1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người biểu tình đòi minh bạch tài sản hơn 40 tỷ USD của hoàng gia Thái Lan

Minh Phương

(Dân trí) - Hai năm sau khi Cục Tài sản Hoàng gia Thái Lan chuyển khối tài sản hơn 40 tỷ USD thành tài sản thuộc sở hữu của Nhà vua Maha Vajiralongkorn, biểu tình đã nổ ra đòi minh bạch tài chính của hoàng gia.

Người biểu tình đòi minh bạch tài sản hơn 40 tỷ USD của hoàng gia Thái Lan - 1

Người biểu tình xuống đường ở Bangkok ngày 13/10 (Ảnh: Getty)

Trong một thông cáo chưa từng có tiền lệ, Cục Tài sản Hoàng gia Thái Lan (CPB) ngày 16/6/2018 cho biết đã chuyển toàn bộ quyền kiểm soát danh mục đầu tư trị giá hơn 40 tỷ USD mà cơ quan này quản lý hơn 80 năm sang cho Nhà vua Maha Vajiralongkorn.

"Toàn bộ tài sản do Cục Tài sản Hoàng gia quản lý sẽ chuyển thành tài sản thuộc sở hữu của Nhà vua, do vậy khối tài sản đó sẽ do Nhà vua quản lý", thông báo của CPB nêu rõ. Thông cáo cũng cho biết, khối tài sản được chuyển cho Nhà vua sẽ bị tính thuế.

Đây được coi là động thái chưa từng có tiền lệ đối với khối tài sản ước tính hơn 40 tỷ USD của hoàng gia Thái Lan. Các tài sản này gồm các bất động sản có giá ở trung tâm thủ đô Bangkok cũng như cổ phần trong các doanh nghiệp lớn của Thái Lan. Việc chuyển nhượng tài sản này đưa Nhà vua Maha Vajiralongkorn trở thành một trong những thành viên hoàng gia giàu có nhất thế giới.

Hơn hai năm sau quyết định gây tranh cãi của CPB, khối tài sản hơn 40 tỷ USD trở thành tâm điểm của làn sóng biểu tình lan rộng ở Thái Lan trong bối cảnh kinh tế Thái Lan suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19 và người dân bất bình việc Nhà vua 68 tuổi dành phần lớn thời gian sống ở Đức giữa lúc đất nước đối mặt với khó khăn.

Người biểu tình yêu cầu minh bạch tài sản và hạn chế quyền lực của hoàng gia. Hồi tháng 8, sinh viên Đại học Thammasat biểu tình đề nghị Nhà vua trao lại quyền kiểm soát khối tài sản trên cho CPB và đặt nó dưới sự giám sát của chính phủ.

Một số người biểu tình cũng kêu gọi tẩy chay Ngân hàng thương mại Siam, ngân hàng mà Nhà vua Vajiralongkorn nắm gần 24% cổ phần. Lo ngại người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Thái Lan đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng các định chế tài chính của Thái Lan vẫn có đủ thanh khoản.

Người biểu tình đòi minh bạch tài sản hơn 40 tỷ USD của hoàng gia Thái Lan - 2

Cảnh sát được triển khai ngày 14/10 để đảm bảo an ninh trước làn sóng biểu tình chống chính phủ (Ảnh: Reuters)

Pongkwan Sawasdipakdi, giảng viên tại Đại học Thammasat, bình luận: “Một trong những quan tâm hàng đầu của người dân là vì sao hoàng gia có thể tích lũy khối tài sản lớn như vậy, chúng ta thực sự không biết”.

Tamara Loos, giáo sư sử học và nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Cornell nhận định: “Những yêu cầu của người biểu tình đòi kiểm toán tài chính của Nhà vua là chưa từng có tiền lệ”.

Các chính khách đối lập, trong đó có nghị sĩ Thanathorn Juangroongruangkit, cũng chất vấn về 1 tỷ USD quỹ công dành cho hoàng gia trong ngân sách năm 2020 bao gồm chi phí an ninh, du lịch, nghi lễ và "các hoạt động đặc biệt" trong bối cảnh nền kinh tế Thái Lan có nguy cơ suy giảm 8% trong năm nay.

Anon Nampa, thủ lĩnh phong trào biểu tình, cho rằng ngân sách dành cho hoàng gia “quá thừa thãi” và “được tăng không cần thiết”. Trong khi đó, các nghị sĩ của Đảng Tiến lên, đảng đối lập chỉ trích hoàng gia gay gắt nhất, dùng quyền hạn của họ ở quốc hội để điều tra chi tiêu của hoàng gia. Họ chỉ ra rằng, kể từ khi Nhà vua Vajiralongkorn lên kế vị ngai càng, chi tiêu của hoàng gia đã tăng mạnh.