còn khả năng tiếp nhận thêm người tị nạn so với mức 29% hồi tháng 9/2015.

Cũng theo kết quả thăm dò, có tới 63% số ý kiến cho rằng lượng người tị nạn như hiện nay ở Đức là quá nhiều.

Ngày 11/1, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ phong trào “Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hoá phương Tây” (PEGIDA) đã tập trung tại thành phố Leipzig ở miền Đông nước Đức để phản đối dòng người tị nạn nước ngoài tới nước này, đối tượng bị cho là đã gây ra một loạt các vụ tấn công, cướp và quấy rối phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua tại nhiều thành phố của Đức.

Đám đông cũng hô vang các khẩu hiệu với nội dung phản đối và kêu gọi trục xuất người tị nạn nước ngoài.

Mục đích của LEGIDA là nhằm phản đối các vụ tấn công nhằm vào phụ nữ ở thành phố Cologne ở miền Tây nước Đức đêm 31/12 vừa qua, nơi hàng trăm phụ nữ đã bị một nhóm những người di cư được cho là đến từ các nước Arab và Bắc Phi sàm sỡ, quấy rối và cướp bóc.

Trước những diễn biến đáng lo ngại ở trong nước, tờ báo DWN (Tình hình kinh tế Đức) đưa tin, Thủ tướng Merkel đã phải hủy kế hoạch tới Davos (Thụy Sĩ) dự Diễn đàn Kinh tế thế giới để tập trung giải quyết công việc trong nước. Chính phủ liên minh của bà hiện đang thúc đẩy thông qua các luật mới trừng phạt hoặc trục xuất những người di cư phạm tội.

Hiện Đức đang là điểm đến ưa thích đối với hàng trăm nghìn người tị nạn đang tháo chạy khỏi các vùng xung đột ở Trung Đông và châu Phi, phần lớn là do chính sách phúc lợi mà nước này cung cấp.  Hội đồng Chuyên gia Kinh tế Đức tháng trước công bố báo cáo thường niên, dự đoán tổng chi bổ sung có thể lên đến gần 15,7 tỷ USD cho người tị nạn trong năm 2016.

Theo B.T

Đại đoàn kết